The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Áp dụng mô hình quản lý tiên tiến nhằm tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

GIỚI THIỆU MÔ HÌNH QUẢN LÝ TIÊN TIẾN
Ông Nguyễn Ngọc Thi, Giám đốc chi nhánh Viện Năng suất Việt Nam (Vietnam National Productivity Institute - gọi tắt là VNPI) tại Đà Nẵng, cho biết chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - viết tắt của Provincial Competitiveness Index) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. PCI được xem là "tiếng nói" quan trọng của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh địa phương. Năm 2013, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tỉnh Phú Yên có chỉ số PCI đứng vị thứ 51/63 tỉnh, thành trên cả nước. Chỉ số này nằm trong nhóm tương đối thấp.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Phú Yên tiếp cận với các mô hình quản lý, các công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Sở KH-CN Phú Yên đã phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức hội nghị "Nhận thức chung về giải pháp, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng". Hội nghị lần này nằm trong khuôn khổ dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Phú Yên đến năm 2020.
Hội nghị đã tập trung giới thiệu các mô hình hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đã và đang áp dụng phổ biến trong nước và trên thế giới. Trong đó có các giải pháp ISO 9001:2008 tập trung vào việc phòng ngừa, cải tiến; ISO 14001 được xây dựng nhằm tạo ra một hệ thống quản lý để giúp các tổ chức, doanh nghiệp giảm bớt những tác động tiêu cực tới môi trường; ISO 22000:2005 áp dụng vào các cơ sở sản xuất thực phẩm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo ra sự ổn định trong xã hội trước nguy cơ nhiễm độc thực phẩm đang đứng trước tình trạng báo động cao; tiêu chuẩn OHSAS 18001 là một phương pháp đánh giá hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp; 5S là phương pháp quản lý nhằm cải tiến môi trường làm việc; 7 QC Tools dùng để kiểm soát sản phẩm lỗi trong sản xuất để tìm ra nguyên nhân và khắc phục...
Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm; đồng thời tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
TĂNG SỨC CẠNH TRANH CHO DOANH NGHIỆP
Ông Đặng Sanh Định, Phó giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Bia Sài Gòn miền Trung tại Phú Yên, cho biết: "Chi nhánh Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Miền Trung tại Phú Yên là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000. Cho đến nay, hệ thống này vẫn được duy trì, cải tiến liên tục và giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn".
Năm 2007, chi nhánh Công ty cổ phần bia Sài Gòn Miền Trung tại Phú Yên bắt đầu áp dụng hệ thống quản lý ISO 9000 và công cụ 5S. Bước đầu tiếp cận với hệ thống này, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó nhất là việc phân định trách nhiệm cụ thể đến từng nhân viên và bắt buộc mỗi người đều phải hoàn thành phần việc của mình theo quy định. Những quy định này ban đầu khiến nhiều người cảm thấy gò bó; tuy nhiên, sau khi hệ thống vận hành, công việc tiến triển thuận lợi hơn. Cụ thể, người quản lý sẽ dễ dàng quản lý nhân sự, quản lý đầu việc; còn nhân viên sẽ thực hiện và chịu trách nhiệm với phần việc của mình. Qua đó, mọi hoạt động của doanh nghiệp được kiểm soát, quản lý một cách chặt chẽ.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina, cho biết, công ty đã áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Hệ thống quản lý này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho công ty, trong đó, dễ nhận thấy nhất là giúp doanh nghiệp quản lý công việc hiệu quả, nâng cao sự thỏa mãn cho khách hàng, tạo động lực để nhân viên làm việc ngày một tốt hơn.
Việc áp dụng các hệ thống quản lý này, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đưa ra các chương trình, kế hoạch để thực hiện, đồng thời các nhà quản lý cũng liên tục kiểm tra, đánh giá công việc để có hình thức khen thưởng, xử lý phù hợp đối với từng cá nhân. Nhờ quản lý chặt chẽ, kiểm soát tốt từng giai đoạn trong suốt quá trình sản xuất nên khi áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng do­anh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, các hệ thống quản lý sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, giảm sản phẩm lỗi; đồng thời nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Cũng chính vì những hiệu quả này mà chi nhánh Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Miền Trung tại Phú Yên đã duy trì tốt hệ thống quản lý ISO 9000 và tiếp tục đưa vào áp dụng hệ thống quản lý ISO 14000, ISO 22000, ISO 17025.
Trong dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Phú Yên đến năm 2020, UBND tỉnh dự kiến trong giai đoạn 2016-2020 sẽ hỗ trợ 10 doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; 15 doanh nghiệp tham gia xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... Điều này góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; giải thưởng chất lượng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.

THÁI HÀ

Theo nguồn Báo Phú Yên điện tử ngày 15/12/2014