The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Cải cách công vụ, công chức: Giải pháp nâng cao cải cách hành chính

Cải cách công vụ, công chức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính (CCHC). Qua 10 năm thực hiện (giai đoạn 2011-2020), Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, góp phần nâng cao năng lực thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Đến nay, UBND tỉnh đã hoàn thành phê duyệt đề án Vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức cho 30/30 cơ quan, địa phương; phê duyệt đề án Vị trí việc làm cho 100% đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ban ngành và đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh. 7/9 địa phương đã hoàn thành việc phê duyệt đề án Vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
Chú trọng xây dựng hình ảnh CBCCVC
Để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ CBCCVC “thân thiện, nghĩa tình; tận tụy, trách nhiệm; kỷ luật, kỷ cương” và định hướng cho CBCCVC, người lao động các chuẩn mực trong thi hành công vụ, giải quyết công việc với tổ chức và cá nhân, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh; Quy định tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo quý đối với cấp trưởng phòng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trưởng phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố; Quy định tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo quý đối với chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Theo ông Hồ Thanh Hoài ở thị trấn Phú Thứ (huyện Tây Hòa), điều dễ nhận thấy nhất là thái độ phục vụ của công chức có sự cải thiện rõ rệt, hướng dẫn tận tình, không để người dân đi lại nhiều lần. Cán bộ lãnh đạo cũng thường xuyên tham gia hoạt động tiếp dân, đối thoại những vấn đề còn nhiều vướng mắc, nhất là vấn đề đất đai.
“Hiện nay, UBND tỉnh tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, địa phương để sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử vào quy định để góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử và cải thiện kết quả các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS của tỉnh trong thời gian đến. Qua đó sẽ nâng cao chỉ số hài lòng cho tổ chức, cá nhân và xây dựng hình ảnh CBCCVC ngày càng gần gũi với công dân”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết.
Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh tập trung bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, lý luận chính trị theo chương trình quy định cho CBCC; bồi dưỡng lãnh đạo cấp sở, phòng; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý điều hành, thực thi nhiệm vụ theo vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về tôn giáo; bồi dưỡng tiếng dân tộc, kỹ năng, phương pháp hoạt động của đại biểu HĐND các cấp. “Trong giai đoạn 2011-2019, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng mở 230 lớp đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho 11.913 lượt CCVC”, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Đức Thơ nói.
Còn theo Giám đốc Sở KH-ĐT Võ Cao Phi, CBCCVC đóng vai trò rất lớn trong việc cải thiện các chỉ số PCI, DDCI của tỉnh. Vì vậy, Sở KH-ĐT luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ. Hình ảnh người cán bộ, công chức cần được xây dựng ngày càng hoàn thiện để tạo niềm tin cho tổ chức, cá nhân.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ
Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCCVC là một trong những nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo. Thực hiện Chỉ thị 23/2013 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đến CBCCVC và người lao động chấp hành. Đó là không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn về sớm; không uống rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách trong nước; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc cho tổ chức, công dân, tránh gây phiền hà, sách nhiễu khi thi hành nhiệm vụ, công vụ… Đồng thời thành lập tổ kiểm tra công vụ về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các cơ quan, địa phương cải tiến lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Bên cạnh những thuận lợi, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCCVC cũng còn một số khó khăn. Cụ thể như, việc tinh giản biên chế CCVC theo tỉ lệ 10% của các địa phương trong bối cảnh thực tiễn công tác quản lý nhà nước ngày càng phức tạp dẫn đến tình trạng các cơ quan, đơn vị không đủ nhân lực để thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, tiền lương của CBCCVC tuy được điều chỉnh hàng năm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa đảm bảo để CBCCVC yên tâm công tác, dễ nảy sinh những tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của nền công vụ. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt việc gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý nên chưa tạo động lực để CBCCVC phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng tuy có đổi mới nhưng còn nặng tính lý thuyết, chưa chú trọng nhiều đến kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, công vụ nên khi vận dụng, áp dụng vào thực tiễn còn gặp bất cập, hạn chế.
Theo Văn phòng UBND tỉnh, để thực hiện hiệu quả công tác CCHC trong giai đoạn tới, nhất là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy định về công tác đánh giá cán bộ theo quá trình, đảm bảo tính liên tục, đa chiều, theo nhiều tiêu chí và mức độ hoàn thành công việc được giao; nghiên cứu cơ chế bảo vệ cán bộ dám phản ảnh những việc làm sai trái của người đứng đầu đơn vị, cấp ủy trong công tác sắp xếp, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá cán bộ. Từng bước xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, khung năng lực cụ thể của từng vị trí việc làm, từng chức danh phù hợp với thực tiễn hoạt động công vụ để làm căn cứ chính xác phục vụ công tác đánh giá, đào tạo, chế độ lương, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm...

Để ngày càng cải thiện thái độ phục vụ của CBCC, tỉnh chú trọng đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm các quy định, chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của CBCCVC; xây dựng chế tài đối với việc thực thi công vụ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế