The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Khâu quan trọng trong cải thiện chỉ số cải cách hành chính

Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC thời gian qua được tỉnh rất quan tâm. Trong ảnh: Bộ phận “một cửa” xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) hướng dẫn công dân giải quyết TTHC. Ảnh: PHONG NHÃ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, một trong những bứt phá trong công tác CCHC đó là sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành. Qua đó, bộ máy hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp hơn, chỉ số CCHC được cải thiện.

Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, trong thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung CCHC của cơ quan, địa phương mình. Đặc biệt, UBND tỉnh đã kịp thời, ban hành Quyết định phê duyệt đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đề án Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém các nội dung, tiêu chí thành phần, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PAPI, PCI.

Sau khi Trung ương công bố kết quả các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, UBND tỉnh cũng đã kịp thời chỉ đạo tổ chức các hội nghị, hội thảo mời các chuyên gia Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) Văn phòng Chính phủ báo cáo, phân tích kết quả các chỉ số, tham vấn, khuyến nghị giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các chỉ số để Phú Yên nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Qua đó, công tác điều hành CCHC chặt chẽ, đồng bộ hơn.

6 năm liền UBND tỉnh tổ chức đánh giá và công bố chỉ số CCHC của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện; tổ chức khảo sát, đánh giá, công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Đồng thời sửa đổi Bộ chỉ số CCHC của các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh để phù hợp với quy định Bộ Nội vụ về phê duyệt đề án Xác định chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và yêu cầu công tác CCHC của tỉnh.

Ngoài ra, cùng với đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, phát huy tinh thần, trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức đối với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 16/2019/QĐ-UBND ngày 18/6/2019 về Quy chế công tác tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tăng cường tính năng động, tiên phong, gương mẫu, tạo sự cạnh tranh, nâng cao năng lực của lãnh đạo các cấp trong quản lý, điều hành CCHC, phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo thiết thực, hiệu quả

Bí thư Đảng ủy xã An Thạch Ngô Tấn Lang cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác CCHC, lãnh đạo UBND xã luôn chú trọng triển khai nhiệm vụ CCHC, nỗ lực trong điều hành, cải tiến phương pháp làm việc, sâu sát lắng nghe ý kiến công dân; kiểm soát thái độ gây cản trở, nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức khi giao tiếp với công dân.

Còn Giám đốc Sở TT-TT Trần Thanh Hưng cho hay: Sở đã rà soát việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước để tham mưu UBND tỉnh phát triển ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan này, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và hướng phát triển trong những năm tới, gắn với CCHC, xây dựng Chính phủ điện tử. Với quyết tâm cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC ngày càng tốt hơn, gắn với việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, Sở TT-TT thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, điều hành công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình CCHC. Thông qua công tác tuyên truyền, các tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những thông tin cần thiết về công tác CCHC phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; chỉ đạo công chức, viên chức thực hiện đạt hiệu quả cao việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: “Để góp phần xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, từng bước triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn, tiến tới nền kinh tế số - xã hội số, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo phát triển CNTT. Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử và đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động 141 về thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch 151 về triển khai thực hiện Quyết định 274 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Cổng dịch vụ công quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đồng thời xác định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm, sản phẩm và kết quả đầu ra, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, chất lượng, hiệu quả.

“Tôi thấy hệ thống văn bản được niêm yết công khai theo từng cấp. Đến xã, lên huyện rồi đến tỉnh đều có sự hướng dẫn phù hợp đối với từng hồ sơ, thủ tục mình cần thực hiện. Điều này nói lên việc chỉ đạo, điều hành rất khoa học của các cấp lãnh đạo”, ông Nguyễn Phú Khang (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) nhìn nhận.

Việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động thể hiện quyết tâm cao của tỉnh nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC, vì một nền hành chính công khai, minh bạch, phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

PHONG NHÃ

Theo Báo Phú Yên