The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử

Ngày 28/8/1945, Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập các bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền. Ngày 19/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 258/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 hàng năm là Ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Việt Nam.
Trải qua 75 năm hoạt động, ngành TT-TT đã không ngừng lớn mạnh toàn diện, đạt được thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực Truyền thông, Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin (CNTT), An toàn an ninh mạng và Công nghiệp CNTT. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0), ngành TT-TT đã và đang góp phần quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử và triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế đất nước trong cuộc cách mạng 4.0. Nhân dịp này, Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Hưng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TT-TT về một số nội dung liên quan.
Đội Truyền thông tình nguyện của Sở TT-TT hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Bluezone tại Trung tâm hành chính công Phú Yên. Ảnh: NGÔ XUÂN
* Ông có thể khái quát vài nét về ngành TT-TT Phú Yên sau 15 năm hình thành và phát triển?
- Sở TT-TT, tiền thân là Sở Bưu chính Viễn thông Phú Yên, thành lập ngày 18/10/2005. Qua 15 năm hình thành, phát triển, ngành TT-TT Phú Yên từng bước hoàn thiện bộ máy, nguồn nhân lực, hạ tầng CNTT… hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đến tháng 6/2020, Phú Yên có 5 cơ quan báo chí địa phương, 3 văn phòng đại diện; 20/20 cơ quan nhà nước và 9/9 UBND huyện, thị xã, thành phố có trang thông tin điện tử; 14 cơ quan đơn vị được cấp phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp. Toàn tỉnh có 9 trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh, Truyền hình; 110/110 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cấp xã đang hoạt động thường xuyên; có khoảng 752 báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở, 78 bưu điện văn hóa xã, 181 tủ sách pháp luật/110 xã, phường, thị trấn và các thư viện phục vụ người dân.
Về bưu chính, Phú Yên hiện có 13 doanh nghiệp, 111 điểm phục vụ bưu chính, 81 điểm cung cấp dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua mạng bưu chính công cộng. Doanh thu bưu chính 6 tháng đầu năm 2020 đạt 94,8 tỉ đồng. Về viễn thông, Phú Yên có 11 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ: điện thoại cố định, di động, internet băng rộng di động, internet băng rộng cố định, truyền hình trả tiền - CableTV, IPTV. Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 468 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 15,6 tỉ đồng.
Từ 1/1-19/5/2020, Cổng dịch vụ công của tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận 81.909 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 74.639 hồ sơ, đạt gần 94,6%. Nhiều đơn vị, địa phương xử lý hồ sơ trên môi trường mạng khá tốt như các sở Công thương, LĐ-TB-XH, GD-ĐT, Xây dựng, VH-TT-DL, TT-TT, KH-CN, Nội vụ và các huyện Sơn Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa...
* Thưa ông, việc ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử có là áp lực lớn đối với ngành TT-TT?
- Nếu như trước đây, trong công tác quy hoạch, chúng ta chỉ quan tâm đến cơ sở hạ tầng truyền thống như điện, đường, trường, trạm, thì giờ đây, CNTT, hạ tầng số được xem là “hạ tầng của hạ tầng”. Trong đó, hạ tầng số bao gồm hạ tầng ứng dụng, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thiết bị và hạ tầng kết nối. Những yếu tố này cấu thành hạ tầng phát triển công nghệ. Là một địa phương kinh tế còn chậm phát triển, nên việc đầu tư hạ tầng cho ứng dụng CNTT còn khiêm tốn, nguồn nhân lực CNTT rất thiếu nên Phú Yên càng chịu nhiều áp lực về ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử. Ngoài chỉ số ICT Index, cải thiện vị thứ các chỉ số khác về PCI, PAPI, PAR Index cũng là áp lực không nhỏ đối với ngành TT-TT.
Dù vậy, việc ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử ở Phú Yên hiện đã có những kết quả bước đầu. Cụ thể, tỉnh đã triển khai 4 hệ thống dùng chung: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Trục liên thông văn bản của tỉnh, Hệ thống thư điện tử công vụ; Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh…
* Thưa ông, 2020 là Năm Chuyển đổi số quốc gia. Vậy Sở TT-TT đã tham mưu cho UBND tỉnh về nhiệm vụ này như thế nào?
- Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cách sống và cách làm việc với các công nghệ số. Mục tiêu chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam là chuyển đổi để xây dựng và thực hiện được hiệu quả Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi số được diễn giải với ba cấp độ: số hóa thông tin; tạo mô hình hoạt động số và thực hiện chuyển đổi. Có ba yếu tố cơ bản của chuyển đổi số là yếu tố con người, thể chế và công nghệ.
Hiện Sở TT-TT đã xây dựng xong dự thảo Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Phú Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đang lấy ý kiến các sở ngành, địa phương. Trong đó xác định các nguyên tắc chủ đạo là: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Người dân là trung tâm của chuyển đổi số; Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số.
Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số. Đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
* Xin cảm ơn ông!