The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Phú Yên: Tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng bộ máy chính quyền, trong đó chú trọng đến việc tinh gọn bộ máy, đổi mới chất lượng HĐND các cấp và đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính (CCHC). Theo đó, các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hơn nữa hoạt động bộ máy chính quyền, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh ta đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên nhờ việc cải tiến chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính, việc cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC)... Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, cần tập trung khắc phục để vươn lên giành nhiều thắng lợi trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Những kết quả đạt được
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, thời gian qua, việc tổ chức bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Tỉnh đã tập trung thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế. Cụ thể, đã lập phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021; tiến hành sáp nhập 44/625 thôn, buôn, khu phố (giảm 22 thôn, buôn, khu phố) và sáp nhập 4 xã (giảm 2 xã).
HĐND các cấp phát huy tốt vai trò đại diện nhân dân trong việc quyết định các chủ trương, nhiệm vụ lớn ở địa phương; thực hiện tốt công tác giám sát, nhất là giám sát theo chuyên đề và giám sát việc giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc, tác động lớn đến đời sống nhân dân. Tổ chức các kỳ họp, hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND có nhiều đổi mới, chất lượng, tăng cường hoạt động chất vấn, đối thoại; triển khai ứng dụng phòng họp không giấy tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Gần đây nhất là lãnh đạo tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH trên địa bàn và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đảm bảo an toàn, chặt chẽ, đúng quy định.
Tại các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và kịp thời nắm bắt, phản ánh nguyện vọng của cử tri Phú Yên đến với Đảng, Nhà nước.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết: “Một trong những nội dung được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt để bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, đó là CCHC, nhất là cải cách TTHC. Theo đó, tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; triển khai chủ đề Năm doanh nghiệp, Năm kỷ cương hành chính; xây dựng bộ chỉ số và tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và UBND cấp huyện; thực hiện xin lỗi tổ chức, công dân khi giải quyết TTHC sai sót, trễ hạn; gửi thư chúc mừng, chia buồn đến người dân... Rà soát, bãi bỏ, rút ngắn từ 35-50% thời gian giải quyết TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được nâng lên; phương châm “Thân thiện, nghĩa tình; tận tụy, trách nhiệm; kỷ cương, kỷ luật” bước đầu phát huy hiệu quả”.
Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Phú Yên Nguyễn Vũ Tố Quyên chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của tỉnh, ban quản lý luôn chú trọng rà soát, kịp thời công bố, cập nhật các thủ tục sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đúng theo quy định để không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến giải quyết TTHC”.
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng theo Tỉnh ủy, về cơ bản Phú Yên vẫn còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng lực cạnh tranh, nguồn lực đầu tư còn hạn chế; khả năng sẵn sàng thích ứng với các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn thấp; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn ít; một số hạn chế, yếu kém vốn có trên các lĩnh vực chưa được giải quyết dứt điểm và ngày càng diễn biến phức tạp hơn…
Theo đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, để vượt qua khó khăn, tỉnh đặt ra mục tiêu “triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, nằm trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; thường xuyên phối hợp, đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, triển khai các dự án, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định”.
Đồng thời, kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai; thực hiện tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các công trình, dự án. Chủ động chuẩn bị các điều kiện, tích cực mời gọi, sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển vào Việt Nam. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì dân, phục vụ nhân dân.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và UBND các cấp, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi thẩm quyền. Nâng cao chất lượng giám sát của HĐND các cấp, nhất là trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý tài nguyên, thu, chi ngân sách nhà nước, các vấn đề xã hội bức xúc, dư luận quan tâm.
“Tiếp tục đẩy mạnh CCHC; xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động quản lý nhà nước. Có giải pháp quyết liệt, đồng bộ nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh; tăng cường tính chuyên nghiệp, kỷ cương, kỷ luật hành chính, gắn với khuyến khích đổi mới, sáng tạo.
Hình thành văn hóa số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số. Nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Có như vậy, bộ máy hành chính mới ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương nhấn mạnh.