The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Nam: Cải thiện môi trường đầu tư: Cuộc chạy đua nước rút

Chính sách chưa công bằng và thiếu thuận lợi trong môi trường kinh doanh đã khiến công cuộc cải thiện môi trường đầu tư Quảng Nam phải tăng tốc cho những bước chạy nước rút để đạt hiệu quả tối đa.

Bề nổi của các sáng kiến và cải cách

Có thể dễ dàng nhận thấy sức hấp dẫn đầu tư Quảng Nam thể hiện từ việc tất cả thủ tục đầu tư được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông”, thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung, nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ hay được quyền chọn lựa và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp với khá nhiều ưu đãi về thuê đất, giải phóng mặt bằng, chi phí đào tạo lao động… Thực tế, chính quyền hiểu nhà đầu tư muốn nhìn thấy sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư và chính thái độ của địa phương sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của thương giới khi mọi cơ chế ưu đãi đã gần như ngang nhau giữa các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu từng yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thật yếu kém của nội tại Quảng Nam để đưa ra kế hoạch, dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Hàng loạt chỉ thị, kế hoạch đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI đã được ban hành. Đó là quy chế một cửa liên thông giải quyết thủ tục đầu tư, 15 buổi tiếp doanh nghiệp đã giải quyết, xử lý gần như “hoàn hảo” các kiến nghị của doanh nghiệp về vướng mắc đất đai, điện, hoàn thuế, giải phóng mặt bằng hay giãn thuế… Tất cả điều này đã tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp. Một cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã được vận hành tại địa chỉ http://htdn.ipaquangnam.gov.vn đã nhanh chóng giải đáp những thắc mắc, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Không dừng ở đó, một tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư cũng đã được thành lập, giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp hậu cấp phép đầu tư. Hàng năm, UBND tỉnh mở kênh đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm, thường xuyên cung cấp thông tin về nhu cầu cần mua, bán, cơ hội giao thương cho doanh nghiệp…

Ông Thiều Việt Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam nói việc đơn giản hóa, giảm thiểu chi phí thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, chế độ chính sách trên trang điện tử của từng ngành, địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần tích cực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư Quảng Nam. Chỉ số PCI năm 2015 ghi nhận về sự thăng hạng vượt bậc của Quảng Nam (xếp thứ 8/83 tỉnh, thành cả nước và thứ 2 vùng duyên hải miền Trung), trở thành gương mặt mới của top 10 Việt Nam được cho là kết quả, nỗ lực hiện thực hóa các nghị quyết, quy định, chỉ thị hay các “sáng kiến” cải thiện môi trường đầu tư.

Chưa đạt hiệu quả tối đa

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng chuyển tư duy quản lý sang phục vụ nói đơn giản nhưng thực thi rất khó, cần có thời gian và ý thức của công chức. Vì vậy cần mở một cuộc tổng rà soát các bộ thủ tục hành chính đã công bố để có thể tích hợp, rút ngắn cho phù hợp với quy định, nâng cao trách nhiệm quản lý, giám sát, xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm từng vị trí việc làm và thái độ phục vụ của công chức…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng việc đầu tư thuận lợi, hanh thông của các nhà đầu tư hiện tại là tấm gương phản chiếu rõ nhất về môi trường đầu tư của Quảng Nam và có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự quan tâm của các nhà đầu tư mới. Song, cải thiện môi trường đầu tư cần đi vào chất lượng, bảo đảm cả hệ thống vận hành thông suốt, khoa học và đưa ra tiêu chí cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư. Trong một vài cuộc gặp gỡ doanh nghiệp gần đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh, đầu tư đã thông thoáng hơn. Doanh nghiệp đã thực sự tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian giao dịch ở cơ quan công quyền, nhưng những cải cách, cải thiện đó vẫn chưa thực sự tạo ra đột phá. Cải cách về rút ngắn số ngày thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, thủ tục hải quan hay một cửa, một dấu… quan trọng nhưng không mang tính quyết định. Điều quan trọng hơn là niềm tin của doanh nghiệp vào sự công minh của luật pháp, niềm tin vào hệ thống và chính quyền tôn trọng những gì đã cam kết. Song, sự vận hành các cơ chế này vẫn đang nằm trong giai đoạn thử nghiệm, chưa có một đánh giá cụ thể về hiệu quả của những cải cách này.

Theo nhiều doanh nghiệp, điều đáng “lo ngại” nhất của Quảng Nam là chỉ số cạnh tranh bình đẳng liên tục mất điểm và những chỉ số mang tính chiều sâu như hỗ trợ doanh nghiệp, gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý vốn được điểm số cao các năm lại bị sụt điểm khá nhiều trong năm 2015. Sự thân thiện hay đối xử bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp… đang là khó khăn của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát đưa ra con số 44% doanh nghiệp cho biết chính quyền luôn ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, 80% doanh nghiệp “than phiền” hầu như các hợp đồng, các nguồn lực chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền và 59% cho rằng chính các ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho hay cuộc cách mạng và đổi mới cơ chế giao dịch hành chính đã, đang triển khai là đúng đắn. Song, khá nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư mới vô tình đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũ trên cùng một địa bàn, trong cùng một ngành nghề. Lao động ngành may mặc cung không đủ cầu, xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của ngành. Ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê nói sự gia tăng về số lượng tăng trưởng hiện tại của Quảng Nam là dấu hiệu khá tốt. Nhưng, điều lo ngại không phải từ năng lực nội sinh nền kinh tế Quảng Nam không diễn ra theo chiều thuận mà chính từ những trở ngại, rắc rối từ sự vụ cải cách hành chính chưa thật sự lan tỏa ở tất cả các cấp, ngành, địa phương.

Thương giới hiểu việc thay đổi hình ảnh về môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Nam không thể thực hiện trong ngắn hạn. Họ hy vọng với cuộc cải cách đang mở, môi trường đầu tư, kinh doanh Quảng Nam sẽ xoay chiều tốt hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cho rằng các chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần có hệ thống đánh giá, theo dõi giám sát kết quả thực thi. Không chỉ nghe các cơ quan chức năng báo cáo kết quả về các chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh. Cần có cuộc điều tra cụ thể của tổ chức độc lập đối với doanh nghiệp và người dân để đánh giá một cách khách quan, trung thực những kết quả của cải cách!

TRỊNH DŨNG

Báo Quảng Nam