The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Những chuyển biến tích cực từ cơ sở

Cán bộ viết thư xin lỗi dân, lãnh đạo tỉnh dành thời gian cuối tuần cùng ngồi café trao đổi với doanh nhân, hay câu nói: “Phải giải quyết, không giải thích” trở thành phương châm hành động của công chức, đó là một trong những biểu hiện của tinh thần kiến tạo, liêm chính, phục vụ từ Chính phủ đã lan tỏa tới nhiều địa phương trong cả nước...

Nhiều địa phương nỗ lực cải cách hành chính theo tinh thần kiến tạo, phục vụ.

Khi cán bộ viết thư xin lỗi dân

Ở tỉnh Phú Yên, người dân hay doanh nghiệp nhận được thư xin lỗi của cán bộ, người đứng đầu sở ngành không còn là chuyện lạ. UBND tỉnh đã quy định về trách nhiệm, cách thức công khai xin lỗi dân của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh nếu gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Quy định nêu rõ 11 hành vi vi phạm của công chức bộ phận tiếp nhận, trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông, chín hành vi vi phạm của bộ phận chuyên môn các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, công chức cấp xã; bốn hành vi vi phạm đối với người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận thông tin phản ánh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chỉ đạo kiểm tra, xác minh và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh đó. Nếu thông tin phản ánh không chính xác hoặc không thể xác minh cũng phải có văn bản thông báo lại cho tổ chức, công dân được biết. Trong lời xin lỗi công khai phải nêu rõ hành vi vi phạm, giải thích nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục. Nếu bị vi phạm phải xin lỗi đến lần thứ tư, cán bộ công chức phải bị xem xét kỷ luật, chuyển đổi vị trí công tác khác và phải công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài thư xin lỗi, tỉnh còn có thư chúc mừng người dân và doanh nghiệp vào những dịp lễ tết hay có niềm vui lớn.

Đó là một trong những giải pháp quyết liệt trong cải cách hành chính theo tinh thần kiến tạo, liêm chính của tỉnh nghèo vùng Nam Trung Bộ này. Ông Hoàng Văn Trà - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay nhiệm kỳ này tỉnh quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, trước hết là cải cách hành chính và tinh thần thái độ công chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thăm Phú Yên đã rất khen câu khẩu hiệu: “Cán bộ công chức phải thân thiện, nghĩa tình, tận tuỵ, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật”. Câu này được treo ở toàn bộ cơ quan, công sở, từ xã, phường đến trụ sở tỉnh ủy.

Sau đại hội Đảng bộ tỉnh, Phú Yên ban hành sáu chương trình hành động, thực hiện trực tiếp nghị quyết, trong đó có một chương trình hành động chuyên về cải cách hành chính. Chương trình hành động không chung chung mà đi vào cụ thể như rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính bao nhiêu giờ?

Câu lạc bộ café doanh nhân sinh hoạt hàng tuần và đều đặn có Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch tỉnh đến chia sẻ với các doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa cơ quan công quyền và doanh nghiệp trở nên gần gũi và nhiều doanh nhân đã mạnh dạn hiến kế. Khi doanh nghiệp hiểu và tin chính quyền, họ đã mạnh dạn đầu tư, dùng nguồn lực của mình nâng cấp cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị. Môi trường kinh doanh được cải thiện, Phú Yên đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn.

“Phải giải quyết, không giải thích”

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ông Nguyễn Văn Trì nêu quan điểm tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư trong nước mới đây: “Doanh nghiệp tài ba, quốc gia thịnh vượng - doanh nghiệp giàu tỉnh giàu, doanh nghiệp khó tỉnh khó”. Với tinh thần đó, mọi khúc mắc, khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp được đặt vào trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh với phương châm giải quyết tận gốc rễ. Ông Trì cũng thẳng thắn chỉ rõ đâu đó vẫn xảy ra sách nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh, tìm mọi cách gây khó khăn khi các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính; thanh tra, kiểm tra còn quá nhiều và chồng chéo. Thậm chí, có cuộc không mang tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp mà chủ yếu “bới lông tìm vết” để yêu cầu doanh nghiệp phải “bôi trơn” mới đạt được kết quả. Việc giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp ở một số cơ quan, một số vụ việc cụ thể còn chưa làm hài lòng doanh nghiệp, mang tính chiếu lệ, đối phó, chưa thực sự cầu thị. Những hành động trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh, cần phải loại bỏ, không để tồn tại trong hệ thống của địa phương.

Từ tháng 10-2016, vào 16 giờ thứ sáu hàng tuần, đích thân lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan liên quan của tỉnh tổ chức Cafe doanh nghiệp ngay trong khuôn viên UBND tỉnh. Mọi trao đổi, chia sẻ được khuyến khích thẳng thắn, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Tinh thần kiến tạo đã tạo một cú hích lớn đối với tỉnh Vĩnh Phúc khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ tư trên bảng xếp hạng, tổng thu ngân sách có thể đạt mức trên dưới 25 nghìn tỷ đồng năm 2016 này.

Khác với Vĩnh Phúc, tỉnh miền núi Lạng Sơn từng có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng gần đội sổ, môi trường kinh doanh thiếu hấp dẫn nên khả năng thu hút đầu tư rất thấp. Trước thực tế đó, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã có những đổi mới mạnh mẽ. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp tổ chức thực hiện ba nội dung trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiện đại hóa nền hành chính. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh tăng dần qua các năm. UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố, các đơn vị trong toàn tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm cán bộ, công chức các cơ quan hành chính nhà nước.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Lạng Sơn đang chuyển biến theo tinh thần: chuyển từ điều hành sang phục vụ. Có những thủ tục hành chính về đất đai Lạng Sơn đã giảm đến 80%, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại tố cáo, không có các điểm nóng. Kết quả tích cực nhưng chỉ mới bước đầu, cần phải kiên trì và có những việc làm cụ thể. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt thực hiện ba đồng hành, năm hỗ trợ cùng doanh nghiệp theo yêu cầu của Thủ tướng. Từ những đổi mới đó, môi trường kinh doanh của tỉnh đã khởi sắc, các doanh nghiệp được thành lập nhiều hơn, các nhà đầu tư chiến lược tìm đến Lạng Sơn đông hơn”.

Quận Thanh Xuân - Hà Nội thực hiện tinh thần kiến tạo, phục vụ thông qua việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử. Ông Nguyễn Xuân Lưu - Chủ tịch UBND quận cho biết, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản được xây dựng, mạng diện rộng (mạng WAN) kết nối đến các phường, trung tâm tích hợp dữ liệu của quận để bảo đảm mô hình tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận hành, quản trị, chia sẻ dữ liệu và việc kết nối với Trung tâm dữ liệu của thành phố. Trung tâm này giúp người dân và doanh nghiệp có thể truy cập vào để tìm hiểu những chủ trương, chính sách và các văn bản của quận. Dịch vụ công trực tuyến được triển khai đang từng bước thay đổi phong cách làm việc, thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức quận.

Ở quận Thanh Xuân, một số khu dân cư điện tử cung cấp dịch vụ công đến tận nơi ở của người dân. 8 giờ sáng, không còn cảnh phải chen chúc, xếp hàng nhiều giờ tại trụ sở UBND phường Hạ Đình để làm các thủ tục hành chính, thay vào đó, người dân chỉ cần đến nhà sinh hoạt cộng đồng để làm thủ tục. Điều đó giúp dân bớt được thời gian đi lại và thuận tiện khi làm các giấy tờ vào bất cứ thời gian nào.

KỲ THANH