The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên - Chỉ số PCI của Phú Yên có nhiều lĩnh vực đạt thứ hạng tốt

Xoay quanh nội dung này, thạc sĩ Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết:

- PCI được tính toán nhằm đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh dựa trên môi trường kinh doanh, chính sách thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân thông qua điều tra các doanh nghiệp ở mỗi tỉnh, thành phố. Mục đích của việc nâng cao PCI chính là cải thiện công tác quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền địa phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đây còn là một trong những thông số được các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tham khảo để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, đầu tư của mình.
* Ông có thể giới thiệu chung về PCI?
- VCCI được sự hợp tác nghiên cứu và trợ giúp của Cơ quan hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (US-Aid), xác định các chỉ số để đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Đó chính là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
PCI được công bố thí điểm lần đầu tiên vào năm 2005 gồm 8 chỉ số thành phần, mỗi chỉ số thành phần lý giải sự khác biệt về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Theo đó, có 47 tỉnh, thành phố của Việt Nam được xếp hạng và đánh giá. Lần thứ hai, năm 2006, 2 lĩnh vực quan trọng của môi trường kinh doanh (thiết chế pháp lý và đào tạo lao động) được đưa vào xây dựng chỉ số PCI. Từ năm 2006 trở đi, tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam đều được đưa vào bảng xếp hạng. Năm 2009, phương pháp luận PCI được nhóm nghiên cứu điều chỉnh để phản ánh kịp thời sự phát triển năng động của nền kinh tế và các thay đổi trong môi trường pháp lý tại Việt Nam. Hiện nay, PCI có 9 chỉ số thành phần.
* Một tỉnh, thành phố có kết quả PCI tốt sẽ như thế nào, thưa ông?
- Khi một tỉnh, thành phố có kết quả PCI tốt thì kéo theo nhiều điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tăng mức độ hài lòng của người dân, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Cụ thể, chi phí gia nhập thị trường thấp; doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và có mặt bằng kinh doanh ổn định; môi trường kinh doanh công khai, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận công bằng các thông tin cần cho kinh doanh và các văn bản pháp luật cần thiết; chi phí không chính thức thấp chỉ ở mức tối thiểu; chi phí thời gian cho thanh tra, kiểm tra và thực hiện các thủ tục hành chính thấp; môi trường kinh doanh bình đẳng; lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách và dịch vụ đào tạo lao động tốt; hệ thống pháp luật và tư pháp để giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp công bằng và hiệu quả.
* Ông đánh giá gì về chỉ số PCI của Phú Yên thời gian qua?
- Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu PCI thời gian qua thì chỉ số này của Phú Yên có nhiều lĩnh vực được cải thiện, đạt thứ hạng tốt như: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng và tính năng động. Phú Yên đã chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với bước đi đột phá là xây dựng thành công mô hình "một cửa" và "một cửa liên thông hiện đại" giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm thời gian, công sức, tạo tính công khai minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết các TTHC của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, Phú Yên đã đầu tư các trang web về công nghệ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; nhất là cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở KH-ĐT, Công thương (đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Bên cạnh đó, vẫn còn một số lĩnh vực chưa được đánh giá cao, cải thiện chưa nhiều, so với cả nước vẫn còn khoảng cách. Do đó, trong thời gian đến Phú Yên cần quan tâm cải thiện mạnh mẽ.
* Vậy, những giải pháp để nâng chỉ số này là gì, thưa ông?
- Có thể nói, PCI là một kênh thông tin rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; chỉ số này tốt sẽ tạo sức hấp dẫn cho các đối tác đầu tư. Tuy nhiên, để nâng cao chỉ số này đòi hỏi phải có sự phối hợp toàn diện của các cơ quan, ban, ngành. Theo đó, Phú Yên cần có những nhóm giải pháp tích cực, mang tính dài hơi để có thứ hạng tốt. Cụ thể, việc tập trung đánh giá và giải quyết rốt ráo những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp; tham khảo, áp dụng những kinh nghiệm tốt của các địa phương khác trên cả nước; lưu ý công tác truyền thông, nhất là khi có các sự kiện lớn trong năm.
Điều quan trọng là tạo được văn hóa đồng hành cùng doanh nghiệp. Đây là giải pháp hữu hiệu mà Phú Yên có thể cải tạo tốt môi trường kinh doanh.
Trong điều kiện khó khăn về cơ sở hạ tầng và vị trí địa lý không thuận lợi, Phú Yên nên chú trọng đến chất lượng điều hành; cải cách toàn diện TTHC. Tôi cho rằng, cải thiện TTHC là cách khắc phục, bù đắp những điểm yếu và là giải pháp giúp Phú Yên nhanh chóng theo kịp các địa phương khác.

* Xin cảm ơn ông!

THÙY THẢO (thực hiện)

Theo Báo Phú Yên điện tử

Ngày 12/09/2014