The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI Tiền Giang: Tăng lượng, nâng chất

“Với những giải pháp đồng bộ và nỗ lực quyết tâm thực hiện của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, chúng tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới môi trường đầu tư, kinh doanh, của Tiền Giang sẽ được cải thiện rõ nét thông qua số lượng doanh nghiệp, chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.”- ông Trần Văn Dũng- Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư khẳng định.

Theo ông Dũng: Nhận diện những trở lực và đưa ra các giải pháp khắc phục, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một yêu cầu cấp thiết, nhưng hiệu quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực, quyết tâm và năng lực thực thi của mỗi cán bộ công chức.

– Năm 2015, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tiền Giang thuộc nhóm trung bình, xin ông cho biết các giải pháp triển khai thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa chỉ số PCI và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh?

Thực tế, chỉ số PCI của tỉnh Tiền Giang trong 3 năm gần đây đạt thấp, năm 2013 xếp hạng 37/63 tỉnh, thành phố cả nước, năm 2014 hạng 52/63 và năm 2015 hạng 49/63, tăng 03 bậc so với năm 2014. Trong 10 chỉ số thành phần năm 2015, có 6 chỉ số giảm hạng là: chỉ số gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức và Hỗ trợ doanh nghiệp; có 04 chỉ số tăng hạng là Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý. Trong đó, những chỉ số thành phần có thứ hạng thấp đã ảnh hưởng đến chỉ số PCI của tỉnh.

UBND tỉnh đã thấy được những tồn tại, hạn chế của Tiền Giang trong kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nên ngay từ cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có hơn 6000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và khoảng 62.000 hộ kinh doanh cá thể .

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm 2016 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư thì vấn đề cốt lõi là phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các thành phần kinh tế.

Thứ hai, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, nhằm tạo ra lực lượng DN mới với năng lực cạnh tranh cao và phát triển bền vững.

Thứ ba, tăng cường công tác thông tin đến doanh nghiệp, người dân. Công bố công khai, minh bạch thông tin quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, các địa phương; các quy hoạch phát triển ngành; quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng – đô thị; diện tích đất trong các khu, cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi đầu tư…trên các phương tiện thông tin đại chúng.

– Đâu là các chỉ số thành phần sẽ được tập trung ưu tiên cải thiện thưa ông?

Trên cơ sở phân tích các chỉ số thành phần, chúng tối xác định vào các chỉ số đang ở mức thấp sẽ phải được ưu tiên cải thiện. Cụ thể:

Về chỉ số tính minh bạch (hạng 57/63), doanh nghiệp đánh giá việc hạn chế tiếp cận thông tin tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý, tài liệu về ngân sách của tỉnh; vai trò Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chưa cao; độ mở và chất lượng trang Website của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu…

Về chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (50/63), doanh nghiệp đánh giá chưa cao về số lượng hội chợ thương mại được tổ chức; tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số DN thấp; dịch vụ cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, dịch vụ tư vấn về kế toán tài chính, công nghệ, đào tạo quản trị kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…

Về chỉ số đào tạo lao động (46/63), doanh nghiệp đánh giá dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp như: giáo dục phổ thông, dạy nghề chưa cao; tỷ lệ người lao động tốt nghiệp trường đào tạo nghề còn thấp, tổng kinh phí kinh doanh dành cho tuyển dụng, đào tạo lao động còn lớn…

Về gia nhập thị trường (43/63) doanh nghiệp đánh giá thời gian chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất còn lâu; thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai chưa cao; Cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu về chuyên môn còn thấp; Ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa chưa tốt lắm. Do vậy, nhất thiết phải cải thiện nhanh và quyết liệt hơn những chỉ số này để tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

– Tiền Giang đang đứng trước áp lực về nhu cầu phát triển và cạnh tranh với các địa phương khác trong khu vực để thu hút đầu tư, tỉnh có chính sách ưu đãi hỗ trợ như thế nào đối với các nhà đầu tư thưa ông?

UBND tỉnh Tiền Giang cam kết thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo các quy định pháp luật. UBND tỉnh Tiền Giang quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh như:

Chính sách xã hội hóa: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND ngày 01/6/2015 về quy định chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Cụ thể: Nhà đầu tư được ưu tiên thuê cơ sở hạ tầng, công trình xã hội hóa sẵn có với giá cho thuê ưu đãi; được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh xem xét cho vay với lãi suất ưu đãi; được tỉnh hỗ trợ 01 lần kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng sau khi dự án đi vào hoạt động 01 năm với mức hỗ trợ cụ thể tùy theo từng loại dự án, mức tối đa đến 15 tỷ đồng; dự án xã hội hóa thuê đất tại các phường của thành phố Mỹ Tho được miễn tiền thuê đất 15 năm…

Chính sách sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn: đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết về Quy định nguồn vốn hỗ trợ thực hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2016 – 2020; tỉnh cam kết thực hiện đầy đủ thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài các chính sách ưu đãi trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đang xem xét, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư chung của tỉnh để thay thế Quyết định số 34/2009/QĐ-UBND theo hướng ưu đãi hơn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.

– Hiện nay tỉnh có hơn 60 nghìn hộ kinh doanh cá thể, đây là nguồn lực quan trọng để phát triển doanh nghiệp, tỉnh có những chủ trương chính sách gì để khuyến khích thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thưa ông?

Tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 62.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động theo thống kê tại 11 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng đã xác định đây là nguồn lực quan trọng để phát triển thành doanh nghiệp. Sau Hội nghị phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang 2016 và Hội nghị đối thoại doanh nghiệp Tiền Giang 2016, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc với tất cả các địa phương về việc tổ chức các cuộc họp mặt doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở cấp huyện để vận động các doanh nghiệp tham gia hội viên Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang đóng vai trò đầu mối, cung cấp thông tin về doanh nghiệp, phổ biến trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp, những ưu đãi về đầu tư và phát triển doanh nghiệp cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đến nay, đã có 8/11 địa phương tổ chức Họp mặt doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Về chủ trương, chính sách để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tỉnh đang nghiên cứu thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh để giải quyết những khó khăn, vướng mắc giữa doanh nghiệp, hộ kinh doanh với thuế, ngân hàng và chính sách nhà nước để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Đồng thời tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp Tiền Giang để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Tạo điều kiện, đào tạo và cung ứng lao động có nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, hộ kinh doanh…

Xin cảm ơn ông!

Phan Nam thực hiện

Enternews