The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Nam: Bí quyết tạo đột phá về chỉ số PCI?

Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 đã chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ của tỉnh Quảng Nam khi địa phương này vượt 13 bậc so với năm 2013, xếp thứ 14/63 tỉnh thành trong cả nước.

Vậy Quảng Nam đã có "bí quyết" gì trong việc cải thiện môi trường đầu tư? Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xung quanh vấn đề này.

Từ "quản lý" sang "phục vụ" DN

- Theo ông, nguyên nhân nào đã tạo nên bước đột phá về chỉ số PCI của Quảng Nam trong năm 2014?

Có thể khẳng định, những thành tựu mà Quảng Nam đã đạt được trong việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và cải thiện PCI nói riêng trước hết là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành, TW đã tạo điều kiện cho tỉnh từng bước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, cũng như tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, xã hội để quảng bá hình ảnh Quảng Nam đến với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó là định hướng đúng đắn, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự điều hành hiệu quả của UBND tỉnh, sự đồng thuận của hệ thống chính trị trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong thời gian qua, Tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác cải thiện môi trường đầu tư như: Chỉ thị 10/CT-UBND về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; ban hành và triển khai QĐ 3766/QĐ-UBND về thực hiện Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế "Một cửa liên thông" trong việc giải quyết thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; đặc biệt đã ban hành Kế hoạch 2479/QĐ-UBND về hành động cải thiện MTĐT kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ. Chúng tôi đã tập trung hỗ trợ DN trong vấn đề gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, công tác cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, thời gian và số lượng thủ tục hành chính luôn được lãnh đạo Quảng Nam chỉ đạo nghiên cứu cắt giảm, nâng cao chất lượng dịch vụ công theo hướng hợp lý, thuận lợi cho DN, nhất là trong lĩnh vực cấp phép kinh doanh và đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và đào tạo nghề... Nhờ đó, thời gian giải quyết một số thủ tục đã được rút ngắn, nhất là thủ tục đăng ký kinh doanh (tối đa chỉ 2 ngày làm việc).

Chúng tôi cũng tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và chuyển biến rõ rệt từ thái độ "quản lý DN" sang "phục vụ DN". Nhờ đó, sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết thủ tục đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến; qua thực hiện Quy chế "Một cửa liên thông" trách nhiệm của cán bộ công chức được nâng lên. Các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện MTĐT, SX KD như quy định trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục đầu tư (huyện Núi Thành), thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư (huyện Duy Xuyên); giao 01 cơ quan đầu mối giải quyết thủ tục (huyện Đại Lộc).

Ngoài ra, một yếu tố đã khiến chúng tôi có được lòng tin của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong thời gian qua đó chính là Quảng Nam luôn cầu thị và lắng nghe ý kiến từ các tổ chức, Hiệp hội, DN... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp DN hoạt động ngày càng hiệu quả, đóng góp nhiều của cải vật chất cho tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển đi lên.

Tiếp tục ổn định và vươn lên

- Đôi khi thứ hạng không hẳn đã quan trọng bằng các chính sách hỗ trợ thực sự cho DN. Cụ thể ở Quảng Nam các DN đã được chính quyền hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi không coi chỉ số xếp hạng PCI là thắng hay thua, mà đây là sự đánh giá khách quan về sự năng động trong điều hành của chính quyền địa phương, điều quan trọng nhất mà chúng tôi làm được là đã luôn đồng hành cùng cộng đồng DN.

Từ nhận thức đó, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư và DN hoạt động, công tác hỗ trợ DN luôn được tỉnh quan tâm, nhiều hoạt động được triển khai và mang lại hiệu quả như: Thực hiện cơ chế "Một cửa liên thông" của tỉnh trong việc giải quyết thủ tục đầu tư, kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước thông qua đầu mối duy nhất tại Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN. Cùng với đó, kể từ tháng 9/2014 trở đi, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức tiếp DN định kỳ hàng tháng, bước đầu đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ phía DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh ở địa phương. Đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức được 7 buổi tiếp DN định kỳ và đã giải quyết cụ thể từng phản ánh, kiến nghị của 35 DN tham dự.

