The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số PCI

Năm 2015, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Phú Yên vẫn giảm 8 bậc. Tại hội thảo về “Mô hình nâng cao chỉ số PCI” do Bộ TT-TT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phù hợp thực tiễn, giúp Phú Yên nâng cao chỉ số PCI trong thời gian đến. Báo Phú Yên ghi lại những ý kiến trên.

TS ĐÀO ĐÌNH KHẢ, VỤ TRƯỞNG VỤ CNTT (BỘ TT-TT): Không thể khoán trắng cho Sở TT-TT

Việc ứng dụng CNTT và PCI có mối quan hệ chặt chẽ. Chỉ số PCI là tổng hợp 10 chỉ số thành phần phản ánh những khía cạnh quan trọng khác nhau của môi trường kinh doanh cấp tỉnh, là thước đo quan trọng, khách quan để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh qua từng năm. Việc phát triển và ứng dụng CNTT một cách hiệu quả giúp chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nên hết sức cần thiết. Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT, thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến phát triển và ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, nhiều chính sách quan trọng về CNTT được ban hành. Theo đó, Phú Yên cũng đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và cũng xác định việc nâng cao chỉ số PCI là một trong những khâu đột phá để nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Phú Yên, việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, trong đó có việc đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lực lượng quản lý còn thiếu, yếu. Chính sách ứng dụng CNTT ở địa phương còn thiếu tính nhất quán, các đơn vị chưa tuân thủ nghiêm các quy định đã ban hành. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho CNTT không tập trung nên dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, không thống nhất, không hiệu quả; chất lượng cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của một số đơn vị còn hạn chế, thông tin cập nhật chưa kịp thời, nhất là thông tin về giải quyết thủ tục hành chính. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được triển khai vẫn còn thấp, chưa hiệu quả. Người dân và doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều từ ứng dụng CNTT, cải cách hành chính…

Để đột phá nâng cao chỉ số PCI, nhất thiết phải tính đến việc phát triển CNTT để công khai, minh bạch thông tin cho các doanh nghiệp, cá nhân; có sự kết hợp từ nhiều hướng, có kế hoạch chung, đồng bộ từ nhiều sở, ngành chứ không nên khoán trắng cho ngành TT-TT. Song song đó, các ngành chủ động ngồi lại với các doanh nghiệp cùng nhau xác định nhu cầu để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí không cần thiết. Tổ chức nhiều hơn những cuộc hội thảo bàn về những giải pháp như thế này thì chắc chắn sẽ có rất nhiều kinh nghiệm hay từ các nhà chuyên môn ở các tỉnh trong việc nâng cao chỉ số PCI.

TS NGUYỄN KIM HÒA, GIÁM ĐỐC SỞ TT-TT KHÁNH HÒA: Cần có sự đầu tư đồng bộ

Trong bối cảnh đề án “Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005” của tỉnh chưa mang lại hiệu quả; trên thị trường có nhiều sản phẩm thương mại phần mềm quản lý hồ sơ văn bản, một cửa điện tử… của nhiều công ty có thương hiệu lớn; Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; sự thận trọng, cân nhắc của các cấp có thẩm quyền trong việc đầu tư ứng dụng CNTT, Khánh Hòa đã lựa chọn nhiều giải pháp. Đó là khảo sát, đánh giá việc triển khai thí điểm một cửa điện tử ở các thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh; chú ý đến tiêu chí toàn bộ hệ thống vận hành trên môi trường internet, người dân có thể tương tác với cơ quan chức năng 24/24 ở các cấp; định hướng nguồn kinh phí phù hợp với cân đối ngân sách tỉnh trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Đến nay, ở Khánh Hòa, 100% sở, ngành thuộc tỉnh, UBND cấp huyện, xã có trang thông tin điện tử phục vụ cung cấp, trao đổi thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đã có hơn 1.000 hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết thành công qua môi trường mạng ở mức độ 3.

Theo kinh nghiệm của Khánh Hòa là cần sự đồng bộ giữa đầu tư hạ tầng, ứng dụng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực và cơ chế chính sách. Ban hành các quy định, quy chế của UBND tỉnh về ứng dụng CNTT phải đồng bộ với việc tổ chức triển khai ứng dụng CNTT để làm cơ sở pháp lý cho việc chỉ đạo thống nhất việc tổ chức triển khai và áp dụng trên toàn tỉnh. Có lộ trình, kế hoạch triển khai ứng dụng cụ thể rõ ràng, thống nhất đến UBND cấp huyện, xã; sự kết hợp chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008; sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo cải cách hành chính; đưa chỉ tiêu ứng dụng CNTT vào đánh giá xếp loại cải cách hành chính của tỉnh; thiết lập đường dây nóng hỗ trợ việc triển khai ứng dụng CNTT… Qua đó chỉ số PCI sẽ được nâng lên.

PGS-TS NGUYỄN ANH THI, GIÁM ĐỐC KHU CÔNG NGHỆ CAO PHẦN MỀM ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HỒ CHÍ MINH: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Điều cần thiết của Phú Yên hiện nay là phải thay đổi cách nhìn trong việc áp dụng khoa học, CNTT và tận dụng lợi thế kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp lớn, các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức tài trợ vốn, các tổ chức hỗ trợ, các trường đại học.

Theo đó, tôi đề xuất với Phú Yên là nên chú trọng đến việc ươm tạo doanh nghiệp hay còn gọi là hỗ trợ khởi nghiệp và phải xác định doanh nghiệp khởi nghiệp cần gì. Để làm được điều này, Phú Yên phải mạnh dạn chuyển Trung tâm CNTT-TT sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và giao một tòa nhà (khu làm việc) có diện tích khoảng 500m2 để dùng cho việc hỗ trợ các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời thành lập bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp tìm kiếm các đơn hàng, đào tạo, huấn luyện về quản trị, tiếp cận nguồn vốn; thành lập quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT. Đặc biệt là phát triển khu CNTT tập trung. Khu CNTT tập trung sẽ tạo một môi trường thuận lợi góp phần thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn đa quốc gia vào hoạt động trong khu CNTT tập trung. Khi các doanh nghiệp đầu tư vào khu CNTT tập trung sẽ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT có khả năng cạnh tranh, thay thế các sản phẩm nhập khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tăng xuất khẩu, nâng cao vị thế, thương hiệu CNTT Phú Yên. Cuối cùng để thành công và thu hút nhiều doanh nghiệp, nâng cao chỉ số PCI, Phú Yên cần xây dựng TP Tuy Hòa phải là một nơi đáng để sống, làm việc, học tập và vui chơi…

PHONG NHÃ

Báo Phú Yên