PCI Điện Biên: Thước đo chất lượng điều hành
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Mùa A Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Điện Biên thực hiện hiệu quả các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Trong thời gian qua, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ. Qua đó, môi trường kinh doanh của tỉnh đã có những cải thiện tích cực, từ một tỉnh có xếp hạng thấp, chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên năm 2015 đã tăng 10 bậc, xếp thứ 53/63 tỉnh thành cả nước và xếp thứ 9/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với một tỉnh Miền núi còn gặp nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên.
Điện Biên phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có hơn 1.670 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đồng thời xây dựng đội ngũ doanh nhân trong tỉnh ngày càng lớn mạnh, có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập. Xin ông cho biết giải pháp thực hiện các mục tiêu trên?
Về hỗ trợ doanh nghiệp, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Điện Biên đã kịp thời xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung các giải pháp cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin trên Cổng TTĐT và số điện thoại đường dây nóng, thực hiện gặp gỡ doanh nghiệp, kịp thời tiếp nhận và chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…
Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thống nhất, ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3379/UBND-KT ngày 23/10/2016 về việc phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết.
UBND tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư năm 2016. Đồng thời, giao cho các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
– Kết quả bước đầu đạt được từ những nỗ lực đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh của Điện Biên, thưa ông?
Theo kết quả công bố của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký mới (kể cả đăng ký thuế) đối với tỉnh Điện Biên trung bình là 2,45 ngày, thời gian cấp đăng ký thay đổi trung bình là 1,82 ngày các chỉ số trên đều đạt so với chỉ tiêu cam kết.
Bởi vậy, trong năm 2016 tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 1.750 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so với mục tiêu thu hút đầu tư năm 2016 của tỉnh). Đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có tổng số 115 dự án đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký trên 17 nghìn tỷ đồng.
Năm 2016 đã có 90 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 610 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.070 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 10.440 tỷ đồng.
Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục được khuyến khích phát triển. Dự ước năm 2016 thành lập mới 25 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký là 28 tỷ đồng. Tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là 193 hợp tác xã với tổng số vốn đăng ký 267,288 tỷ đồng; thêm 1.066 hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 181,202 tỷ đồng. Tổng số hộ kinh doanh đến thời điểm hiện nay là 14.663 hộ, tổng số vốn đăng ký 1.724,860 tỷ đồng.
Điện Biên mong muốn cải thiện thực chất và hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là thước đo chất lượng điều hành của chính quyền.
– Điều đó tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế- xã hội Điện Biên năm 2016, thưa ông?
Dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (giá sản xuất) theo giá so sánh năm 2010 đạt 9.223,2 tỷ đồng, tăng 6,83% so với thực hiện năm 2015, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 3,56%; công nghiệp – xây dựng tăng 6,07%; dịch vụ tăng 8,64%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,77%, giảm 1,08%; công nghiệp – xây dựng chiếm 25,29%, tăng 0,03%; dịch vụ chiếm 48,48%, tăng 1,04% (so với năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 22,31 triệu đồng/người/năm, tăng 7,87% so với thực hiện năm 2015.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 8.481,37 tỷ đồng, đạt 104,79% so với kế hoạch, tăng 19,49% so với năm 2015.
– Theo ông, cần sự phối hợp như thế nào để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, phát huy tối đa các nguồn lực?
Để tạo điều kiện cho tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm phát triển sản xuất, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, UBND tỉnh Điện Biên mong muốn VCCI tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Điện Biên trên nhiều lĩnh vực.
Thứ nhất, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc VCCI chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh Điện Biên trong việc thực hiện các nội dung cam kết về hỗ trợ doanh nghiệp theo Chỉ đạo của Chính phủ.
Thứ hai, giúp tỉnh Điện Biên quảng bá về môi trường đầu tư, kinh doanh, xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và cơ hội đầu tư tại tỉnh Điện Biên đến với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ ba, VCCI quan tâm giúp tỉnh Điện Biên tiếp cận các dự án tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế về hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong các hoạt động đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiểu biết về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh đối với sự phát triển kinh tế của các địa phương;
Thứ năm, hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong việc cập nhật bổ sung các thông tin liên quan đến môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế cho đội ngũ doanh nhân của tỉnh Điện Biên. Phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan giúp tỉnh Điện Biên tổ chức thực hiện các “Diễn đàn về Khởi nghiệp” với nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh dành cho các đối tượng là doanh nhân trẻ, các sinh viên đã được đào tạo nhưng chưa có việc làm trong tỉnh và một số đối tượng khác…
Tỉnh Điện Biên cũng mong muốn được các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư hiến kế giúp tỉnh những nội dung, quan điểm đổi mới trong việc ban hành, thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động khuyến khích đầu tư và hỗ trợ sản xuất kinh doanh để tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả.
Đổi mới là nhu cầu nội tại để phát triển. Tôi tin rằng trong thời gian tới, với các giải pháp đồng bộ, thực chất, Điện Biên sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.
– Xin cảm ơn ông!
Lê Trang – thực hiện