Quảng Bình: Quyết tâm cải thiện thứ hạng các chỉ số cạnh tranh
30 Tháng 6, 2021
“Cần tranh thủ các chương trình, dự án, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, quyết tâm cải thiện thứ hạng các chỉ số cạnh tranh trong thời gian tới” - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Đó là nội dung chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng tại hội nghị nghe và cho ý kiến về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), tổ chức vào chiều nay (28/6).
Về chỉ số PCI, kết quả từ năm 2007 đến nay cho thấy, trước năm 2014, thứ hạng PCI của tỉnh Quảng Bình diễn biến theo hướng tích cực, liên tục cải thiện và thăng hạng hàng năm; trong đó cao nhất là năm 2013 với thứ hạng 29/63. Từ năm 2014 đến nay, thứ hạng PCI của tỉnh giảm. Năm 2019 và năm 2020, Quảng Bình duy trì thứ hạng 52/63.
Theo báo cáo, Quảng Bình được đánh giá chỉ số PAR INDEX từ năm 2012 đến nay và liên tục biến động về thứ hạng. Năm 2020 đạt 82,33/100 điểm, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố, giảm 14 bậc so với năm 2019. Trong đó có các tiêu chí, tiêu chí thành phần do các sở, ngành chủ trì thực hiện không có điểm hoặc chưa đạt điểm tối đa.
Về chỉ số SIPAS, được đánh giá từ năm 2017, trong đó năm 2018 Quảng Bình đạt thứ hạng cao nhất là 24/63 tỉnh, thành phố. Năm 2020, Quảng Bình xếp hạng 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 19 bậc so với năm 2019. Chỉ số SIPAS có 5 lĩnh vực và 24 tiêu chí, trong đó năm 2020, cả 5 lĩnh vực đều giảm, giảm sâu nhất là lĩnh vực tiếp nhận, xử lý kiến nghị.
Chỉ số PAPI, năm 2020 Quảng Bình đạt 44,7/80 điểm, giảm 1,15 điểm so với năm 2019, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố, tụt 1 bậc so với năm 2019. Trong đó có 3 tiêu chí đạt cao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân và 2 tiêu chí đạt thấp là: thủ tục hành chính công; quản trị điện tử.
Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cho biết: "Chúng ta phải thấy được tầm quan trọng của các chỉ số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả các chỉ số cũng đồng thời cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong việc đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trước sự biến động của các chỉ số trong những năm qua, đặc biệt sự sụt giảm thứ hạng của năm 2020, các sở, ban, ngành tập trung rà soát, phân tích rõ nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đề xuất các giải pháp để nâng cao thứ hạng các chỉ số trong thời gian tới".
Trên cơ sở các chỉ số và sự liên quan trực tiếp đến các sở, ban, ngành, Bí thư Vũ Đại Thắng yêu cầu các sở, ban, ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, xây dựng cơ chế ràng buộc trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ nói chung, các nội dung liên quan đến các chỉ số nói riêng để có sự đánh giá năng lực và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của cán bộ.
"Việc thực hiện hiệu quả các chỉ số nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và các nội dung cam kết của lãnh đạo tỉnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021. Do đó, UBND tỉnh và các sở, ngành cần tập trung cao độ, bám sát các chỉ số thành phần để xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể hàng năm; huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; nâng cao tinh thần, thái độ của cán bộ, lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao thứ hạng các chỉ số trong thời gian tới. Đối với các tiêu chí như thủ tục hành chính công, quản trị điện tử, chính quyền điện tử… cần tranh thủ các chương trình, dự án, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, quyết tâm cải thiện thứ hạng các chỉ số trong thời gian tới" - Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh.
Theo Báo Dân sinh