Quảng Bình: Tích cực hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp
Trong những năm qua, doanh nghiệp có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên vai trò của doanh nghiệp chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, hiện nay, với sự thay đổi mạnh mẽ, nhận thức rõ doanh nghiệp là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế nên từ Trung ương đến tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
UBND tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức gặp mặt doanh nghiệp để trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên từng lĩnh vực
4 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có thêm 259 doanh nghiệp được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 4.562 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 23.000 tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp tư nhân đã và đang giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các doanh nghiệp đã chủ động khắc phục khó khăn, tái cơ cấu sản xuất, tổ chức lại bộ máy nhằm duy trì và mở rộng sản xuất nên nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã hoàn thành vượt mức kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước năm 2015 như: Công ty Hưng Phát vượt 93 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Quảng Bình vượt 72 tỷ đồng...
Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp những hạn chế như số lượng doanh nghiệp ít so với quy mô dân số; quy mô doanh nghiệp còn nhỏ; năng lực kết nối thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp còn yếu; năng lực quản lý kinh doanh thấp; việc tuân thủ và chấp hành pháp luật chưa cao. Theo dõi biểu đồ diễn biến Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh từ năm 2006 đến nay cho thấy biểu đồ diễn biến theo dạng hình sin: Năm 2006 là 47.29 điểm, xếp thứ hạng 49; năm 2008 đạt 44.17 điểm, xếp thứ 57; năm 2013: 58.25 điểm, xếp thứ 29; năm 2014 đạt 56.60 điểm, xếp thứ 46 và năm 2015 là 56.71 điểm, xếp thứ 50. Qua phân tích, năm 2015, mặc dù điểm số tổng hợp cao hơn năm 2014 nhưng do điểm số của các tỉnh tăng nhanh hơn nên Quảng Bình bị tụt 04 bậc. Nguyên nhân là do mặc dù lãnh đạo tỉnh đã rất tích cực trong chỉ đạo, điều hành, tuy nhiên một số cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự am hiểu đúng về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nên dẫn đến hạn chế như tinh thần, thái độ và trách nhiệm đối với công việc phục vụ doanh nghiệp, thực hiện dịch vụ hành chính công của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, nhất là công tác tham mưu, tính linh hoạt trong đề xuất giải pháp thực hiện; cải cách hành chính còn nhiều bất cập, chồng chéo...
Để cải thiện Chỉ số CPI, vừa qua, Hội Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành Chương trình hành động về triển khai giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chương trình thể hiện sự quyết tâm cải thiện nâng cao thứ hạng Chỉ số CPI, trong đó tiếp tục phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, thứ hạng, đồng thời nỗ lực cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp, giảm điểm. Trong 10 chỉ số thành phần, Hội Doanh nghiệp phấn đấu đưa 02 chỉ số chi phí gia nhập thị trường và tính minh bạch vào nhóm rất tốt, 03 chỉ số chi phí không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý vào nhóm tốt, 05 chỉ số tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và đào tạo lao động vào nhóm khá.
Tại buổi gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp ngày 07/5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài cho biết Quảng Bình là địa phương đang có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Quảng Bình có nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt là điều kiện cơ bản để các doanh nghiệp đầu tư. Với tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cam kết sẽ tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp về thủ tục thuê đất, đăng ký giấy phép, đánh giá tác động môi trường; đồng thời tổ chức gặp mặt doanh nghiệp trên từng lĩnh vực để tỉnh và doanh nghiệp trao đổi, tháo gỡ khó khăn. Cũng tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng cần đồng hành, kết nối để từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đặc biệt, ngày 03/8/2016, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được UBND tỉnh đưa ra nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định và phát triển. Theo đó, để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, Chương trình tập trung vào các nội dung đảm bảo để phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, trong đó phát triển công nghiệp trở thành ngành trọng điểm mang tính động lực thúc đẩy sự nền kinh tế; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực hiện những nội dung trên, Chương trình yêu cầu cần đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phát huy vai trò tích cực của chính quyền điện tử gắn với dịch vụ hành chính công, lấy hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo; doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh là tạo động lực cho kinh tế phát triển; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện, bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, quy mô, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả là tăng cường cải cách hành chính, cải cách công vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; hỗ trợ và xúc tiến mở rộng thị trường, tiếp cận tài chính, tín dụng, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với quyết tâm chỉ đạo và đồng hành cùng doanh nghiệp, Quảng Bình phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 7.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có một số doanh nghiệp lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 49 - 50% GRDP, 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 25 - 30% GRDP. Năng suất lao động xã hội tăng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 20 - 25% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Hồng Mến