“Phí bôi trơn” hút cạn sức doanh nghiệp
16 Tháng 10, 2017
“Phí bôi trơn”, “lại quả”, “chung chi”, “chi phí không chính thức”… là những ngôn từ “gần gũi”, nhưng “khó nói”, thuộc “bí mật”, nhưng lại khá phổ biến và là “luật bất thành văn” với doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính chi phí không chính thức đang làm cho doanh nghiệp còi cọc và mất dần khả năng cạnh tranh.
Các doanh nghiệp đang bị đè nặng các khoản chi phí, trong đó có cả chi phí không chính thức. Ảnh: Bình Phương.
Càng lớn, “hỏi thăm sức khỏe” càng nhiều
Bên cạnh gánh nặng về các loại thuế, phí, thời gian tuân thủ các quy định pháp luật, giới doanh nghiệp (DN) đang “bị ám” bởi loại phí không chính thức. Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 cho thấy, tính minh bạch vẫn là mối quan ngại lớn trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Theo đó, DN tiếp tục có xu hướng dùng mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước tiếp cận thông tin, tài liệu quan trọng cho hoạt động xuất kinh doanh. Năm ngoái, tới 66% DN cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. DN cũng cho rằng, việc “thương lượng các khoản thuế phải nộp là một phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh”.
Một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng. Qua chỉ số PCI 2016 cũng cho thấy, tới 66% trong tổng số 11.000 DN được hỏi phải “móc hầu bao” cho chi phí không chính thức. Đáng lo ngại hơn, khoản chi phí này không mấy cải thiện qua các năm.
VCCI cho biết, có 9-11% DN tham gia điều tra từ năm 2014 - 2016 cho biết các khoản chi phí không chính thức chiếm hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước. Các DN thường phải chi khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện…
Theo các chuyên gia, chưa nói đến những dự án lớn về hạ tầng, giao thông, xây dựng, “mấy con lợn, con gà” cũng phải “quen” các khoản bôi trơn. Ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng phần phí và lệ phí vẫn chưa sợ bằng sự nhũng nhiễu, phiền hà.
“Để sản xuất được lợn, con gà dù có lúc thua lỗ ê chề như vậy, nhưng cũng phải bôi trơn từ khi lập dự án, đánh giá tác động môi trường, vận chuyển, giết mổ… Cửa ải nào DN cũng phải bôi, thử hỏi làm sao DN sống và lớn lên được” - ông Khanh nói.
Trao đổi với PV, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng, con số khảo sát mà VCCI là tỷ lệ rất cao. “Những chi phí đó đè nặng, DN làm ăn không ra lãi, không có khả năng đầu tư, vì họ chỉ lo việc bôi trơn cũng oải rồi”. Dẫn kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, ông Doanh cho biết, ở Việt Nam DN làm ra được một đồng lợi nhuận thì phải chi 0,72 đồng, thậm chí 1,02 đồng chi phí “bôi trơn”.
Chưa kể, con số Văn phòng Chính phủ công bố mới đây cho thấy, DN mất 28,6 triệu ngày công và trên 14.300 tỷ đồng cho chi phí kiểm tra chuyên ngành. “Đây mới chỉ là thủ tục chính thức, còn phi chính thức thì chưa nói đến. Điều đó cũng làm cho DN không lớn lên. Một mặt, nhiều DN cũng không muốn lớn lên, vì khi làm ăn lớn, có lãi thì cơ quan thanh kiểm tra “thăm hỏi sức khỏe” nhiều”-TS. Doanh nói.
Người chăn nuôi luôn đối mặt với nhiều loại phí.
Mất dần năng lực cạnh tranh
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, thiếu công khai, minh bạch là mảnh đất màu mỡ cho sự chia chác, lợi ích nhóm. Do vậy, muốn DN lớn lên, phải cải cách thể chế, thay đổi động lực. DN phải cần tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ, nhân lực, thay vì cứ lo đút lót quan chức, đi quan hệ.
Vị chuyên gia lý giải, DN khi có được những mối quan hệ, họ sẽ có được khu đất đẹp, cơ hội kinh doanh tốt... và bằng cách đó thì họ giàu lên nhanh hơn. Trong khi, nếu đầu tư vào khoa học công nghệ mất nhiều thời gian, phải có lớp lang và chưa chắc đã thành công.
“Cứ tình trạng này, số DN Việt Nam đầu tư vào khoa học công nghệ sẽ ít hơn rất nhiều so với DN của Campuchia, Lào. Và trong tương lai không xa, các DN của mình sẽ mất năng lực cạnh tranh, mất thị trường trong nước và đó là thua trên sân nhà. Điều này rất đáng lo”- TS. Doanh nói.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, Việt Nam có một số DN lớn, gọi là thành công nhưng chưa thấy các yếu tố bền vững. Các DN dựa trên những nền tảng không phải do sáng tạo mà dựa vào lợi thế tài nguyên, đất đai…
Theo ông Thành, DN Việt đang bị hai “gọng kìm” kẹp lại. Đó là sự nhũng nhiễu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức, cùng đó là sự cạnh tranh khắc nghiệt của DN nước ngoài với đầy đủ công nghệ, sức mạnh tài chính và kinh nghiệm thương trường. Các số liệu thời gian qua cho thấy, DN Việt Nam đang teo tóp, tỷ lệ đóng góp của DN trong nước cho xuất khẩu giảm; tổng số vốn đầu tư ngoài nhà nước cũng nhỏ.
Chuyên gia kinh tế - TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển cho rằng, khi làm các dự án, việc “lại quả” là “luật bất thành văn”, tỷ lệ % bao nhiêu là có cả. “Tôi nghiệm thấy rằng, DN vẫn phải bôi trơn, chi ra đến mức không thể chi được nữa thì thôi, tức là làm không ra lãi, lỗ thì thôi… Còn một khi vẫn kiếm được, dù hiệu quả thấp, DN vẫn muốn làm để sống cái đã. Dẫu vậy, cứ làm ăn kiểu như thế, DN sẽ khó ngóc đầu lên được” - ông Hồ phân tích.
Nói về việc Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, TS. Hồ cho rằng, cần hoan nghênh, nhưng vấn đề khó nhất bằng hành động, chứ không phải chỉ lời nói. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” vẫn còn phổ biến nhiều lúc, nhiều nơi. Do vậy, việc cải cách cung cách phục vụ của bộ máy rất khó, vì nếp cũ đã ăn sâu.
“Ở đây cũng phải nhìn nhận, thay vì không còn kiểu xin - cho nữa, liệu có động lực gì cho hệ thống cán bộ công chức thay đổi? Tôi vẫn thấy nếu không quyết tâm hành động, thì việc kêu gọi chỉ ví như “tiếng tôi vang rừng núi, nhưng không ai trả lời”. TS. Lưu Bích Hồ |
Theo Báo Tiền Phong
Phạm Anh