The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PCI và nhiệt kế niềm tin

Tư duy lãnh đạo và kết quả PCI

Không khó để nhận thấy sự hãnh diện và phấn khởi của các vị lãnh đạo địa phương được vinh danh trong ngày công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào ngày 16/4 vừa qua. Một Đà Nẵng, đương kim quán quân bảng xếp hạng PCI 2013 đã lần thứ 5 đăng quang ngôi vị này trong năm nay. Một Lào Cai với cú lội ngược dòng ngoạn mục - thăng hạng 14 bậc để vươn lên xếp thứ 3, hay một Đồng Tháp, dù không phải là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi cũng không có lợi thế về cơ sở hạ tầng, vẫn giữ được vị trí trong top 3.

Một tín hiệu vui của lần công bố chỉ số PCI lần này là, điểm PCI trung bình đã tăng từ 57,81 năm 2013 lên 58,58 điểm năm 2014, khoảng cách về năng lực cạnh tranh của các tỉnh cũng đã thu hẹp dần. Nói như lời của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI là tất cả các địa phương đều nỗ lực cải thiện và đã tốt hơn so với bản thân họ trước đây. Niềm vui còn đến từ một con số khác, đó là tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô trong năm 2014 tăng rõ rệt so với năm trước đó, từ 32,5% lên 46,1%. Kết quả này chính là là chỉ dấu cho thấy niềm tin đã dần quay trở lại.

Doanh nghiệp tăng quy mô, điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc khai thác các tiềm năng của địa phương, thu hút thêm nguồn nhân lực, đóng góp thêm ngân sách. Những địa phương thuộc nhóm dẫn đầu đều ý thức rõ điều đó. Chẳng hạn, với Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng: "Doanh nghiệp được coi như nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh", đúng như ý nghĩa của câu nói vui của chính quyền tỉnh này: "doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát lộc".

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng có đồng quan điểm này. Ông Châu Hồng Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh nói: "Diện mạo của Đồng Tháp có được như ngày hôm nay một phần lớn chính là nhờ hoạt động đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, nhờ doanh nghiệp tin tưởng và chia sẻ để các doanh nghiệp khác cùng về đây đầu tư mà Đồng Tháp trong năm 2014 đã tăng trưởng 8%". Bởi vậy, người đứng đầu tỉnh này khẳng định, niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh của tỉnh chính là số 1. Ông cũng xác định, để xây dựng niềm tin với doanh nghiệp là cả một quá trình lâu dài, chứng minh cho doanh nghiệp thấy rằng: chính quyền nói được là làm được.

Rõ ràng, với các tỉnh không có nhiều lợi thế tự nhiên để cạnh tranh như Lào Cai hay Đồng Tháp, động lực để họ thay đổi và lấy được niềm tin của doanh nghiệp càng trở nên mạnh mẽ. Một tin vui cho họ là, chất lượng điều hành cũng đang ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng trong quyết định lựa chọn điểm đến đầu tư của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Thái Nguyên cho hay: "Doanh nghiệp luôn có quyền tự do để lựa chọn môi trường đầu tư và chúng tôi cần những môi trường thật tốt, thật ổn định, từ các yếu tố như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai đến vấn đề tham nhũng... đó cũng là tiêu chí khi tôi bắt đầu đi tìm kiếm địa bàn đầu tư". Sự gắn bó lâu dài của ông Thời và công ty của ông tại Thái Nguyên cho đến nay phần nào được lý giải bằng sự nỗ lực liên tục cải thiện môi trường kinh doanh và điểm số PCI của tỉnh này trong suốt 5 năm qua.

Từ PCI đến năng lực cạnh tranh quốc gia

Niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh của địa phương là số 1

Bên cạnh những niềm vui của địa phương, không thể không kể đến niềm vui của chính những người đang tham gia vào quá trình tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và xây dựng nên bảng xếp hạng PCI. Bởi lẽ, cách đây khoảng 10 năm, họ đã phải rất chật vật để triển khai, khi mà có nhiều ý kiến của địa phương vẫn cho rằng: doanh nghiệp lấy tư cách gì mà đánh giá địa phương! Nay, trong những lần công bố chỉ số PCI, các lãnh đạo địa phương đều không quên cám ơn tổ công tác và PCI đã góp phần giúp họ nhìn thấy những điểm yếu trong chất lượng điều hành của tỉnh mình để có cách điều chỉnh. Đó là một thành quả không thể ngọt ngào hơn cho suốt 10 năm kiên trì của những người như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI và là Giám đốc Dự án CPI, người đi cùng với dự án này trong những ngày đầu tiên. Điều đáng lưu ý là, chỉ một tháng trước khi ngày công bố chỉ số PCI diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 19 về việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết này đang được kỳ vọng như một làn sóng cải cách lần thứ hai, sau lần cải cách thứ nhất với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2000.

Đi cùng với những tín hiệu tích cực, vẫn còn đó những mảng màu xám với sự sụt giảm của chỉ số đánh giá tính cạnh tranh bình đẳng (sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân), tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức...Trong đó, vấn đề nổi cộm khiến nhóm nghiên cứu cũng như dư luận rất quan ngại đó là chi phí "bôi trơn" (chi phí không chính thức), khi mà chỉ số này sau hơn nửa thập kỷ có xu hướng giảm đã quay trở lại ngưỡng cao với tỷ lệ 66% trong số 11.500 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả phí "bôi trơn". Nói về chỉ số này, với đối tượng mở rộng của bản cáo cáo bổ sung năm nay là nhóm doanh nghiệp FDI. Nhóm nghiên cứu cho biết, so với một số nước lân cận, cảm nhận chung của các doanh nghiệp FDI là môi trường đầu tư Việt Nam kém hấp dẫn hơn vì tham nhũng và chi phí không chính thức. Trước những cuộc chơi hội nhập mới đã cận kề, nếu như không điều trị được những căn bệnh cố hữu này thì mục tiêu mà Việt Nam đặt ra, như trong phần chia sẻ mở đầu của vị Chủ tịch VCCI là đưa Việt Nam từ tốp 4 quốc gia xếp cuối bảng lên tốp 4 quốc gia đầu bảng trong xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia khu vực Đông Nam Á, sẽ rất khó thực hiện, bởi cuộc chạy đua trên bình diện quốc gia còn khó khăn và khốc liệt hơn nhiều lần.

Hoàng Anh

Theo dddn.com.vn ngày 07/05/2015