Phó thủ tướng: Năng lực cạnh tranh Việt Nam sẽ thuộc hàng dẫn đầu ASEAN
Sáng 21/5, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 21 với chủ đề "Châu Á sau năm 2015: Các nhiệm vụ cho hoà bình và thịnh vượng lâu dài" được khai mạc tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Hội nghị có sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Bộ trưởng Cao cấp danh dự Singapore Goh Chok Tong và Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj... Năm nay, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu tham dự.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó thủ tướng trao đổi một số nội dung có liên quan đến cộng đồng ASEAN, mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản và quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho phát triển bền vững của châu Á trong tương lai. Phó thủ tướng đánh giá cao sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay, nhằm tạo ra một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất với dân số hơn 600 triệu người, tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD.
Phó thủ tướng nhận định AEC sẽ là khối kinh tế có sức cạnh tranh cao với môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và minh bạch; hàng rào thuế quan, phi thuế quan được loại bỏ, bảo đảm dòng chảy tự do của thương mại hàng hoá dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội vươn lên. Khoảng cách phát triển giữa những quốc gia thành viên ngày càng thu hẹp. Điều này tạo thuận lợi cho khu vực hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới và các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc triển khai nhiều Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác, nền kinh tế lớn.
Theo Phó thủ tướng, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội kinh doanh tại thị trường thống nhất ASEAN - nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nguồn lao động dồi dào, đa dạng về trình độ, công nghệ kỹ thuật. Nơi đây còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, phù hợp với nhiều cấp độ trong chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế. Ông cũng có những khuyến nghị cho sự phát triển bền vững của châu Á. Trong mối quan hệ tương quan giữa các quốc gia, kinh tế châu Á sẽ khó đạt điều này nếu không duy trì được hoà bình và ổn định tại châu lục.
Trong mối quan hệ tương quan giữa các quốc gia, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết kinh tế châu Á sẽ không thể phát triển bền vững nếu không duy trì được hoà bình và ổn định tại châu lục. "Tại Biển Đông, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang có những diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực", Phó thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng trao đổi cách thức xử lý những khó khăn trên khi đề nghị các quốc gia quan tâm đến các vấn đề chung của khu vực và thế giới; tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nước khác. Tăng cường hợp tác và tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia, dân tộc. Giải quyết bất đồng, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Một trong những vấn đề được nhiều nhà đầu tư, quan chức cấp cao các nước quan tâm tại hội nghị là Việt Nam có động thái gì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoại kinh doanh tại thị trường Việt. Phó thủ tướng khẳng định: "Việt Nam triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cuối năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ bằng và vượt mức trung bình của các nước ASEAN dẫn đầu". Theo đó, thời gian nộp thuế giảm từ hơn 537 giờ còn 167 giờ một năm. Quá trình làm thủ tục đăng ký kinh doanh còn tối đa 5 ngày. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 22% trong năm nay và về 20% năm 2016; thuế suất ưu đãi chỉ 17%. Ngoài ra, từ ngày 1/7, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Phó thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp ngoại rót vốn vào ngành chế biến nông thủy sản để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; công nghiệp điện, điện tử; năng lượng sạch; chế tạo; phụ trợ; công nghiệp sản xuất ôtô. Ông kêu gọi các nước, đặc biệt là Nhật, đầu tư vào lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu phát triển mạnh nhưng còn yếu là sản xuất nông nghiệp với công nghệ, chất lượng cao. Bởi hiện tại, Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển mạnh, sản phẩm có mặt ở nhiều nước nhưng năng suất, chất lượng còn thấp.
Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm nay mở ra cơ hội dịch chuyển lao động tự do trong khu vực. Đây cũng là nội dung thu hút sự bàn luận của doanh nghiệp, lãnh đạo các nước tại diễn đàn đối thoại châu Á lần thứ 21. Bộ trưởng cao cấp danh dự Singapore - Goh Chok Tong chia sẻ, những lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Vấn đề đặt ra là các quốc gia cần xem xét kỹ tiêu chuẩn tuyển chọn, cơ chế giám sát khi lưu chuyển lao động trong phạm vi ASEAN và nên có tỷ lệ nhất định về lao động tại chỗ và nước ngoài để đảm bảo tính cân đối. Ông lấy ví dụ, hiện Singapore cần nhiều nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, nếu không có chính sách phù hợp, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên lao động nước ngoài và người dân Singapore sẽ khó khăn trong tìm việc.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Masuko, lãnh đạo Mitsubishi Motors Corporation cho biết, hiện tại, nhân sự là bài toán khó với doanh nghiệp này. Do một số rào cản, công ty có hoạt động ở khu vực ASEAN nhưng không gửi nhân sự người Nhật sang nước sở tại được. Ông kỳ vọng việc tự do hóa luồn đi lại của sản phẩm, con người, dịch vụ, xây dựng hệ thống cơ chế tận dụng ưu thế của các nước thành viên ASEAN sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, kinh tế các nước.
Ông cũng chỉ ra một số thách thức lớn hiện nay trong ngành ôtô ở khu vực ASEAN là tiêu chuẩn mỗi nước mỗi khác. Có nơi phải mua giấy phép nhập khẩu, bởi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước sở tại không dễ dàng gì. Và điều này đối lập với ý tưởng xây dựng thị trường hoàn toàn tự do.
Hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tính cạnh tranh, phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và ngoại nhập, thủ tục phức tạp, chi phí bôi trơn... là mối quan tâm chính mà doanh nghiệp các nước kỳ vọng sẽ được tháo gỡ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành.
Là đại diện doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được Ban tổ chức mời làm diễn giả, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên nhận xét, trong ngành sữa, hàng rào thuế quan ở khu vực hiện đã giảm nhiều. Ví dụ như sản phẩm của công ty xuất sang các nước trong cộng đồng này và ngược lại thì thuế suất khoảng 3-5%. Điều này đặt ra thách thức cho chính bản thân mỗi doanh nghiệp các nước phải tự nâng cao mình, giảm giá thành, thiết lập tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. "Thách thức lớn nhất khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành là sự cạnh tranh lẫn nhau, nhưng phải có cạnh tranh thì mới thúc đẩy các bên cùng phát triển", bà khẳng định.
Người đứng đầu Vinamilk đánh giá nhân sự là yếu tố then chốt để hình thành một cộng đồng vững mạnh. Chia sẻ thông tin với lãnh đạo doanh nghiệp các nước, bà cho biết, có nhiều chuyên gia nước ngoài đến và làm việc tại Việt Nam. Họ sẵn sàng trao đổi kiến thức, kỹ năng để tạo điều kiện cho lao động người Việt hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà kỳ vọng, trong tương lai, lưu chuyển nhân lực ở ASEAN sẽ nhanh, thuận lợi hơn, tạo sự liên kết bền chặt giữa các thành viên.
Theo vnexpress.net ngày 22/05/2015