The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI: Hãy bắt đầu với câu hỏi Tại sao?

Có người từng hỏi tôi: nếu đứng trong một hiệu sách, và phải chọn một quyển sách cho Năm mới, thông thường, một công chức, viên chức, hay quan chức Việt Nam,những người đang tham gia công cuộc cải cách, điều hành đất nước, sẽ chọn quyển gì đầu tiên? Tất nhiên, tôi không biết. Tôi cũng chỉ có thể trả lời như vậy vì chắc chưa từng có một cuộc điều tra hay số liệu thống kê nào cho câu hỏi kiểu này. Có lẽ sẽ dễ hơn nếu hỏi tôi: bạn chọn quyển gì cho họ?
Danh mục sách thì nhiều lắm, nhưng nếu phải chọn một, tôi sẽ chọn cuốn “Start with Why?” (Hãy bắt đầu với câu hỏi Vì sao) của Simon Sinek. À, tất nhiên, tôi không có tí “hoa hồng” nào với ông Simon này, và cũng không định quảng cáo cho sách của ông. Tuy nhiên, sau nhiều năm theo dõi các nỗ lực cải cách của chính quyền các tỉnh, thành phố qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tôi nghĩ thông điệp của cuốn sách này, ở một khía cạnh nào đó, có lẽ sẽ rất phù hợp với các nhà cải cách, điều hành của Việt Nam.
Simon đã đưa ra mô hình khá đơn giản, gọi là Golden circle (vòng tròn vàng) để giải thích tại sao có những cá nhân hoặc tổ chức rất thành công. Theo ông, tất cả chúng ta đều biết mình đang làm gì (What); một số người biết mình làm việc đó như thế nào (How), song chỉ rất rất ít người biết vì sao họ lại làm những việc họ đang làm (Why). Và chính những người hiểu được Why là những người thành công.
Ở đây, tôi mạn phép tác giả để quy chiếu những điều ông nói đến lĩnh vực cải cách, cải thiện PCI đang diễn ra trên khắp các tỉnh, thành phố Việt Nam. Tính đến thời điểm này, PCI được coi là thước đo duy nhất đo lường và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp địa phương. Nếu hàng năm, Việt Nam hồi hộp theo dõi vị trí của mình trong bảng xếp hạng thế giới về năng lực cạnh tranh (Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia- Global Competitiveness Index) hoặc môi trường kinh doanh (Doing business), thì thời điểm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hoa Kỳ công bố báo cáo xếp hạng PCI cũng khiến cho 63 tỉnh, thành phố “đứng ngồi không yên”.
“Yên” sao được khi cả năm nỗ lực nhưng kết quả lại không như mong muốn? “Yên” sao được khi nhiều tỉnh rõ ràng “kém” hơn mình nhưng lại đứng tốp trên? Đây là những câu hỏi, những băn khoăn, thắc mắc thường thấy ở nhiều tỉnh khi nhìn vào bảng xếp hạng. Vậy chúng ta giải thích như nào khi một tỉnh miền núi, bất lợi như Lào Cai năm này qua năm khác liên tục giữ thứ hạng cao trong bảng xếp hạng PCI? Chúng ta giải thích như nào khi một tỉnh ít lợi thế, không hề nổi bật trong thu hút đầu tư như Đồng Tháp lại luôn nằm trong nhóm Tốt và vươn lên giữ vị trí quán quân của PCI 2012. Lào Cai hay Đồng Tháp cũng chỉ như các địa phương khác, cùng chung khuôn khổ chính sách, pháp lý, thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn so với nhiều tỉnh thành về khả năng tiếp cận các nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng. Tại sao họ lại thành công?