Đặc biệt, mới đây, đầu tháng 5/2015, việc đưa vào vận hành Cổng thông tin Hỗ trợ DN tỉnh Quảng Nam tại địa chỉ http://htdn.ipaquangnam.gov.vn đã tạo bước chuyển lớn trong công tác hỗ trợ DN, qua đó giải đáp nhanh chóng những thắc mắc của DN liên quan đến quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách..., đồng thời cũng giúp DN tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại khi cần tham khảo, nghiên cứu thông tin liên quan đến tỉnh. Thông qua Cổng này, mọi DN, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh, lớn hay nhỏ đều có thể tham gia thành viên để đặt câu hỏi và tối đa từ 5 đến 7 ngày tùy tính chất câu hỏi, các cơ quan phải trả lời cho DN. Theo báo cáo của Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN là cơ quan thường trực Ban điều hành Cổng thì đến nay tất cả các câu hỏi trên Cổng các cơ quan đều trả lời rất nhanh chóng và đúng hạn quy định thậm chí trong vòng 2 ngày đã trả lời câu hỏi của DN.

Nhờ đó, mặc dù suy giảm kinh tế chung, Quảng Nam vẫn liên tục đón nhận nhiều nhà đầu tư lớn như Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An của liên doanh Tập đoàn Châu Tài Phúc, Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Sun City, có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 500 triệu USD; Nhà máy may, dệt, nhuộm Tam Thăng của Cty PanKo Tam Thăng, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 30 triệu USD; Nhà máy sản xuất hàng may mặc ONEWOO của Cty One Woo – Hàn Quốc, tổng vốn đầu tư 6 triệu USD; Khu liên hợp Sợi – Dệt – Nhuộm – May của Tập đoàn Dệt may VN, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; Nhà máy sợi Bình Phục của Tổng Cty Dệt May Hòa Thọ, tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng; Nhà máy may thêu xuất khẩu Sơn Hà của Cty TNHH May Nam Vương, tổng vốn đầu tư 95 tỷ đồng;...

Lãnh đạo tỉnh không ngồi chờ nhà đầu tư đến

- Với sự vươn lên một cách "đáng nể" trong bảng xếp hạng PCI 2014, những năm tới, Quảng Nam sẽ làm gì để cải thiện các chỉ số còn hạn chế và đạt thứ hạng cao hơn nữa trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc, thưa ông ?

Đúng là mặc dù đã vươn lên đáng kể trong bảng xếp hạng PCI nhưng một số chỉ số như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, chi phí thời gian và cạnh tranh bình đẳng... của Quảng Nam vẫn còn thấp.

Nhận thức được điều này, trong thời gian tới, để tiếp tục ổn định và vươn lên trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh bằng việc thay đổi tư duy, thói quen và thái độ làm việc của cán bộ công chức, viên chức theo hướng phục vụ người dân, DN gắn liền với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính công, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước để rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục, vướng mắc, kiến nghị của DN, nhà đầu tư. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến trên Cổng thông tin Hỗ trợ DN tỉnh Quảng Nam; đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng, sử dụng đất… và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần minh bạch hóa đầu tư, giúp giải quyết nhanh, gọn các thủ tục cho nhà đầu tư và DN…;

Ở Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh không ngồi chờ các nhà đầu tư đến mà chúng tôi chủ động đi một số nước để tìm nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên.

Chúng tôi cũng mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo cho người lao động khu vực nông thôn, tăng cường hỗ trợ và tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN,… nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn, phát triển và khẳng định bản lĩnh ở cả thị trường trong nước và nước ngoài, từ đó có những đóng góp mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xin cảm ơn ông !

Các nhà đầu tư đã nhìn nhận và đánh giá cao

PCI là sự nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư về việc thực hiện và triển khai những cơ chế, chính sách cũng như năng lực và khả năng điều hành của bộ máy chính quyền nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển. Không chỉ dừng lại tại đó, PCI còn là tấm gương để các cấp ngành địa phương có thể nhìn nhận và đánh giá chính mình trong mọi hoạt động điều hành, qua đó có sự cải tiến, thay đổi sao cho bộ máy chính quyền vận hành ngày càng hoàn thiện và hiệu quả.

Trong năm 2014, Quảng Nam đã vượt 13 bậc so với năm 2013, xếp 14/63 tỉnh, thành và đứng thứ 4 trong Vùng Duyên hải Miền Trung, tạo ra bức phá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều này chứng tỏ, những cố gắng nỗ lực của chúng tôi trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương đã được cộng đồng DN, các nhà đầu tư nhìn nhận và đánh giá cao. Đây cũng là tín hiệu vô cùng tốt để đảm bảo cho sự phát triển của Quảng Nam trong những năm tiếp theo, tạo động lực, sự lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, việc hỗ trợ DN luôn là điều tỉnh chú trọng và quan tâm, luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh thành công tại tỉnh Quảng Nam.

Nguyễn Phước

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 10/06/2015