The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI - DDCI: Cặp đôi phục vụ doanh nghiệp

Chỉ 5 năm qua, tức từ năm 2012-2017, dòng vốn FDI đổ vào Quảng Ninh đã đạt trên 3 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN

Những kết quả về cải cách thủ tục hành chính, nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây và đặc biệt thành tích đứng đầu bảng xếp hạng PCI năm 2017 chưa phải là điểm dừng để tỉnh này tiếp tục cải cách.

Để có được thành công này là cả một quá trình, một chặng đường cải cách bền bỉ và quyết liệt của toàn hệ thống chính trị qua nhiều thời kỳ, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh và cũng là thành viên Tổ công tác PCI đã khẳng định với phóng viên TTXVN như vậy, trong cuộc trao đổi dưới đây.

Phóng viên: Yếu tố nào đã giúp tỉnh Quảng Ninh đạt được những dấu ấn đáng nhớ trong bảng xếp hạng PCI những năm gần đây, đặc biệt là năm vừa qua, thưa bà?

Bà Vũ Thị Kim Chi: Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là ở mọi cấp, ngành và địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đã giúp cho Quảng Ninh không chỉ đạt được ngôi vị cao nhất và dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mà còn tạo tiền đề thu hút dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nếu như giai đoạn từ 1986-2011 là 15 năm, chúng tôi chỉ thu hút được 3,39 tỷ USD, thì chỉ 5 năm qua, tức từ năm 2012-2017, dòng vốn FDI đổ vào Quảng Ninh đã đạt trên 3 tỷ USD, nâng tổng số vốn đầu tư FDI của Quảng Ninh hiện nay tăng trên 6 tỷ USD.

Cùng với đó là sự hiện diện của các nhà đầu tư tới từ Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và những tập đoàn tư nhân lớn nhất nhì Việt Nam đã và đang tạo động lực mạnh mẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế của Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Để có được điều này, đầu tiên phải kể tới Quảng Ninh đã xác định vai trò tiên quyết của người đứng đầu gắn với việc quyết định sự thành công của các chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Theo đó, hàng năm phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phân công trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành gắn với việc thực hiện các chỉ số PCI thành phần có liên quan. Mỗi sở, ngành đều phải lên các chương trình hành động riêng và định kỳ có đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo hoặc tổ chức gặp mặt lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Một yếu tố mềm không kém phần quan trọng là Quảng Ninh đã quyết liệt trong việc cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Theo đó, thay đổi tư duy và phương thức xúc tiến đầu tư với suy nghĩ và hành động từ góc nhìn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp; thay đổi tư duy từ cấp phép, cho phép sang cách nghĩ là phục vụ, chăm sóc nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Với nhiều cách thức, chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là xúc tiến đầu tư tại chỗ với phương châm phục vụ, chăm sóc tối ưu, đồng hành sát cánh cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động.

Bất cứ lúc nào, doanh nghiệp đều có thể gặp trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh. Hàng quý, lãnh đạo cao nhất tỉnh đều tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp; hoặc tổ chức cà phê doanh nhân, hội chợ thương mại kết nối các ngân hàng....đây là những kênh hiệu quả để nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động và ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp.

Bên cạnh việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã được tiến hành nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh còn đổi mới sáng tạo và mạnh dạn ứng dụng mô hình Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).

Hiện nay, DDCI đã được triển khai nhân rộng tới 21 sở, ban ngành cùng 14 địa phương trên toàn tỉnh. Riêng năm 2017, Quảng Ninh đã mạnh dạn thí điểm triển khai Trang mạng xã hội fanpage DDCI Quảng Ninh tới 16 cơ quan.

Qua đó, mở rộng kênh tương tác với cộng đồng doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến qua mạng xã hội, chủ động đón bắt thông tin để kịp thời xử lý. Điều này thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo cấp tỉnh và các sở ban, ngành, địa phương.

Phóng viên: Kết quả của PCI và DDCI có mối tương quan nào với nhau không thưa bà?

Bà Vũ Thị Kim Chi: Lấy ý tưởng từ PCI, năm 2015, Bộ Chỉ số DDCI của Quảng Ninh đã ra đời và được tiến hành thí điểm; đồng thời, chính thức triển khai vào năm 2016. Qua đó, đã đo lường cụ thể, nhận diện rõ những mặt đã làm được, những điểm còn hạn chế cần khắc phục, góp phần cải thiện thực chất chất lượng điều hành kinh tế của các cấp chính quyền ở địa phương và các sở, ngành.

Điều này tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành, tạo động lực cải cách hành chính quyết liệt và đồng bộ. Hơn thế nữa, tạo kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ngành để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng bộ máy điều hành ở địa phương

Qua 2 năm triển khai DDCI, bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan như sự thay đổi nhận thức và vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Hàng năm, các đơn vị đều xây dựng chương trình hành động về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao PCI và DDCI; cũng như, tổ chức các buổi tập huấn nâng cao nhận thức về PCI và DDCI đến toàn thể các phòng ban, cán bộ...

Trong quá trình thực thi DDCI, cũng như Tổ công tác PCI, cá nhân tôi nhận thấy rằng, Quảng Ninh vẫn còn nhiều dư địa để cải cách. Với tinh thần, cải cách là tiến về phía trước nên các địa phương đều nỗ lực triển khai...

Tuy nhiên, phải thừa nhận, việc cải cách thủ tục hành chính vẫn phụ thuộc nhiều vào các bộ, ngành Trung ương; vẫn còn một số cơ quan chưa thực sự chủ động vào cuộc và chưa có nhiều giải pháp mới, sáng tạo; chỉ số cơ sở hạ tầng của địa phương còn đang nằm trong nhóm thấp.

Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có nhiều giải pháp mới, sáng tạo mới. Trong khi đó, kỳ vọng của doanh nghiệp thì ngày càng cao, đòi hỏi cải thiện tính minh bạch và được tạo thuận lợi nhiều hơn nữa về tiếp cận đất đai, giảm thiểu chi phí không chính thức, đảm bảo an ninh an toàn....

Phóng viên: Quảng Ninh sẽ có những hoạt động gì tiếp theo để thành tích đã có sẽ trở thành động lực phấn đấu cho các địa phương khác, thưa bà?

Bà Vũ Thị Kim Chi: Quảng Ninh còn phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn để đáp ứng hơn nữa nhu cầu và sự hài lòng của doanh nghiệp. Trên hành trình ấy, học hỏi và tham khảo kinh nghiệm từ cách làm của các địa phương khác trong cả nước chính là giải pháp hiệu quả và thiết thực, giúp Quảng Ninh duy trì và giữ vững được thành tích của mình.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thạch Huê (Thực hiện)