Phát triển kinh tế sau dịch Covid-19: Cải thiện môi trường kinh doanh quan trọng hơn bao giờ hết
02 Tháng 3, 2022
Sáng 3-3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị “Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với mục tiêu đẩy mạnh triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về cải cách thể chế.
“Môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định.
Thời gian qua, với nỗ lực cải cách của các Bộ, ngành và địa phương, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cụ thể là: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc - UN ) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018...
Cùng với đó, mặc dù dịch bệnh tác động nặng nề, song trong năm 2021, có gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện tích cực cũng được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tuy mức độ cải thiện là khác nhau giữa các lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng Covid-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự đứt gãy nhất định của quá trình và xu thế cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhấn mạnh “cải cách, cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết”, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng điều này là yếu tố quan trọng đối với phục hồi, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của dịch bệnh và đang cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.
Về giải pháp triển khai Nghị quyết 02, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần chủ động tập hợp các phản ánh, kiến nghị của hiệp hội doanh nghiệp; phân tích, đánh giá, phân loại để từ đó hình thành các đề xuất kiến nghị trình Thủ tướng, Chính phủ.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng đồng quan điểm cho rằng, cải cách môi trường kinh doanh 2 năm gần đây có xu hướng chững lại - đây là thách thức lớn, cần khơi dậy động lực, tạo áp lực cải cách và cần sự đồng hành của nhiều bên.
TS Nguyễn Minh Thảo đề xuất một số giải pháp để triển khai hiệu quả nghị quyết. Đó là: Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo….
Theo Quân đội Nhân dân