The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam: Cải thiện môi trường kinh doanh là một quá trình

Những Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã mang đến luồng gió mới cho DN. Bước sang năm thứ 2, khối DN tư nhân càng tin tưởng, đặt nhiều kỳ vọng hơn khi những khó khăn, vướng mắc đã và đang có những giải pháp quyết liệt hơn. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam.

Là đại diện của khối DN tư nhân, ông đánh giá như thế nào về tác động cũng như hiệu quả của các Nghị quyết 19 đến DN trong thời gian qua?

Nghị quyết 19 sau các năm triển khai đã tạo ra sự cải thiện chung về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Các DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ cũng ít phàn nàn hơn về các khoản chi vặt, chi phí “ngoại giao” khi giải quyết các thủ tục liên quan đến dịch vụ công, thủ tục hành chính. Tỷ lệ tuân thủ quy định pháp luật trong kinh doanh cũng được cải thiện do các điều kiện kinh doanh đã dễ thực hiện hơn. Vì thế, nhiều hộ kinh doanh cá thể đã chuyển dịch sang hình thức thành lập công ty, ngày một mở rộng về quy mô và có những đầu tư mới để phát triển hơn.

Mặc dù kết quả rất tích cực và khả quan, nhưng DN tư nhân còn gặp phải những khó khăn và vướng mắc gì, thưa ông?

Những khó khăn, tồn tại là điều khó tránh khỏi, bởi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn còn 5 thứ hạng có chỉ số thấp so với thế giới, để nâng được bậc các thứ hạng này đòi hỏi một quá trình lâu dài.

Trong những khó khăn đó, tôi thấy việc tiếp cận tín dụng của các DN vừa và nhỏ gần như không được cải thiện nhiều so với các lĩnh vực khác. Điều này có thể là do tính an toàn, thận trọng của chính sách tiền tệ. Nhưng có những bằng chứng cho thấy vấn đề này có thể được cải thiện tốt hơn. Ví dụ, có đến 40% DN phản ánh về sự phiền hà của thủ tục vay vốn và sự thiếu am hiểu của cán bộ ngân hàng về đánh giá tính khả thi trong phương án kinh doanh của DN. Nếu cải thiện được tình hình này, DN được vay tín chấp thì không những DN phát triển mà đây còn là dư địa lớn để phát triển tín dụng ngân hàng.

Một khó khăn khác cũng cần giải quyết cấp thiết là tình hình cải thiện công nghệ và năng suất lao động. Mặc dù đã được nhắc đến nhiều nhưng vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, xu hướng cải tiến, áp dụng khoa học công nghệ tiến bộ vào sản xuất kinh doanh trong khối DN vừa và nhỏ vẫn chưa có nhiều chuyển biến so với những năm trước đây. Nguyên nhân là do các DN còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về công nghệ mới, chưa nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước về việc đổi mới khoa học công nghệ. Đặc biệt, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà cho DN trong việc tiếp cận, cho thuê, mua bán đất, xây dựng nhà xưởng.

Thủ tướng Chính phủ trong cuộc gặp với DN mới đây đã cho rằng, DN tư nhân là động lực để phát triển kinh tế, ông nhận định như thế nào về kết luận này?

Điều này đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành đến khu vực DN tư nhân, DN vừa và nhỏ. Đây còn là sự động viên và sự coi trọng khu vực kinh tế tư nhân, nếu không muốn nói là kỳ vọng nhiều hơn vào khu vực này trong những năm tới. Có thể thấy, về mặt tổng thể, Chính phủ và Nhà nước đã hiểu rõ cộng đồng DN tư nhân đang có những ưu nhược gì, đang có nhu cầu gì và cần những sự đổi thay nào…

Chính từ đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt hơn, đặc biệt là đã quan tâm, chú ý nhiều hơn đến các vấn đề từ thực tiễn, đi cụ thể vào từng lĩnh vực, xuống từng địa phương. Điều đó đã thể hiện trong những điểm mới của Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016 như: Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, thậm chí, nội dung công việc còn được giao xuống từng địa phương để gắn kết việc triển khai Nghị quyết 19 với cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh theo chỉ số PCI; các cơ quan ban, ngành phải thường xuyên báo cáo để Thủ tướng Chính phủ có những giải quyết kịp thời…

Với tinh thần như vậy, cùng với cam kết của Thủ tướng thì tôi tin tưởng việc triển khai lần này sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn, nhiều chỉ số về thủ tục hành chính sẽ được cải thiện.

Từ những kết quả nêu trên, ông có mong muốn gì trong những hành động tiếp theo của Chính phủ với DN?

