The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PHÚ YÊN: CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ CƠ CHẾ MỘT CỬA

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt và phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đặc biệt, thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC để kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định, TTHC không thật sự cần thiết, không phù hợp, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch về kiểm soát TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho phù hợp với cơ quan, địa phương mình. Thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ TTHC theo đúng quy định tại Thông tư 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ và báo cáo kết quả giải quyết TTHC kịp thời, chính xác. Khắc phục tình trạng giải quyết và trả kết quả hồ sơ TTHC trễ hạn, trả lại hồ sơ, nhất là lĩnh vực đất đai, trường hợp trễ hạn do nguyên nhân chủ quan, phải chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi theo quy định tại Quyết định 07/2017/QĐ-UBND ngày 16/3/2017 của UBND tỉnh quy định xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính sai sót, trễ hạn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tiếp nhận 100% các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp rà soát, tăng số lượng lĩnh vực, TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã và giữa các cơ quan ngành dọc với cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra tình hình giải quyết TTHC của các đơn vị, địa phương thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý để kịp thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời báo cáo, công khai kết quả xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm liên quan đến giải quyết TTHC; bố trí người tiếp nhận và trả kết quả TTHC đúng chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực công tác, đạo đức tốt, có thái độ lịch sự, hòa nhã khi tiếp công dân. Xây dựng quy trình giải quyết TTHC nội bộ, quy trình quản lý vận hành dịch vụ công trực tuyến của từng cơ quan bảo đảm khoa học, xác định rõ trách nhiệm của từng công chức, viên chức. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết TTHC góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân; tăng cường việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp khi yêu cầu giải quyết TTHC.

Những cơ quan để xảy ra tình trạng nhiều hồ sơ trễ hạn, trả lại hồ sơ; báo cáo không trung thực về kết quả giải quyết TTHC, nhất là số liệu hồ sơ giải quyết, trả kết quả trễ hạn; không chỉ rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục, nhất là nguyên nhân chủ quan thì thủ trưởng cơ quan, chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Được biết, trong những năm qua, công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, qua kiểm tra còn phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến giải quyết TTHC tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm đến chất lượng đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả…

VĂN NGỌC

Báo Phú Yên