GS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, lý giải những rào cản, điểm yếu cũng như nêu bật tiềm năng của kinh tế tư nhân (KTTN) với Báo NNVN.
Rào cản cả trong lẫn ngoài
Ông đánh giá thế nào về vai trò của KTTN trong nền kinh tế nước ta hiện nay?
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã nêu khái quát về vai trò của KTTN: “KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển SXKD, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”.
Kinh tế hộ gia đình có vị trí vai trò lớn hơn DN tư nhân cả về đóng góp GDP và tạo việc làm, góp phần ổn định xã hội, nhất là ở vùng nông thôn gắn với việc giải quyết lao động giản đơn và lao động nông nhàn.
KTTN phát triển, trong đó các DN cổ phần với việc công khai, minh bạch nhất trong hoạt động SXKD, điều kiện không thể thiếu được trong hình thành và phát nền kinh tế thị trường theo chuẩn mực quốc tế phổ biến.
Theo ông, đâu là những rào cản khiến cho khu vực KTTN chưa thực sự là một động lực của nền kinh tế?
Theo tôi, có 2 rào cản. Thứ nhất, rào cản từ bên ngoài có thể kể đến, đó là chưa thực sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, trước hết là đất đai và vốn; tiếp đến nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện và vận hành thiếu thông suốt; thêm nữa là rào cản về thiết chế gồm thể chế và tổ chức thực hiện thể chế đó của bộ máy công quyền.
Thể chế phát triển KTTN còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Vẫn còn khoảng cách không nhỏ trong tổ chức thực hiện thể chế, chậm đưa những thể chế vào thực tiễn cuộc sống, có trường hợp làm sai lệch những chủ trương chính sách đúng của Đảng và Nhà nước.
Rào cản thiết chế đang làm cho chí phí của KTTN tăng cao. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 có tới 66% số DN cho rằng họ phải bỏ chi phí không chính thức, tăng so với mức 50% của 3 năm trước. Hơn 11% DN tham gia điều tra năm 2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với 2014 (10%). Vẫn có 65% DN cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến.
Rảo cản từ bên trong khu vực KTTN là tính riêng rẽ của khu vực này chậm được khắc phục, chưa liên kết được với các thành phần kinh tế khác. KTTN có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ, trình độ quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh yếu.
Vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong KTTN còn phổ biến. Những DN tư nhân lớn đang hình thành liên minh kinh tế, toan tính quan hệ thân hữu với cơ quan quản lý nhà nước để có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai và các ưu đãi ngầm đang chèn ép DN tư nhân nhỏ và vừa, bóp chết việc làm ăn chân chính, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về KT-XH, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
Có ý kiến cho rằng, khu vực KTTN không thể lớn mạnh là DN thiếu kiến thức, thiếu vốn, thiếu cơ chế, chính sách, chưa liên kết được mạnh với nhau… Theo ông, để các DN lớn, mạnh thì yếu tố cần và đủ là gì?
DN lớn mạnh ở đây cần được hiểu là cả lượng, chất và phải coi trọng cả phát triển lượng và chất lượng.
Các cụ ta có câu rất hay “có bột mới gột nên hồ”. Đối với KTTN, Nhà nước cần dành “bột” cho họ, không phải bằng tiền mà bằng những chủ trương chính sách giải phóng nguồn lực cho KTTN tiếp cận.
Theo đó, cần một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước gắn với việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ người dân và DN.
Có “bột” rồi là cần, nhưng chưa đủ. Đủ hay không đủ phụ thuộc vào chính các DN tư nhân và hộ kinh doanh. Phải xây dựng được một cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân có tinh thần tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng CNXH của các chủ DN, có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao; chú trọng xây dựng văn hoá DN, đạo đức doanh nhân.
Việc xây dựng văn hoá DN, đạo dức doanh nhân gắn liền với xây dựng truyền thống và uy tín của DN, trước hết bằng việc kinh doanh đúng pháp luật và tôn trọng chữ “tín”. Đối với DN và doanh nhân, lợi nhuận là động lực trực tiếp; song người kinh doanh có văn hoá luôn đặt lợi ích của mình trong sự kết hợp hài hoà với lợi ích của cộng đồng và lợi ích của đất nước.