Trước hết, thay mặt cộng đồng DN vừa và nhỏ, tôi mong muốn Chính phủ ưu tiên tập trung xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ để giải quyết những nguyên nhân, tồn tại và hạn chế trong thực hiện trợ giúp, đảm bảo tính hiệu lực pháp lý cao nhất thúc đẩy việc thực thi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển DN vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo cơ chế chính sách khuyến khích Hiệp hội, các nhà đầu tư tổ chức xây dựng kho ngoại quan ở các thị trường XK trọng điểm, để bổ sung thêm những điều kiện thuận lợi nhất cho DN vừa và nhỏ trong việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường quốc tế.

Đặc biệt, Chính phủ cần tạo hậu thuẫn bằng cơ chế, chính sách như: Giảm thuế Thu nhập DN, lãi suất tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước tương ứng số tiền cho DN vừa và nhỏ vay, chỉ định DN “đầu mối” nằm trong chuỗi sản xuất ngành hàng đứng ra bảo lãnh bên thứ ba hoặc nhận nợ. Ngân hàng Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng thương mại và Quỹ tín dụng có chương trình, gói tín dụng ưu đãi cho DN vừa và nhỏ tham gia chuỗi sản xuất liên kết ngành, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học công nghệ...

Cùng với các hoạt động hỗ trợ trực tiếp, Nhà nước và Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực liên quan đến cung cấp dịch vụ công, đôn đốc các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục theo hình thức trực tuyến...

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas):

Nghị quyết 19 đã cải thiện đáng kể một số chính sách, thủ tục hành chính, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho một số doanh nghiệp. Tuy nhiên đối với ngành dệt may vẫn còn đang tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể đó là về chính sách lương tối thiểu. Chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành đang thâm dụng lao động như dệt may, da giày đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng lương tối thiểu liên tục ở mức cao không những làm tăng chi phí nhân công, giảm khả năng cạnh tranh và khả năng đầu tư chiều sâu tăng năng suất lao động mà còn ảnh hưởng đến điều tiết thị trường lao động. Nhà nước nên nghiên cứu giãn thời gian tăng lương tối thiểu, từ 2017 không tăng hàng năm để tạo điều kiện cho DN sản xuất ổn định.

Bên cạnh đó còn có vướng mắc trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành. Hiện việc thông quan hàng hoá không chỉ phụ thuộc vào việc giải quyết thủ tục hải quan mà còn phụ thuộc nhiều vào việc cấp giấy phép chuyên ngành, giấy chứng nhận của các cơ quan kiểm định... Bởi vậy thời gian kiểm tra chuyên ngành khá dài. Cần có sự kết nối giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan quản lý chuyên ngành để cán bộ Hải quan có thể lấy được kết quả kiểm tra chuyên ngành sớm nhất (online), không cần phải lấy kết quả bản gốc từ DN. Như thế hàng hoá sẽ nhanh chóng được thông quan.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên:

Nghị quyết 19 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ, tuy nhiên việc thực hiện Nghị quyết này tại cơ sở còn nhiều hạn chế. Điển hình phải kể đến một số quy định như: Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản XK của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm của Bộ Y Tế...

Tôi đề nghị cần rà soát cải cách các quy định kiểm soát NK các nguyên liệu, sản phẩm để sản xuất hàng XK bởi một số quy định hiện hành đang bất cập, làm giảm đáng kể những cơ hội, nỗ lực của DN khi NK những mặt hàng này.

Ngoài ra, chính sách tạm nhập, tái xuất nguyên liệu nông thuỷ sản qua biên giới Trung Quốc đang tồn tại một số bất cập tạo điều kiện cho các DN, thương gia Trung Quốc chi phối thị trường nguyên liệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam, làm giảm sút cạnh tranh của DN Việt Nam, gây ảnh hưởng không tốt cho XK.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Thiên Bảo:

Đây là Nghị quyết 19 thứ 3 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Tôi nhận thấy Nghị quyết năm 2016 đã bổ sung thêm nhiều điểm mới mà điển hình là giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, nhất là những Bộ như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, tôi thấy nội dung của Nghị quyết dù hay, toàn diện nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là sự trì trệ, thờ ơ của một số cơ quan ban ngành địa phương. DN chúng tôi nhiều khi vẫn phải mất một khoản đáng kể gọi là phí "lót tay", phí "bôi trơn". Chính phủ yêu cầu DN chúng tôi cùng đồng hành, lên tiếng. Nhưng chúng tôi cũng ngại "va chạm". Bởi vậy tôi hy vọng rằng sẽ có sự chỉ đạo quyết liệt thực sự từ trên xuống dưới để DN được tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, giảm rủi ro hơn nữa.

Thùy Linh

Hương Dịu (thực hiện)