Hãy thử nhìn lại mô hình của Simon. Sau mỗi lần công bố PCI, tất cả các tỉnh, thành đều biết mình nên làm gì, 100%. Một số tỉnh biết mình nên làm như thế nào, thông qua việc tổ chức hội thảo phân tích sâu, ban hành các chương trình, kế hoạch hành động. Tuy nhiên, số tỉnh thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, gồm Lào Cai, Đồng Tháp, Đà Nẵng, An Giang, Long An và Bắc Ninh. Thành công ở đây được xác định là khả năng giữ vị trí ổn định trong nhóm Tốt hoặc Rất tốt trong nhiều năm liên tục[1]. Việc tăng giảm một vài thứ bậc trong bảng xếp hạng là điều khó tránh. Dù là Lào Cai, Đồng Tháp hay Đà Nẵng…, tất cả đều nghĩ, hành động và giao tiếp chính xác cùng một cách. Điều này đối lập với tất cả các tỉnh, thành còn lại. Đây là những địa phương hiểu và biết tại sao họ làm điều họ đang làm. Tại sao ở đây không phải là “tăng thứ hạng PCI”, đó chỉ là kết quả. Tại sao ở đây có nghĩa là: Mục đích cải thiện PCI là gì? Nguyên nhân gì thúc đẩy địa phương phải hành động? Niềm tin của mỗi địa phương trong từng hành động là gì? Tại sao phải quan tâm?
Nâng cao năng lực cạnh tranh hoặc cải thiện thứ hạng là điều đầu tiên ai cũng nhìn thấy, kết quả này quá rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay, cách các địa phương nghĩ, hành động hay giao tiếp thông thường lại đi từ thứ rõ ràng nhất (what) đến thứ mờ nhạt nhất (why). Trung bình mỗi năm, có tới gần 15 tỉnh, thành ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cải thiện PCI, gần 25 tỉnh tổ chức hội thảo phân tích kết quả PCI. Tất cả các hoạt động này đều xuất phát từ mong muốn đạt được kết quả trên. Nhưng chính những tỉnh thành công lại đi theo hướng ngược lại. Họ bắt đầu bằng why.
Lào Cai có thể coi là điển hình cho trường hợp này. Lào Cai không nói chúng tôi quyết tâm đạt thứ hạng cao trong PCI, chúng tôi đã đề ra kế hoạch A, chương trình B. Lào Cai nói khẩu hiệu của chúng tôi là “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”. Từ phương châm này, mọi chủ trương, chính sách hay hoạt động đều nhằm mục tiêu hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn hoạt động và phát triển, từ việc tiên phong thực hiện cơ chế “một cửa” đối với thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp năm 2004 cho đến các hoạt động tăng cường đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, công khai minh bạch thông tin, xây dựng hiệp hội doanh nghiệp mạnh để làm cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền. Mới đây, Lào Cai đã hoàn thiện phương pháp xây dựng chỉ số và đánh giá năng lực điều hành của chính quyền huyện, thành phố giai đoạn 2012 – 2016, nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trở thành tỉnh đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình đánh giá này. Với những nỗ lực này, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sẵn lòng đến Lào Cai để đầu tư. Theo điều tra PCI, trong số 7087 doanh nghiệp tham gia khảo sát năm 2011, 35 doanh nghiệp sẽ chọn Lào Cai là tỉnh, thành phố khác để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2012, có tới 45 doanh nghiệp trong tổng 8053 doanh nghiệp chọn Lào Cai để đầu tư, cao gấp ba tỉnh láng giềng Yên Bái hay Hà Giang hoặc tỉnh có nhiều vị trí thuận lợi hơn như Thái Nguyên. Đáng chú ý, một phần ba trong số này chọn chất lượng điều hành tốt là lí do để đầu tư, trong khi hầu như rất ít, hoặc thậm chí không có doanh nghiệp nào chọn Yên Bái, Thái Nguyên hay Lai Châu vì lí do này (Hình).
Rõ ràng, nếu loại các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ hội kinh doanh, quy mô thị trường,…và chỉ giữ lại duy nhất yếu tố chất lượng điều hành làm căn cứ quyết định, thì các nhà đầu tư cũng giống như những người mua hàng. Họ không chỉ đơn thuần mua sản phẩm của người bán, mà hơn hết, họ mua lý do người ta tạo ra các sản phẩm như vậy. Doanh nghiệp hay nhà đầu tư đương nhiên không chỉ chọn tỉnh vì thứ hạng PCI, mà sẽ chọn những tỉnh đặt doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp lên hàng đầu, những tỉnh có niềm tin và hiểu rõ tại sao họ phải cải cách, phải hành động.
Năm mới, lại bắt đầu mùa PCI mới, chỉ độ 1, 2 tháng nữa thôi, báo cáo PCI 2013 sẽ được công bố. Người viết bài này hi vọng, nhìn vào bảng xếp hạng lần này, các địa phương sẽ bắt đầu với câu hỏi Tại sao.
Theo vccinews.vn