The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phát triển vùng Đông Nam bộ xứng tầm - Bài 3: Xây dựng cơ chế liên kết vùng thành tư duy xuyên suốt

Dù đã có một số kết quả hợp tác quan trọng trong 5 năm gần đây, tuy nhiên hiệu quả liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam bộ vẫn được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế, do mối liên kết vùng còn thiếu bền vững nên đã và đang kéo giảm khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu hàng hóa ngay tại khu vực.
Hiệu quả liên kết vùng chỉ ở mức trung bình
Tại Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ mới đây, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, hợp tác giữa TP và các tỉnh trong khu vực thời gian qua đã có một số kết quả rõ nét về đầu tư về hạ tầng, công nghiệp xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục…
Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: Khẩn trương xây dựng cơ chế liên kết vùng - Ảnh 1.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn (tỉnh Bình Dương), góp phần tạo kết nối vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Điều này đã giúp các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh thu hút được một số dự án đầu tư quy mô lớn. Riêng tỉnh Bình Phước có gần 90 dự án của các doanh nghiệp TP.HCM đầu tư, với với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 5.900 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, địa phương này cũng thu hút được 129 dự án có chủ đầu tư từ TP.HCM, với tổng mức đầu tư đăng ký trên 3.319 tỷ đồng.
Đáng chú ý, từ năm 2014 đến 2020, riêng tỉnh Tây Ninh ghi nhận việc thu hút được dòng vốn đầu tư khổng lồ từ TP.HCM, với khoảng 7.131 tỷ đồng tại 42 dự án.
Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: Khẩn trương xây dựng cơ chế liên kết vùng - Ảnh 2.

Kết nối giao thông giữa các tỉnh bằng những cây cầu bắc qua sông là rất cần thiết. Ảnh: TL

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á, quản trị vùng Đông Nam bộ được đánh giá qua Chỉ số năng lực cạnh tranh trung bình PCI các tỉnh/thành trong vùng nằm ở mức xấp xỉ tốt và có xu hướng hội tụ ở mức khá (70/100), mặc dù xuất phát điểm ở giai đoạn đầu có phần không đều giữa các địa phương. Ngoài ra, xu hướng tăng PCI vùng là có cải thiện theo thời gian nhưng chưa vượt qua mức PCI trung bình để đạt mức PCI cao theo xếp hạng là tốt nhất.
Và nếu xét ở mức PCI thành phần liên quan đến khuyến khích khu vực tư nhân thì hầu hết các tỉnh/thành thuộc vùng này đều ở mức trung bình so với của PCI cả nước.
Đặc biệt, theo ông Hoài, các vấn đề quản trị vùng dài hạn còn chưa được quan tâm đúng mức, như: Quản trị về nguồn nước từ thượng nguồn đến hạ nguồn; kết nối chuỗi cung ứng nội vùng và hệ thống logistic liên kết về dòng vận chuyển nguyên vật liệu và lương thực thực phẩm theo hướng an toàn và truy xuất nguồn gốc; kết nối theo hướng chia sẻ dữ liệu và kết nối qua hệ thống giao thông nội vùng và liên vùng còn nhiều hạn chế.
"Nguyên nhân cơ bản là Hội đồng Vùng hoạt động theo cơ chế luân phiên, mặc dù có nhiều nỗ lực trong thời gian TP.HCM là Chủ tịch Hội đồng vùng nhưng tính pháp lý chưa đủ mạnh do nguồn lực đầu tư công cho vùng vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn lực đầu tư công riêng lẻ của từng địa phương theo tỷ lệ ngân sách để lại hàng năm", ông Hoài nhấn mạnh.
TP.HCM đóng vai trò hạt nhân phát triển vùng Đông Nam bộ
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, việc chưa có cơ chế liên kết vùng và những chính sách đặc thù khiến Đông Nam bộ chưa thể phát huy hết sức mạnh vốn có của mình.
"Các địa phương đều lập quy hoạch riêng nên không phát huy được hết thế mạnh của vùng, đôi lúc còn dẫn đến cạnh tranh, chồng chéo", ông Lịch nói.
Quá trình phát triển vùng chưa có "nhạc trưởng" nên chưa liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để phát huy nội lực, thế mạnh của từng địa phương, từ đó tạo sự phát triển chung.
Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: Khẩn trương xây dựng cơ chế liên kết vùng - Ảnh 4.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển theo địa phương (nghìn tấn). Nguồn: Niên giám thống kê (2021)

Vì vậy, ông Lịch đề xuất, cần đổi mới cơ chế Hội đồng vùng với TP.HCM là đầu mối, thay cho cơ chế luân phiên địa phương hằng năm như trước đây vì hiệu quả thực tế không cao. Hội đồng vùng cũng cần được trao thêm nhiệm vụ đóng góp xây dựng chính sách của trung ương. Một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng phù hợp với TP.HCM cần được áp dụng tạo cơ chế phát triển chung cho toàn vùng.
Bên cạnh đó, cấp thiết kiến nghị trung ương xem xét cho phép nghiên cứu sửa đổi, thí điểm cơ chế chia sẻ nguồn thu và nhiệm vụ chi ở cấp vùng (giữa các địa phương đóng góp cho vùng) một mặt để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ hoạt động của bộ máy điều phối vùng, một mặt giải quyết bài toán xung đột lợi ích.
"Tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung (hệ thống sân bay, cảng biển, viễn thông, trung tâm nghiên cứu, đào tạo…) tăng cường tích tụ nguồn hàng hóa, tăng cường năng lực cạnh tranh để hình thành cực tăng trưởng đủ mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương trong vùng", ông Lịch kiến nghị.
Còn ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM thì nhận định, liên kết vùng Đông Nam bộ vẫn còn là hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Do đó, TP.HCM và các tỉnh trong vùng cần xây dựng cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển chung.
"Đặc biệt, phải đẩy mạnh kết nối hạ tầng, để hạ tầng đi trước, doanh nghiệp theo sau. Trong đó ưu tiên phát triển giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và phải xem đây là những việc làm cấp bách trong thực hiện các nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển vùng Đông Nam bộ", ông Nên nói.
Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: Khẩn trương xây dựng cơ chế liên kết vùng - Ảnh 6.

Thứ hạng chỉ số cơ sở hạ tầng khu vực Đông Nam Bộ. Nguồn: PCI

Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhìn nhận, Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết này, ngoài sự nỗ lực chung thì TP.HCM có vai trò đặc biệt quan trọng, là trụ cột mang yếu tố quyết định.
TP.HCM giữ vị trí trọng tâm, hạt nhân tác động đến sự phát triển không chỉ với vùng Đông Nam bộ mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cả nước.