Văn hoá kinh doanh phải được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành truyền thống gắn với thương hiệu, được thể hiện xuyên suốt trong mỗi hàng hoá, dịch vụ, trong hành vi ứng xử của mọi người lao động trong DN.
Chuyển cơ chế “xin-cho” thành cơ chế “chọn-bỏ”
Thưa ông, tại Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về ưu tiên phát triển KTTN và mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ các DN để lắng nghe ý kiến và giải đáp những thắc mắc về cơ chế, chính sách. Ông kỳ vọng gì về điều này?
"Mỗi DN, doanh nhân cần phải chủ động phát hiện những quy định, những thủ tục hành chính không đúng, không còn phù hợp, đang gây khó khăn cho hoạt động SXKD, phải được bãi bỏ; kiến nghị những quy định mới đáp ứng nhu cầu chính đáng của DN. Đồng thời thông tin kịp thời tới Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ những việc làm chưa đúng quy định của pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp", PGS.TS Nguyễn Trọng Điều. |
Đến Đại hội XII của Đảng năm 2016 và Hội nghị Trung ương 5 khóa XII mới đây, khu vực KTTN được nhấn mạnh là “một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là bước tiến quan trọng trong tư duy, quan điểm của Đảng về vai trò của khu vực KTTN và sự nhất quán trong chính sách phát triển KTTN trong nền kinh tế nhiều thành phần.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII lần này, Đảng ta ban hành cùng một lúc 3 Nghị quyết quan trọng về kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới DNNN và phát triển KTTN. 3 Nghị quyết này nằm trong một tổng thể thống nhất, gắn với nhau mang tính biện chứng, Nghị quyết này là tiền đề cho thực hiện thành công nghị quyết kia thành công và ngược lại.
Hội nghị Thủ tướng với DN với chủ đề “Chính phủ đồng hành cùng DN”, diễn ra ngày 17/5 vừa qua thể hiện sự nhất quán của một Chính phủ gần dân, gần DN, coi kết quả hoạt động của DN cũng chính là kết quả hoạt động của mình.
Có mấy điểm mới trong Hội nghị lần này là ngay tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ có ngay một chỉ thị về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, đưa ra chủ trương “năm giảm chi phí cho DN, nói đi đôi với làm”, tiếp thêm động lực cho đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN dấn thân, đi bằng chính đôi chân của mình thực hiện Nghị quyết của Trung ương về phát triển KTTN.
Trong một hội nghị mới đây, ông đã phát biểu rằng, phải loại bỏ những thủ tục, văn bản đi ngược lại yêu cầu, nhiệm vụ khuyến khích phát triển KTTN, trước mắt là quyền kinh doanh của DN tư nhân, những quy định làm tăng chi phí đầu vào của DN… Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam (VCCI,) những vấn đề trên thực sự rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Theo ông phải làm thế nào?
Từ nhiều năm nay, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đề ra những thể chế phù hợp khuyến khích phát triển KTTN. Nhưng cuộc sống luôn phát triển mang tính động, nên có những thể chế thời gian trước thì đúng, nay không còn phù hợp, cần loại bỏ như loại bỏ cơ chế xin-cho chuyển sang cơ chế chọn – bỏ trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Giữa năm 2016, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được thành lập để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan địa phương.
Hoạt động của Tổ công tác này đã, đang và sẽ khắc phục tính quan liêu, kịp thời thực hiện có hiệu quả những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc loại bỏ những thể chế không còn phù hợp, minh chứng là Chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ về thanh tra, kiểm tra.
Dân chủ trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được phát huy. Hơn ai hết, các DN tư nhân và doanh nhân tư nhân là những người thấy rõ nhất những quy định thiếu hợp lý, chưa sát thực tế, không được cuộc sống chấp nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
VĂN NGUYỄN