Phú Thọ: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
27 Tháng 10, 2021
Phú Thọ cam kết luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng DN; lấy DN là trung tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển hiệu quả, góp phần đưa Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững.
Đó là chia sẻ của ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ với DOANH NHÂN.
- Ông có thể cho biết những điểm nổi bật của bức tranh doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thời gian qua?
Xác định doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân Đất Tổ có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 03/5/2017 về phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2363/KH-UBND ngày 08/6/2017 xác định 30 nhóm nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các đoàn thể thực hiện, trọng tâm là cải cách hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các vấn đề có liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã tạo nền tảng về chuyển biến nhận thức, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân; tạo diện mạo hoàn toàn mới về một chính quyền năng động, lấy doanh nghiệp làm trung tâm hoạt động; qua đó thúc đẩy các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đến hết năm 2020, Phú Thọ đã có tổng cộng 8.764 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký 66.401 tỷ đồng. Trong đó, có 3.513 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 25.933 tỷ đồng; tốc độ phát triển bình quân tăng 8,17%/năm; Tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp so tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 52,5%; Tạo việc làm thường xuyên cho 151,6 nghìn lao động… Tính đến ngày 30/9/2021, trên địa bàn tỉnh có 9.316 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 67.076 tỷ đồng. Giai đoạn 2017- 2020 Phú Thọ cũng thu hút được 658 dự án của các doanh nghiệp với số vốn đầu tư 128.773 tỷ đồng.
- Có được kết quả này, theo ông đâu là lợi thế của Phú Thọ trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp?
Phú Thọ có vị trí là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, là trung tâm Vùng chuyển tiếp giữa Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km, cách Trung tâm thành phố Hà Nội 80km, cách cảng Hải Phòng 170km, cách cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu và cửa khẩu Thanh Thủy - Lạng Sơn 200km. Những năm qua, cơ sở hạ tầng của tỉnh được đầu tư đồng bộ, theo hướng hiện đại, giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi, thông suốt. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua Phú Thọ có 3 điểm kết nối là IC7 - Thành phố Việt Trì; IC8 - Phù Ninh và IC11- Hạ Hòa…
Bên cạnh tiềm năng, lợi thế về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, xã hội,... yếu tố quan trọng trong thu hút các doanh nghiệp là sự tin cậy về cơ chế, chính sách. Những năm gần đây, môi trường đầu tư ở Phú Thọ ngày càng được cải thiện theo hướng minh bạch, cởi mở, thuận lợi và thân thiện, sẵn sàng đón nhà đầu tư. Phú Thọ cam kết “luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp” thông qua các cơ chế, chính sách đặc biệt về ưu đãi, thu hút đầu tư và hoạt động xúc tiến đầu tư. Chỉ số PCI của tỉnh liên tục tăng trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2020, Chỉ số PCI của Phú Thọ tăng 4 bậc so với năm 2019, xếp thứ 22 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc.
Cùng với chỉ số PCI, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Phú Thọ tăng 10 bậc so với năm 2019 và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 5 bậc so với năm 2019, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 88,20% tỷ lệ hài lòng chung, xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2019. Những con số này thể hiện bước đi vững chắc của tỉnh trong chặng đường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính quyền phục vụ… Đây chính là những lợi thế góp phần đưa Phú Thọ đã trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp ở khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư của tỉnh Phú Thọ thời gian qua ngày càng được cải thiện, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đã trở thành điểm sáng của Phú Thọ khi chỉ số PAR INDEX đứng trong TOP 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Vậy ông có thể cho biết, điểm đột phá trong công tác này trên địa bàn tỉnh?
Để tạo đột phá về cải cách TTHC, xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC liên quan đến lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thẩm định dự án đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư (từ 35 ngày còn 18 ngày, giảm 17 ngày so với quy định); áp dụng hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng, trung bình hàng năm có 1.200 lượt hồ sơ đăng ký qua mạng, chiếm 26% lượt hồ sơ.
Tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp thông qua chấm điểm CCHC đối với 20 sở, ngành, 13 huyện, 5 đơn vị sự nghiệp, 8 cơ quan ngành dọc Trung ương; hàng năm thực hiện rà soát, đánh giá để nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính. Triển khai mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2018; duy trì, nâng cao chất lượng Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả 13/13 huyện. Kết quả đã rút ngắn được thời gian giải quyết các TTHC, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt 99,84%.
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC, tỉnh đã xây dựng website dịch vụ công, kết nối Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo đã liên thông 100% các cơ quan nhà nước; thực hiện số hóa quy trình xử lý văn bản hành chính, cấp 2.086 chữ ký số cho các cán bộ các cấp. Tính đến nay toàn tỉnh có 1.363 TTHC công mức độ 3 (đạt 76,5%), 168 TTHC công mức độ 4 (đạt 9,4%).
Cùng với việc xây dựng quy hoạch định hướng thu hút phát triển các lĩnh vực, ngành sản phẩm ưu tiên cho từng giai đoạn, gắn với kế hoạch sử dụng đất hàng năm, Phú Thọ đã cụ thể hóa, xây dựng danh mục các dự án ưu tiên, cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển DNNVV, tạo điều kiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp theo Quyết định 1566/QĐ- TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 35/NQ- CP về phát triển doanh nghiệp đến năm 2025.
Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo, thực hiện giảm thiểu, trách chồng chéo trong việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hàng năm thống nhất xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chung toàn tỉnh, không quá 01 năm/01 lần tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư; duy trì đường dây nóng hỗ trợ giải đáp trực tiếp về các lĩnh vực liên quan như: đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, đất đai, môi trường, xây dựng, PCCC...
- Ông chia sẻ ngắn gọn về định hướng của Phú Thọ trong phát triển doanh nghiệp giai đoạn tới?
Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tập trung thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, vì thế việc nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ, cũng đồng thời là mục tiêu quan trọng, nhằm xây dựng hình ảnh một Phú Thọ năng động, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!