PCI Vĩnh Long rời khỏi top 10, vì sao? Kỳ 1: Nhận diện PCI sụt giảm qua con số
09 Tháng 5, 2023
Cải cách thủ tục hành chính là nội dung quan trọng, góp phần cải thiện đáng kể PCI. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long. |
Trước đây PCI Vĩnh Long luôn ở top 5, top 10, thì 2 năm gần đây PCI liên tiếp tụt hạng mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực, đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chỉ số này, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng.
Năm 2022, PCI của Vĩnh Long đứng vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành cả nước, giảm 17 bậc so năm 2021. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Vĩnh Long bị tụt hạng trên bảng xếp hạng PCI, từ vị trí thứ 6 năm 2020 tụt xuống vị trí thứ 40 như hiện tại, vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp để cải thiện PCI trong thời gian tới?
Kỳ 1: Nhận diện PCI sụt giảm qua con số
PCI năm nay cũng ghi nhận sự tụt hạng của nhiều địa phương. Trong đó, có những thành phố lớn trực thuộc Trung ương từng được ví như những đầu tàu của nền kinh tế như Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Xét về 10 chỉ số thành phần tạo nên PCI năm 2022 của Vĩnh Long, cho thấy chỉ có 3/10 nhóm chỉ số thành phần được cải thiện và tăng so năm 2021. Tuy nhiên, sự gia tăng này không bù đắp sự sụt giảm của 7 chỉ số thành phần còn lại.
Nhiều tỉnh, thành bị tụt hạng
Theo báo cáo PCI năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố, PCI năm 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Kết quả xếp hạng PCI năm nay, Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân với điểm số 72,95 trên thang điểm 100 và đây là năm thứ 6 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng.
Đứng vị trí thứ 2 là tỉnh Bắc Giang với số điểm ấn tượng 72,80, tăng 8,06 điểm và cải thiện 29 bậc so với PCI 2021. TP Hải Phòng giữ vị trí thứ 3 với điểm số 70,76 điểm.
Các vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt thuộc về tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (70,26 điểm) và tỉnh Đồng Tháp (69,68 điểm). Các vị trí còn lại trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất theo điểm số PCI là Thừa Thiên Huế (69,36 điểm), Bắc Ninh (69,08 điểm), Vĩnh Phúc (68,91 điểm), Đà Nẵng (68,52 điểm) và Long An (68,45 điểm).
Bảng xếp hạng PCI năm nay cũng ghi nhận sự tụt hạng của nhiều địa phương. Trong đó, có những thành phố lớn trực thuộc Trung ương từng được ví như những đầu tàu của nền kinh tế, như Hà Nội, từ vị trí thứ 10 năm 2021, tụt xuống vị trí thứ 20; TP Đà Nẵng, từ vị trí thứ 4 năm 2021, xuống vị trí thứ 9; TP Hồ Chí Minh, từ vị trí thứ 14 xuống vị trí thứ 27…
Riêng tỉnh Vĩnh Long, PCI năm 2022 có điểm số 64,40 điểm, xếp hạng thứ 40/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 8/13 tỉnh, thành ĐBSCL sau lần lượt các tỉnh Đồng Tháp (5), Long An (10), Hậu Giang (12), Bến Tre (13), Cần Thơ (19), Trà Vinh (26) và Sóc Trăng (34).
Nếu so với năm 2021, điểm số PCI Vĩnh Long giảm 1,03 điểm (năm 2021 là 65,24 điểm), giảm 17 bậc về thứ hạng (năm 2021 hạng 23) và giảm 2 bậc so với các tỉnh, thành ĐBSCL (năm 2021 hạng 6).
Nếu so với năm 2020, điểm số PCI giảm 4,94 điểm (từ 69,34 điểm năm 2020 xuống còn 64,40 điểm) và giảm 34 bậc, từ vị trí thứ 6 năm 2020 xuống vị trí thứ 40 năm 2022. Như vậy, 2 năm liên tiếp, PCI Vĩnh Long tụt giảm cả về điểm số và thứ bậc, rời khỏi top 10 sau nhiều năm trụ vững.
Nhận diện PCI tụt hạng qua con số
Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách đào tạo lao động tốt và thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.
Trước đây, PCI Vĩnh Long luôn ở top 5, top 10, đặc biệt giai đoạn 2016-2020, PCI vẫn còn trụ ở top 10 cả nước. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, PCI sụt giảm mạnh, từ vị trí thứ 6 (năm 2020) xuống vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành.
Trước tình hình đó, Vĩnh Long đề ra những giải pháp mang tính đột phá, với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI trong năm 2022.
Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa như mong đợi, PCI năm 2022 tiếp tục sụt giảm cả về điểm số và thứ bậc (như trên đã đề cập).
Xét về 10 chỉ số thành phần tạo nên PCI năm 2022 của Vĩnh Long, cho thấy chỉ có 3/10 nhóm chỉ số thành phần được cải thiện và tăng so năm 2021 như: tính năng động tăng 0,13 điểm, thiết chế pháp lý tăng 0,26 điểm và đào tạo lao động tăng 0,94 điểm.
Tuy nhiên, sự gia tăng này không bù đắp sự sụt giảm của 7/10 chỉ số thành phần còn lại. Trong đó đáng chú ý là có 2 chỉ số giảm mạnh hơn 1 điểm.
Đó là chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm đến 1,97 điểm và chỉ số Cạnh tranh bình đẳng giảm 1 điểm.
Các chỉ số còn lại như: gia nhập thị trường giảm 0,71 điềm, tiếp cận đất đai giảm 0,08 điểm, tính minh bạch giảm 0,36 điểm, chi phí thời gian giảm 0,38 điểm và chi phí không chính thức giảm 0,35 điểm.
Nếu nhìn vào bảng chỉ số thành phần trong 3 năm (2020-2022) và lấy mốc so sánh là năm 2020 (PCI hạng 6), cho thấy, chỉ có 1 chỉ số thành phần được cải thiện và tăng dần theo thời gian đáng ghi nhận là chỉ số Thiết chế pháp lý tăng 0,94 điểm.
Một chỉ số là có tăng giảm, đó là chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (năm 2021 là 7,95 điểm, tăng 0,73 điểm so năm 2020, nhưng sang năm 2022 giảm còn 5,98 điểm).
Còn lại 8/10 chỉ số thành phần đều có xu hướng sụt giảm dần qua các năm. Trong đó, đáng chú ý là 5 chỉ số có mức sụt giảm trên 1 điểm: chỉ số gia nhập thị trường và chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cùng giảm 1,24 điểm; chỉ số Cạnh tranh bình đẳng giảm 1,19 điểm; chỉ số Chi phí thời gian giảm 1,14 điểm và chỉ số Đào tạo lao động giảm 1,07 điểm.
Các chỉ số còn lại: chi phí không chính thức giảm 0,68 điểm; tính minh bạch giảm 0,52 điểm; tính năng động giảm 0.37 điểm và tiếp cận đất đai giảm 0,17 điểm.
Kỳ cuối: Đâu là nguyên nhân và giải pháp cải thiện PCI?
Theo Báo Vĩnh Long