The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Bình: Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Năm 2019, với nhiều cố gắng, nỗ lực trong xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đã góp phần cải thiện đáng kể điểm tổng hợp Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh.
Theo kết quả đánh giá Chỉ số PCI năm 2019, Chỉ số PCI của Quảng Bình đạt 63,71 điểm, tăng 2,65 điểm so với năm 2018, đây là điểm số cao nhất từ trước đến nay của tỉnh, tăng 02 bậc và xếp thứ 52/63 trong bảng xếp hạng PCI 2019 toàn quốc. Đặc biệt, 07 chỉ số thành phần xếp hạng thấp trong năm 2018 có sự cải thiện đáng kể: Chi phí không chính thức (tăng 1,66 điểm); Chỉ số tiếp cận đất đai (tăng 0,39 điểm), Chi phí thời gian (tăng 0,57 điểm); Hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,3 điểm); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 0,77 điểm); Cạnh tranh bình đẳng (tăng 01 điểm); Chi phí gia nhập thị trường (tăng 0,3 điểm).
Tuy nhiên, một vài chỉ tiêu năm 2018 xếp thứ hạng cao nhưng năm 2019 lại sụt giảm. Theo kết quả điều tra cho thấy, các sở, ban, ngành, địa phương vẫn cần phải tiếp tục tăng cường mức độ minh bạch trong cung cấp dịch vụ công; 59% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, xếp thứ 45/63 tỉnh thành (giảm 37 bậc); 47% doanh nghiệp cho rằng việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi và nhanh chóng, giảm 17 bậc so với năm 2018… Những con số điều tra này sẽ giúp cho chính quyền, địa phương cần có những nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng nhằm tạo sân chơi cho doanh nghiệp kinh doanh.
Để phấn đấu trở lại nhóm khá của cả nước về Chỉ số PCI, năm 2020, các sở, ban, ngành tập trung cải thiện các chỉ số thành phần, trong đó có 01 chỉ số ở thứ hạng tốt, 08 chỉ số ở thứ hạng khá, 01 chỉ số ở thứ hạng trung bình và đẩy mạnh cải thiện 04 chỉ số giảm hạng. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tập trung khuyến khích triển khai quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh giúp công tác đăng ký doanh nghiệp ngày càng nhanh chóng, thuận lợi, giảm bớt số lần đi lại của doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính; giảm thời gian đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản xuống còn 20 ngày; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận đất đai; có biện pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai do khách quan nhằm cải thiện 3/11 chỉ tiêu thành phần xếp hạng xấu và trung bình… Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế; hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan Thuế, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật cán bộ, công chức Thuế trong thực hiện công vụ có liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát nhằm rút ngắn thủ tục hành chính giảm thời gian đi lại cho người dân; chỉ đạo các đơn vị niêm yết công khai các thủ tục hành chính và các loại phí, lệ phí theo quy định; rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ công chức thực hiện dịch vụ hành chính công để có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Hành chính công tỉnh tăng cường tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết cho cán bộ thực thi nhiệm vụ tiếp nhận, hướng dẫn trả kết quả hồ sơ nhằm góp phần khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Thanh tra tỉnh tập trung giảm các khoản chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với cán bộ thanh tra, kiểm tra; thực hiện hiệu quả chế độ giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi, bộ phận nhũng nhiễu, gây phiền hà và đòi hỏi các chi phí không chính thức của nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự minh bạch và hiệu quả. Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực thi sáng kiến hay, chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh đối với các đơn vị và có chế tài cụ thể đối với đơn vị không triển khai; tăng cường chỉ đạo việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, việc thực hiện quyết định, văn bản của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với các sở, ngành, cấp huyện; đề xuất xử lý nghiêm theo quy định về trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị nếu chậm trễ, gây ách tắc công việc.
Mặt khác, Sở Công Thương tăng cường tổ chức và phát huy hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thông qua hoạt động hội chợ, triển lãm, kết nối cung - cầu, định kỳ đánh giá hiệu quả, mức độ đạt được của các hoạt động xúc tiến thương mại; kiểm soát hiệu quả tình trạng độc quyền trong kinh doanh; tham mưu xây dựng các quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp, thương mại phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình, trong đó thực hiện tốt tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Quảng Bình, đảm bảo đơn giản, thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đảm bảo công tác quản lý người nước ngoài được thực hiện hiệu quả. Công an tỉnh tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các lực lượng chức năng chỉ thực hiện việc kiểm tra các doanh nghiệp trong trường hợp thực sự cần thiết nhằm cải thiện Chỉ số Tình hình an ninh trật tự tại tỉnh; giảm tỷ lệ doanh nghiệp bị mất trộm tải sản; phải trả tiền bảo kê cho băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn.
Ngoài ra, Tòa án Nhân dân tỉnh nâng cao tính minh bạch, khách quan, công tâm trong hoạt động xét xử các vụ kiện của doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp; có kế hoạch hỗ trợ cụ thể doanh nghiệp trong nắm bắt các quy định liên quan đến tranh chấp, kiện tụng, đặc biệt là kiến thức quốc tế trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp…