The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phát triển doanh nghiệp: Từ góc độ cải thiện môi trường kinh doanh

Khi nghiên cứu tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL, PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam- nhận thấy “kỳ lạ” vì “trong thời kỳ hạn- mặn khốc liệt xảy ra” nhưng tốc độ tăng số lượng DN quay trở lại hoạt động ở ĐBSCL lại cao nhất cả nước, ĐBSCL cũng đứng đầu mức giảm số DN đăng ký giải thể.

Và nhìn từ góc độ cải thiện môi trường kinh doanh, còn ghi nhận thái độ của lãnh đạo đối với DN đã thay đổi theo hướng tích cực và có tư duy hội nhập mạnh.

Vĩnh Long cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và bình đẳng.
Vĩnh Long cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và bình đẳng.

Vượt lên trong thời kỳ “hạn- mặn”

Trong 6 tháng đầu năm- theo PGS. TS Trần Đình Thiên- ĐBSCL là khu vực có mức tăng DN đăng ký thành lập mới thấp nhất, nhưng vốn đăng ký hơn 39,8 tỷ đồng, tăng so cùng kỳ năm 2015 cao nhất cả nước (hơn 128%).

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên số vốn đăng ký mới của vùng vẫn thấp hơn Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (hơn 42,2 tỷ đồng); thấp xa Đông Nam Bộ (hơn 181,4 tỷ) và Đồng bằng sông Hồng (hơn 134,5 tỷ).

Đối với tốc độ tăng số lượng DN quay trở lại hoạt động ở ĐBSCL là cao nhất cả nước: 120,3% (1.694 DN). Về số DN đóng cửa, giải thể, tình hình của vùng ĐBSCL tuy chưa thật sự đảo chiều, song xu hướng cải thiện là khá rõ rệt so các vùng khác. Xu hướng này cũng thể hiện rõ qua tình hình DN đăng ký giải thể.

Ví dụ, ở 3 vùng: Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên có số DN đăng ký giải thể tăng (64,8%, 12,7% và 9,3%) thì ĐBSCL đứng đầu mức giảm số DN đăng ký giải thể (-23,4%).

Dù vậy, do xuất phát điểm thấp nên “thành tích tuyệt đối” của vùng ĐBSCL vẫn kém xa một số vùng khác. Song điểm đáng ghi nhận là những thành tích đó đạt được trong thời kỳ “hạn- mặn” khốc liệt xảy ra, khi điều kiện sản xuất kinh doanh của vùng khó khăn hơn nhiều vùng khác.

Trong điều kiện đó, những thành tích đạt được, dù còn khiêm tốn, chưa đủ để làm thành dấu hiệu chứng tỏ một sự “xoay chuyển căn bản” tình hình, nhưng “vẫn chứng tỏ sức vươn trong khó khăn của DN trong vùng, đồng thời, phản ánh xu thế trỗi dậy và sức hấp dẫn đầu tư lớn của vùng”- PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

Trong khi đó, báo cáo DN ĐBSCL của VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng cho thấy năm 2016 là năm đánh dấu sự chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn suy thoái và phát triển trở lại, đồng thời hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ĐBSCL tương đối ổn định.

Tuy nhiên, vấn đề nổi bật có tác động đến nền kinh tế qua 6 tháng đầu năm đó là quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu với các sự kiện quan trọng như AEC, TPP và nhất là tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra ở một số địa phương… đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Đột phá “Tầm nhìn doanh nghiệp”

Cũng với các giải pháp về cơ chế, chính sách đã và đang được các địa phương ĐBSCL áp dụng nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho các DN. Điều đáng ghi nhận, thái độ của lãnh đạo đối với DN đã thay đổi theo hướng tích cực.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: “Thực tế còn cho thấy tỉnh nào có tư duy hội nhập mạnh, có hành động liên kết phát triển quyết liệt và định hướng phát triển đúng xu thế thời đại tỉnh đó sẽ vượt lên.

Chẳng hạn, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre không có điều kiện thuận lợi gì đặc biệt so các tỉnh trong vùng nhưng đã chứng tỏ có thể bứt lên nhờ nỗ lực cải cách thể chế, nhờ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng “chính quyền phục vụ DN”- tức là định hướng xây dựng nhanh thể chế phát triển hiện đại”.

“Kinh nghiệm cho thấy dù tất cả các tỉnh đều sống chung “dưới một vòm trời thể chế” thì những tỉnh có tầm nhìn phát triển, “tầm nhìn DN” vượt lên, nhờ đó, có tư duy đột phá, biết cách đột phá để mạnh dạn cải cách thể chế, tạo ra động lực mới”- PGS.TS Trần Đình Thiên giải thích thêm mà hiệu quả trước tiên là “tạo khác biệt”.

Từ việc tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, nhiều doanh nghiệp Vĩnh Long đã có sự đột phá, tạo sản phẩm cạnh tranh.
Từ việc tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, nhiều doanh nghiệp Vĩnh Long đã có sự đột phá, tạo sản phẩm cạnh tranh.

Qua kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, cho thấy sự nỗ lực của chính quyền các địa phương ở ĐBSCL đã thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, với những “gương mặt xuất sắc”.

Như Đồng Tháp tiếp tục đứng vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh- thành cả nước và lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định: việc cải thiện PCI của Đồng Tháp rất được các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm khi tìm hiểu cơ hội, môi trường đầu tư của tỉnh.

Riêng Vĩnh Long, việc cải thiện môi trường đầu tư đã và đang được thực hiện bằng nhiều hình thức như cơ chế, chính sách về hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính... cũng như các điều kiện thuận lợi khác cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và kinh doanh tại tỉnh. PCI qua các năm của Vĩnh Long liên tục đứng ở vị trí cao vùng ĐBSCL và nằm trong tốp có môi trường đầu tư thông thoáng ở mức rất tốt của cả nước.

Trong thời gian tới, tỉnh cam kết luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đến Vĩnh Long sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, DN, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16 thể hiện quyết tâm cải thiện tính năng động của lãnh đạo tỉnh trong vận dụng, điều hành thực thi chính sách của trung ương và địa phương, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các lợi ích chính đáng của DN…

Bên cạnh, tăng cường các giải pháp giảm chi phí không chính thức, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, thái độ phục vụ không tốt, quan liêu, hách dịch của CBCC trong thực thi công vụ và tiếp xúc với DN.

Vĩnh Long 6 tháng: DN mới tăng, giải thể giảm

Theo Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch- Đầu tư), 6 tháng qua, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký DN cho 126 DN với tổng vốn 393 tỷ đồng, tăng 3 DN so với cùng kỳ năm trước. Hoàn thành sắp xếp cổ phần hóa 100% DN có vốn nhà nước.

Toàn tỉnh có 25 DN giải thể, với số vốn 43,479 tỷ đồng; so cùng kỳ, giảm 13 DN.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC