The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Bình: Tạo thuận lợi tối đa cho DN phát triển

Xác định sự thành công của doanh nghiệp là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hữu Hoài cho biết, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, trong thời gian qua, Quảng Bình đã triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC và đẩy mạnh CCHC theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 19/4/2012 của UBND tỉnh về Kế hoạch CCHC tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 1319/QĐ-UBND ngày 6/5/2016 về Kế hoạch CCHC tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 – 2020 để triển khai các nhiệm vụ về CCHC.

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc triển khai những giải pháp này?

Cụ thể, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Quy định trình tự thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo hướng rà soát, cắt giảm tối thiểu 20% thời gian giải quyết ở từng thủ tục hành chính, đồng thời giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 2,5 ngày; rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày, giảm thời gian thẩm định thiết kế, dự toán từ 30 ngày xuống còn 20 ngày đối với công trình cấp II, cấp III, giảm 20 ngày xuống còn 15 ngày đối với các công trình còn lại.

Đến nay, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông tại 157/159 xã, phường và 15/21 sở, ngành. Việc tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông có nhiều chuyển biến tích cực, số hồ sơ tồn đọng, hồ sơ quá hạn giảm. Hiện tượng tiêu cực gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính dần được khắc phục, giảm thiểu chi phí, thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp.

Hàng quý, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp nhằm phổ biến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua diễn đàn này, UBND tỉnh nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giải quyết ngay tại chỗ trong hội nghị hoặc giao cụ thể cho các đơn vị liên quan trực tiếp giải quyết.

- Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã phản ánh được nỗ lực của Quảng Bình trong những năm qua, thưa ông?

Năm 2015, điểm tổng hợp Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Bình là 56.71, tăng 0.21 điểm so với chỉ số PCI năm 2014 (năm 2014 đạt 56.60 điểm). Đến năm 2016, chỉ số này đã đạt 57,55, nằm trong nhóm khá của cả nước. Đây là sự nỗ lực lớn của tỉnh trong việc CCHC, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng tỉnh phải tập trung hơn nữa, quyết liệt nhiều hơn nữa và đặc biệt là huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng để tiến tới hoàn thiện chỉ số PCI, phấn đấu nâng hạng chỉ số này thuộc nhóm cao trong cả nước.

- Để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, những giải pháp gì sẽ tiếp tục được tỉnh Quảng Bình triển khai trong thời gian tới, thưa ông?

Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC và đẩy mạnh CCHC tại tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trước hết là trong năm nay, tỉnh sẽ thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, tập trung đầy đủ đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Người dân hoặc doanh ngiệp chỉ cần đến trung tâm này nộp hồ sơ theo quy định và được trả hồ sơ đúng hạn, không cần phải qua nhiều cơ quan, đơn vị. Phấn đấu xây dựng phần mềm một cửa điện tử dùng chung liên thông, hiện đại tới 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng. Đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh sẽ được thành lập và công khai để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.

p/Biển Nhật Lệ.

Biển Nhật Lệ.

Tỉnh cũng sẽ tập trung tăng cường hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Xem xét tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi nhằm khôi phục quá trình sản xuất, nhất là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do sự cố môi trường mà Formosa gây ra, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ngành đánh bắt, chế biến thủy hải sản và du lịch.

Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tỉnh định hướng xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ pháp lý, đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ về tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong sản xuất, quản trị kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn và luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!