The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Cải thiện chỉ số DDCI để thu hút doanh nghiệp

Huyện Tây Hòa thuộc khối địa phương được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và xếp vị trí thứ 2 trong nhóm địa phương được khảo sát. Trong ảnh: Các tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại trụ sở - Ảnh: THÙY THẢO

* Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của việc đánh giá chỉ số DDCI?

- Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai chỉ số DDCI. Những tỉnh, thành phố công bố chỉ số này công khai và kiên trì thực hiện các chương trình cải cách trên cơ sở ý kiến doanh nghiệp đều có những chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, cải thiện năng lực và thứ hạng cạnh tranh trong các năm tiếp theo. Bộ chỉ số DDCI được công nhận là công cụ hữu hiệu cho chính sách cải cách.

Với tinh thần “Truyền lửa cải cách về cơ sở” của DDCI, UBND tỉnh Phú Yên đã lựa chọn 26 đơn vị tham gia thí điểm và triển khai Chương trình Chỉ số đánh giá DDCI năm 2018, với ba mục tiêu hướng đến môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững, bao gồm: Chẩn trị ban đầu tại thời điểm cuối năm 2018 về những điểm mạnh cũng như hạn chế của hai nhóm đơn vị xét trên 8 trụ cột điều hành kinh tế; tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành; xây dựng kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban ngành.

Với việc thực hiện 3 mục đích trên, DDCI Phú Yên năm 2018 tạo cú hích ban đầu và qua những năm sau có thể củng cố động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần duy trì và phát triển môi trường thuận lợi, bền vững.

* Qua khảo sát, nhóm đã có những kết luận gì về chỉ số DDCI của Phú Yên, thưa ông?

- Mặc dù là năm đầu tiên triển khai DDCI nhưng Phú Yên cũng nhận được hơn 700 sự phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng. Các doanh nghiệp tham gia đánh giá thí điểm Bộ chỉ số DDCI cho thấy sự phát triển ổn định của một bộ phận các doanh nghiệp. Trong khi một số nhóm khác lại gặp khó khăn và thu hẹp sản xuất.

Chương trình DDCI Phú Yên khoanh vùng những hạn chế và tồn tại, giải thích thứ hạng và năng lực cạnh tranh còn yếu của tỉnh trong bảng xếp hạng PCI quốc gia. Kết quả DDCI Phú Yên cho thấy tổng thể tỉnh có những hạn chế trong cả hai khối tham mưu, quản lý cấp sở, ngành và địa phương.

Trong khi khối địa phương lộ rõ những hạn chế về chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, vai trò người đứng đầu, tính minh bạch và tiếp cận thông tin thì khối sở, ban ngành cũng có những điểm yếu về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức, vai trò người đứng đầu và chi phí thời gian. Như vậy, điểm yếu chung trong cả hai khối là vai trò người đứng đầu và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tính minh bạch còn hạn chế là cội nguồn của chi phí không chính thức và chi phí thời gian.

Về mức độ hài lòng, khối sở, ban ngành được đánh giá cao hơn khối địa phương. Cụ thể, trong khối này, một số đơn vị như: ngành Thuế, Công thương, KH-ĐT, Công an được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực. Trong khi khối sở, ban ngành tham mưu, phụ trách các nguồn lực đất đai, cơ sở hạ tầng được đánh giá ở nhóm xếp cuối thì Ban quản lý Khu kinh tế và Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được doanh nghiệp đánh giá cao. Khối địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao 3 địa phương là Tuy An, Tây Hòa và Sông Hinh.

DDCI Phú Yên chỉ rõ vai trò và vị trí của từng đơn vị trong mỗi chỉ số thành phần, tạo nên sức cạnh tranh chung của tỉnh. Việc Phú Yên thí điểm DDCI năm 2018 là hành động cụ thể, thể hiện thái độ lắng nghe và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới. DDCI giúp tất cả các đơn vị tham gia thí điểm đánh giá phân tích chi tiết hơn về năng lực, kết quả và tác động của hoạt động điều hành kinh tế. Qua đó, một mặt giúp từng đơn vị vươn lên, mặt khác xác định những nút thắt trong công tác điều hành; tỉnh và các đơn vị sẽ trực tiếp lắng nghe những phản ánh của các doanh nghiệp về mọi mặt, nhất là các vấn đề nhạy cảm...

* Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu có những kiến nghị gì với tỉnh để chỉ số DDCI của Phú Yên ngày càng cải thiện hơn, thưa ông?

- Tỉnh phải xác định DDCI sẽ tạo hiệu ứng cạnh tranh nội bộ tỉnh và hỗ trợ trực tiếp công tác lập kế hoạch, định hướng cải cách hành chính, điều hành kinh tế các cấp, theo đó, nhóm nghiên cứu đã có những kiến nghị. Cụ thể, cần tiếp tục duy trì công bố công khai chỉ số DDCI trong những năm tới đây, nhằm mục đích tạo sức ép cạnh tranh liên tục, tạo cơ sở dữ liệu đo lường và giám sát chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh và các đơn vị cơ sở theo thời gian; đặt mục tiêu toàn tỉnh ngay trong năm 2019, hướng đến đạt và vượt mức trung vị của tất cả các chỉ số thành phần tùy theo điểm xuất phát năm 2018.

Từng đơn vị tham gia thí điểm trên cơ sở dữ liệu DDCI năm 2018 chi tiết, chủ động đặt mục tiêu, xác định nội dung hoạt động và lộ trình triển khai cụ thể các hoạt động nhằm cải thiện các lĩnh vực mình phụ trách và tương tác với doanh nghiệp. Tổ công tác PCI/DDCI của tỉnh khuyến khích các đơn vị cơ sở xây dựng, phát triển một số sáng kiến đột phá trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch hóa và tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai và thông tin về đất đai thuận lợi; đặc biệt là giảm mạnh chi phí không chính thức ngay từ trong quý IV/2018.

Đồng thời rà soát ngay vai trò các vị trí đứng đầu các đơn vị và gắn trách nhiệm cải thiện PCI/DDCI với từng lãnh đạo khối sở, ban ngành và địa phương. Tất cả các sở, ban ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để “phá băng”, cởi mở vì còn một số doanh nghiệp vẫn ngần ngại, chưa thật sự mong muốn thể hiện quan điểm của mình; xây dựng lòng tin doanh nghiệp để họ có ý kiến đóng góp cho tỉnh ngày càng tốt hơn. Việc đánh giá DDCI là đánh giá động, một sự cải cách không có giới hạn.

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh Phú Yên cần chỉ đạo từng đơn vị rà soát và phân tích kỹ điểm mạnh, yếu của từng chỉ số thành phần, chỉ tiêu đánh giá trong DDCI. Qua đó xây dựng mục tiêu và kế hoạch hành động của mỗi đơn vị. Kế hoạch cải thiện DDCI của từng đơn vị chính là kế hoạch hành động triển khai chương trình PCI của tỉnh, đóng góp chung cho nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thứ hạng cạnh tranh của tỉnh trong dài hạn...

* Xin cảm ơn ông!

THÙY THẢO (thực hiện)

Theo Báo Phú Yên