The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI Đồng Tháp: Nhìn từ tỉnh bạn

Nếu như DDCI, mô hình IPA, Trung tâm Hành chính công là những sáng kiến mà Quảng Ninh tiên phong thực hiện nhằm nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, điều hành phát triển kinh tế, thì ở các tỉnh như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Cần Thơ… cũng có rất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay cần học tập như mô hình: Bác sĩ doanh nghiệp, Cafe doanh nhân, Thứ 2 cho doanh nghiệp, Năm doanh nghiệp…

Với sáng kiến mô hình Cafe doanh nhân, Đồng Tháp đã được nhiều tỉnh, thành phố học tập kinh nghiệm, triển khai đem lại hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Từ quan điểm muốn chia sẻ những khó khăn, thuận lợi và đồng hành cùng doanh nghiệp, cuối năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có sáng kiến, mở Cafe doanh nhân trong khuôn viên của UBND tỉnh để đón tiếp doanh nghiệp. Ban đầu, tỉnh tổ chức Cafe doanh nhân tuần, nhưng đến nay, hoạt động này được duy trì mỗi ngày, từ 6h30’-7h30’, các lãnh đạo đều ngồi ở quán cà phê của khuôn viên uỷ ban để gặp gỡ đầu ngày với doanh nghiệp trước khi vào việc chuyên môn. Các doanh nghiệp thông qua nhiều đầu mối để gặp gỡ lãnh đạo. Văn phòng UBND tỉnh khi tiếp nhận lịch sẽ chuyển email nội dung cho đại diện các sở, ngành liên quan từ chiều hôm trước lên phương án giải quyết cho doanh nghiệp vào sáng hôm sau. Môi trường Cafe doanh nhân đã tạo sự tương tác hai chiều cho doanh nghiệp và chính quyền, chia sẻ thông tin. Mới đầu đây là nơi để doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, sau đó là những hiến kế, sáng kiến cho địa phương. Bởi doanh nghiệp là người sát thị trường nhất, sẽ giúp lãnh đạo tỉnh tiếp cận được tư duy thị trường và vận dụng vào việc quản lý của địa phương. Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp ở nhiều địa phương nhận định rằng: Sự lan toả của Cafe doanh nhân đã làm thay đổi tư duy từ “cưỡng bức” doanh nghiệp sang tự nguyện giúp đỡ và từ tư duy “hành là chính” sang phục vụ doanh nghiệp.

Ngày thứ 2 dành cho doanh nhân là ngày đầu tuần tất cả cán bộ của Cần Thơ không hội họp mà dành thời gian cho doanh nghiệp, giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Cần Thơ đã thành lập Trung tâm doanh nghiệp. Khi đến Trung tâm này, doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn chỉnh các thủ tục, thậm chí hỗ trợ một cửa đến khi hoàn thành thủ tục. Đến nay, mô hình này đã thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia, trở thành mô hình điển hình trong cả nước.

Qua khảo sát và nghiên cứu về giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, có tới 68% doanh nghiệp vướng mắc. Do đó, mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” được tỉnh này cho ra đời với tiêu chí “năng lực chuyên môn, lắng nghe, thấu cảm và tận tâm”, tạo không gian khác biệt trong trợ giúp doanh nghiệp. Mô hình này ban đầu được tổ chức để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Ninh, quá trình hoạt động nhiều doanh nghiệp FDI rất thích thú và tín nhiệm, nhiều doanh nghiệp lớn cũng thích mô hình này, bởi chi phí rất thấp, thậm chí bằng 0 để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thậm chí mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” còn là bác sĩ phát hiện những lỗi trong xử lý thủ tục của cơ quan nhà nước.

Còn đối với Đà Nẵng, 7 lần quán quân PCI toàn quốc là do thành phố này đã sớm thay đổi tư duy quản lý sang tư duy phục vụ doanh nghiệp. Năm 2014, Đà Nẵng còn ban hành cả chương trình hành động: Năm doanh nghiệp. Cũng chính mô hình phục vụ doanh nghiệp hiệu quả là yếu tố quan trọng khiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước xem Đà Nẵng như “miền đất hứa” để đầu tư và phát triển.

Có thể thấy, trong cuộc chạy đua nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hầu như địa phương nào cũng rất tích cực và có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay. Vì thế, Quảng Ninh dù đã vươn lên giành vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc năm 2016 (nhưng lại bị tụt điểm so với năm 2015), đây cũng chính là sức ép, áp lực đối với chính quyền, hệ thống chính trị của tỉnh. “Chính quyền tỉnh phải tự đổi mới mình, những chỉ số của tỉnh hiện đang thấp hơn so với các tỉnh bạn thì phải học tập kinh nghiệm để nâng cao; những chỉ số nào đang tốt phải giữ và phát huy để không bị tụt xuống…”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã nói. Và nhìn lại để đổi mới, ngày 31-3 này, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, PCI 2016 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2017. Qua đó cũng phân tích chi tiết các chỉ số thành phần PCI 2016 của tỉnh, đặc biệt chỉ rõ các chỉ số thành phần nào giảm điểm, tại sao và tìm cách khắc phục. Đồng thời trao đổi, hỗ trợ hướng dẫn triển khai các nội dung có liên quan của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ; đánh giá, phân tích chuyên sâu về chỉ số chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành của tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương cần xem xét để đưa ra các giải pháp tích cực hơn nữa trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thanh Hằng

VFpress