The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

PHÚ YÊN: MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Sáng 7/12, ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa VII, các đại biểu tập trung thảo luận tổ với nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội của tỉnh và bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nhằm ổn định đời sống cho nhân dân… Phóng viên Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến, kiến nghị của đại biểu tại phiên thảo luận tổ.

* Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh: Tp trung thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Năm 2017, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu tuy đạt kế hoạch nhưng chất lượng vẫn còn thấp so với bình quân chung cả nước. Qua hơn 2 năm triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhưng chỉ mới dừng ở bước xây dựng thể chế, chưa tạo sự chuyển biến trong sản xuất; nguồn lực đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế; hoạt động du lịch tuy có chuyển biến nhưng chưa bền vững; thu ngân sách khó khăn, cơ cấu các nguồn thu chưa ổn định; công tác xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo, chính sách thực hiện còn chậm…

Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020), tỉnh đã xây dựng chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khoảng 8,2% (năm 2017 là 7,8%). Theo đó phải cơ cấu lại từng ngành, lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… đảm bảo phát triển, không chạy theo số lượng, tạo sản phẩm riêng từng lĩnh vực. Đồng thời có kế hoạch thu hút đầu tư thông qua việc Phú Yên chuẩn bị tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn, có mời Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại Việt Nam, Bộ trưởng KH-ĐT chủ trì.

Trên cơ sở hội nghị này, Phú Yên sẽ kêu gọi các nhà đầu tư với tiềm năng, tiềm lực mạnh, tạo điều kiện cho các dự án đã và đang đầu tư sớm khởi công, thu hút những dự án có động lực lớn của những tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, những dự án khó khăn về vốn, năng lực yếu, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi.

Về lâu dài, tỉnh có kế hoạch tập trung phát triển các doanh nghiệp; bình quân mỗi năm có từ 400-500 công ty, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 4.500 doanh nghiệp hoạt động. Tỉnh đang xác định những dự án động lực để vừa phát huy lợi thế vừa tạo nguồn thu ổn định, phát triển một số dự án giải quyết việc làm, tạo nguồn nhân lực cho người dân và doanh nghiệp.

* Đại biểu HĐND tỉnh Trần Văn Hạt, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Cần tăng cường công tác đối thoại với người dân

Một trong những vấn đề tỉnh Phú Yên cần quan tâm trong năm 2018 là công tác cải cách hành chính. Thời gian qua, công tác này được các cấp, ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực. Chỉ số cải cách hành chính trong năm 2016 của tỉnh tăng 10 bậc, chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh tăng 6 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 4 bậc.

Tuy nhiên, trong công tác cải cách hành chính nhà nước vẫn còn một số tồn tại. Đó là, cải cách hành chính chưa thực sự chuyển biến đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, chỉ số PCI vẫn còn một số lĩnh vực chưa được đánh giá cao, so với cả nước vẫn còn ở mức thấp.

Việc triển khai xây dựng đề án Vị trí việc làm và phê duyệt đề án này đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm; tình hình quản lý, sử dụng biên chế ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ, số lượng lao động hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế còn nhiều; việc tổ chức các kỳ thi tuyển công chức, viên chức chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động.

Phú Yên vẫn còn tình trạng cán bộ công chức chưa chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc, quy tắc ứng xử, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ…

UBND tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX. UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thiện đề án Vị trí việc làm và kịp thời phê duyệt đề án này theo thẩm quyền, có kế hoạch sớm tổ chức thi tuyển công chức, viên chức và thi thăng hạng cho viên chức, duy trì lịch tiếp công dân và người có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định.

UBND tỉnh nên quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, tăng cường đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, đôn đốc thực hiện các quyết định xử lý sau thanh tra, kết luận sau thanh tra đã có hiệu lực pháp luật.

* Đại biểu Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh: Nên ưu tiên tạo điều kiện khôi phục sản xuất sau bão số 12 ở miền núi

Bão số 12 đã gây thiệt hại nặng cho ngành Nông nghiệp Phú Yên. Huyện Sông Hinh bị thiệt hại nặng nhất là các loại cây cao su, mía, sắn; riêng cao su bị thiệt hại khoảng 2.000ha, trong đó khoảng 300ha mất trắng, hơn 1.000ha thiệt hại từ 50-70%.

Sau bão, huyện đã triển khai khắc phục, dọn dẹp những diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Những diện tích cao su bị thiệt hại dưới 50%, các nông dân đã chặt tỉa, chăm sóc vườn cây để khôi phục sản xuất. Còn với những diện tích bị thiệt hại nặng và mất trắng, địa phương đang nghiên cứu các loại cây trồng thay thế nhưng phải phù hợp với quy hoạch, thổ nhưỡng và tìm đầu ra cho sản phẩm…

Do vậy, địa phương đang gặp khó khăn trong vấn đề này. Huyện kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT có chỉ đạo, định hướng những loại cây trồng để chuyển đổi những diện tích nói trên. Đồng thời cũng kiến nghị tỉnh, Trung ương sớm có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới đối với những hộ nông dân có vay vốn tại các ngân hàng và hỗ trợ kịp thời đối với những hộ bị thiệt hại để khôi phục sản xuất…

Huyện Sông Hinh cũng kiến nghị tỉnh và Trung ương quan tâm ưu tiên bố trí vốn, huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hàng năm, ngoài nguồn vốn được Trung ương đầu tư, ngân sách tỉnh cũng nên cân đối thêm một phần vốn ngân sách và ưu tiên sử dụng các nguồn tài trợ khác để đầu tư phát triển giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi, nước sạch… cho vùng miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

* Đại biểu Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng

Thời gian qua, số vụ phá rừng và diện tích rừng thiệt hại tuy giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh trồng mới khoảng 5.000ha rừng tập trung, nâng tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 40,4% như kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng còn chậm; chưa kịp thời rà soát việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và triển khai phương án trồng rừng thay thế để thực hiện các dự án trên địa bàn…

Năm 2018, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; khuyến khích trồng rừng kinh tế tập trung gắn với xây dựng nhà máy chế biến, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người dân trong vùng dự án. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 15 ngày 4/5/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 75 ngày 9/9/2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Để thực hiện những chỉ đạo trên, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện nghiêm, chặt chẽ, đúng quy định, quy trình, thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh; hoàn thành đề án Định giá rừng trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở áp dụng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Ngành Nông nghiệp đang triển khai cắm mốc xác định ranh giới 3 loại rừng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu năm 2018, Phú Yên tăng trưởng giá trị sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp đạt khoảng 5,7%, nâng tỉ lệ che phủ của rừng lên 41,4%.

ANH NGỌC - THÙY THẢO (lược ghi)

Báo Phú Yên