Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến: Chính quyền điện tử sẽ cải thiện môi trường đầu tư
Lãnh đạo TPHCM cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến (ảnh) đã khẳng định như trên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo SGGP về việc cải thiện năng lực cạnh tranh của TP thông qua việc thực hiện mô hình chính quyền điện tử.
- PHÓNG VIÊN: Trong mục tiêu phấn đấu năm 2016, TPHCM đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong tốp 5 tỉnh có năng lực cạnh tranh cao nhất nước. Liệu mục tiêu này có quá sức với TP?
- Phó Chủ tịch UBND TPHCM TRẦN VĨNH TUYẾN: Chúng ta không thể phủ nhận kết quả là môi trường kinh doanh của TPHCM đã có chuyển biến tích cực, điểm số và xếp hạng PCI tăng trưởng bền vững. Nhưng việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn chậm so với yêu cầu. Để cải thiện điều đó, TP đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong tốp 5 tỉnh có năng lực cạnh tranh cao nhất nước với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quyết tâm của những người đứng đầu TP. Quan điểm của lãnh đạo TP là luôn cầu thị lắng nghe để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và TP không đặt nặng vấn đề thứ hạng. Điều quan trọng là các chỉ số đánh giá phải được cải thiện hàng năm để thể hiện sự cầu thị lắng nghe và sửa chữa tiếp thu của TP.
- 9 chỉ tiêu đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TPHCM đều bị đánh giá có vấn đề, nhất là chỉ tiêu tính minh bạch và chỉ số chi phí không chính thức. TP làm gì để khắc phục được điều này, thưa ông?
- Xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, chuyên nghiệp, thân thiện là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của người đứng đầu. Để cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, chính quyền sẽ thường xuyên tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp ít nhất 2 lần/năm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất. TP cũng sẽ công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch và thiết kế sử dụng đất…
- Xây dựng chính quyền điện tử là góp phần công khai, minh bạch hóa trong hoạt động quản lý nhà nước, xây dựng lòng tin với nhân dân, tuy nhiên, rào cản lớn nhất, theo các chuyên gia vẫn là… nhận thức và hành động của các cấp chính quyền. Ông nhận xét gì về các ý kiến này?
- Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng một chính quyền điện tử là do nhận thức của một số cấp lãnh đạo trong bộ máy chính quyền còn khá thấp, có nơi chưa muốn áp dụng công nghệ thông tin vào đơn vị của mình. Điều này dẫn đến hậu quả là khó cải cách hành chính, tình trạng nhũng nhiễu, thiếu minh bạch trong quản lý tăng. Việc thiếu minh bạch này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, làm mất lòng tin của người dân.
Trong thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, chính quyền điện tử ở TP đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2016-2020, TP sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử của TP nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, việc tích hợp, liên thông, khai thác cơ sở dữ liệu quản lý liên ngành nhằm phục vụ công tác và quản lý của TP cũng được đẩy mạnh. TP đặt chỉ tiêu 100% các văn bản chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ các văn bản, tài liệu có độ mật) được trao đổi dưới dạng điện tử. TP cũng tập trung triển khai các phần mềm tác nghiệp chuyên ngành đối với những lĩnh vực nóng liên quan đến người dân và doanh nghiệp như đất đai - xây dựng, bảo hiểm, hộ tịch… Đặc biệt, TP sẽ mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình đến xã vùng xa thuộc các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè. Trong năm nay, TP cũng đưa ra mục tiêu trước ngày 1-10, tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của TP đạt 20% - 30%.
Để xây dựng chính quyền điện tử, bên cạnh vấn đề đầu tư về hệ thống máy móc, ứng dụng các phần mềm quản lý, điều hành hiện đại đồng bộ thì TP cũng đang nỗ lực đào tạo một đội ngũ “cán bộ, công chức điện tử” và tuyên truyền để nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho công dân, từ đó có “công dân điện tử” cho người dân TP.
Với mục tiêu đã đề ra, lãnh đạo UBND TP cũng giao trách nhiệm cụ thể cho thủ trưởng từng sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện và các đơn vị có liên quan. Tôi nghĩ, với sự giám sát chặt chẽ của các cấp, quyết tâm hoàn thành chính quyền điện tử sớm của TPHCM là có thể đạt được.
- Xin cảm ơn ông!
| |
HỒNG HIỆP (thực hiện)