The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI Đắk Lắk: Cần sự đột phá

Trong bối cảnh các tỉnh, thành trong cả nước đã và đang có rất nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khoảng cách về điểm số giữa các tỉnh, thành trong Bảng xếp hạng PCI theo đánh giá của VCCI đang ngày càng có xu hướng thu hẹp lại thì có thể nói “tốc độ chuyển mình” của Đắk Lắk còn chưa thật sự có nhiều đột phá để bắt kịp các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Hiện trạng

Trên cơ sở kết quả chỉ số PCI công bố hàng năm, tỉnh Đắk Lắk đều tổ chức đánh giá, phân tích kết quả đạt được, nguyên nhân làm giảm điểm các chỉ số thành phần và đề ra giải pháp cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh năm tiếp theo.

Một số nỗ lực của tỉnh bước đầu mang lại tín hiệu tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận thông qua điểm số PCI hằng năm đều có tăng về mặt điểm số. Một số chỉ số đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể như chỉ số Chi phí không chính thức (năm 2018 lên 23 bậc, xếp thứ 21/63), chỉ số Chi phí thời gian (năm 2018 lên 15 bậc, xếp thứ 33/63), một số chỉ số ở nhóm tốt trong bảng xếp hạng cả nước (ví dụ chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 9/63 tỉnh thành).

Theo Báo cáo của VCCI, năm 2018 PCI của tỉnh Đắk Lắk mặc dù tăng về mặt điểm số, tuy nhiên do mức độ tăng không đáng kể, dẫn đến giảm sâu về mặt thứ hạng. Qua phân tích từng chỉ số thành phần, chỉ số PCI năm 2018 của tỉnh giảm sâu về mặt thứ hạng do ảnh hưởng từ 5 chỉ số: Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể:

-Chỉ số Tiếp cận đất đai: chỉ số này hạ đến 23 bậc, từ thứ 10/63 xuống thứ 33/63, trong khi năm 2017 tỉnh Đắk Lắk thuộc top 10 tỉnh có chỉ số tiếp cận đất đai tốt nhất cả nước.

-Chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh: chỉ số này của tỉnh rất thấp, nhóm cuối cả nước (thứ 51/63), hạ 18 bậc so với năm 2017.

- Chỉ số Tính minh bạch: chỉ số này hạ 14 bậc, cũng ở nhóm thấp so với cả nước (thứ 46/63).

- Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: chỉ số này năm nay hạ đến 19 bậc (xếp thứ 39/63).

- Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường: tuy tăng 2 bậc so với các tỉnh thành khác nhưng nhìn chung chỉ số này của tỉnh đang ở vị trí rất thấp (thứ 58); năm 2018 có cải thiện nhưng không đáng kể, 2 năm liền ở vị trí rất thấp so với cả nước; doanh nghiệp của tỉnh phản ánh đang gặp rất nhiều khó khăn để chính thức đi vào hoạt động.

Trong năm 2018, việc chỉ số PCI của tỉnh giảm mạnh ngoài một số nguyên nhân chủ quan từ phía nội tại của các cấp, ngành trong toàn tỉnh thì phải kể đến nguyên nhân chính là do trong năm, thực hiện Thông báo số 53 của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất tại tỉnh, các thủ tục đất đai, đầu tư có liên quan trên địa bàn tỉnh hầu như đều phải tạm ngừng đề chờ kết luận chính thức từ phía Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết, tháo gỡ vấn đề, hướng dẫn, thông báo và giải thích cụ thể cho nhà đầu tư, song tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn bị tác động không nhỏ.

Giải pháp?

Trên cơ sở kết quả phân tích từng chỉ số thành phần, nguyên nhân chính làm giảm năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2018 và những năm gần đây; để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh và trên hết là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 2541/KH-UBND ngày 03/4/2019 của UBND tỉnh) và kế hoạch thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số PCI của tỉnh năm 2019 (Kế hoạch số 4415/KH-UBND ngày 03/6/2019 của UBND tỉnh). Trong đó giao vai trò đầu mối chủ trì, theo dõi và tham mưu triển khai đối với từng chỉ số thành phần cho một cơ quan cụ thể. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức triển khai tốt chỉ số thành phần do cơ quan, đơn vị mình phụ trách và có trách nhiệm báo cáo, giải trình cụ thể với UBND tỉnh.

Đồng thời, trong thời gian tới, UBND tỉnh xác định một số nội dung cần tập trung thực hiện như sau:

- Nêu cao vai trò trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành, kịp thời có kiến nghị gửi đến các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc liên quan các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận được các hồ sơ quy hoạch, địa điểm đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

- Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các Chương trình, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ; các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

- Tập trung chỉ đạo để Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động hiệu quả, thực chất; tránh phát sinh thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp, tạo được tính liên thông, rút ngắn chi phí thời gian, chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công trên toàn tỉnh.

- Cải thiện chỉ số Tính minh bạch: Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành đơn vị phải chủ động cải tiến, tăng độ mở của website, cung cấp thường xuyên, kịp thời các thông tin liên quan cho doanh nghiệp; tiếp tục làm tốt Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả mô hình cà phê doanh nhân – doanh nghiệp; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, các hội ngành nghề phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, để các thông tin về chỉ đạo, điều hành của tỉnh đến gần hơn với doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; triển khai mô hình đối thoại doanh nghiệp tại các cấp huyện.

- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp; các cán bộ quản lý, vận hành tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp... Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, xã hội hóa trong cung cấp các dịch vụ về hỗ trợ doanh nghiệp.

- Kịp thời kiến nghị với Trung ương giải thích một số nội dung được quy định tại Điều 110 và Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 để tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các địa phương trong toàn quốc thống nhất cùng một cách hiểu để triển khai, thực hiện trong giải quyết các dự án có sử dụng đất.

- Tăng cường rà soát, đối chiếu kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành, địa phương và chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên, Kiểm toán nhà nước để xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp phải chấp hành nhiều hơn 1 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm.

Đình Xuân Hà Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk

Theo Vietnam Business Forum