Quảng Nam: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Cần sự vào cuộc mạnh mẽ
Không chỉ cần hành động từ chính quyền, cơ quan quản lý, địa phương mà cả giới truyền thông địa phương cũng phải vào cuộc mạnh mẽ. Hy vọng chính điều này sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho công cuộc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thiếu ổn định
Khảo sát đại diện 244 doanh nghiệp dân doanh và 37 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn Quảng Nam của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ số PCI 2016 của Quảng Nam đạt 61,27 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 2/12 khu vực duyên hải miền Trung (sau Đà Nẵng). Tuy nhiên, nhiều người nhìn nhận hiện công cuộc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Nam vẫn đang thiếu sự ổn định, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu như kỳ vọng. Có 6/10 chỉ số thành phần (tiếp cận đất đai khó khăn, chi phí không chính thức có xu hướng tiêu cực, chi phí thời gian chưa được cải thiện, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế, chưa đạt chất lượng, doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động và thiết chế pháp lý thiếu sự an toàn) trong PCI giảm điểm, giảm hạng khá sâu so với năm 2015. Và 4 chỉ số thành phần có sự cải thiện rõ rệt về điểm số, thứ hạng (gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch và tính năng động) nhưng vẫn tồn tại khá nhiều khoảng trống.
Theo ghi nhận của VCCI, khoảng 69% doanh nghiệp cho biết vẫn còn sự ưu đãi cho các doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền, các “hợp đồng đất đai và các nguồn lực kinh tế khác rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh”, 51% doanh nghiệp cho rằng vẫn “ưu đãi các công ty lớn” (cả nhà nước lẫn tư nhân). Khoảng 63% doanh nghiệp nói cần có mối quan hệ với cán bộ, công chức nhà nước để tiếp cận thông tin, các loại tài liệu quan trọng của tỉnh và 48% doanh nghiệp cho rằng thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh của họ. Không chỉ vậy, có đến 73% doanh nghiệp cho hay các chính sách, sáng kiến hay của UBND tỉnh chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành và 55% doanh nghiệp xác nhận những chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh đã không được thực hiện tốt ở cấp huyện.
Chất lượng đội ngũ cán bộ cũng là vấn đề khi còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, thiếu sự quyết đoán khi xử lý công việc. Tâm lý chung vẫn là sợ trách nhiệm và thiếu sự quan tâm đến doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thừa nhận năng lực cạnh tranh Quảng Nam chưa vượt trội so với các tỉnh, thành trong cả nước. Một số chỉ số thành phần thấp điểm, biến động tăng/ giảm không đều, thậm chí bằng không, thể hiện năng lực cạnh tranh chưa ổn định, thiếu bền vững và cải cách chưa thật sự bứt phá hiệu quả. Quảng Nam cần nhìn thẳng vào sự thật yếu kém của nội tại để đưa ra kế hoạch, cung cấp một môi trường đầu tư tốt hơn, đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp bằng các chính sách thích hợp (nếu có thể).
Vào cuộc mạnh mẽ
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh không còn là nỗ lực riêng của chính quyền cấp tỉnh. Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư cho hay không thể trì hoãn hay chậm chân trong “cuộc đua” này khi nhiều tỉnh, thành cả nước đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, bứt phá hơn về cải thiện các chỉ số thành phần trong PCI. UBND tỉnh cũng vừa ban hành một chỉ thị về việc cải thiện tốt môi trường kinh doanh, tiếp tục duy trì, nâng cao điểm số và thứ hạng PCI, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Chỉ thị này yêu cầu tất cả cơ quan quản lý, địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn với sự phân công cụ thể. Trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị là phải làm chuyển biến thay đổi nhận thức của cán bộ công chức, viên chức từ “quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp”. Từng cơ quan, đơn vị đưa nhiệm vụ tham mưu công tác về cải thiện chỉ số PCI là một trong những tiêu chí để hàng năm đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực thi công vụ. Tất cả thủ tục hành chính phải được công khai, minh bạch, đơn giản về thành phần, số lượng hồ sơ, thống nhất hướng dẫn trong cùng một vấn đề, rút ngắn quy trình xử lý, cắt giảm trung bình 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Theo chỉ thị này, Sở KH&ĐT chủ trì theo dõi và chịu trách nhiệm cải thiện các chỉ số gia nhập thị trường và cạnh tranh bình đẳng, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm về cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai. Chủ động bám sát các chỉ tiêu thành phần của chỉ số này. Hàng năm tùy vào tình hình thực tế địa phương, xây dựng kế hoạch cụ thể về cải thiện chỉ số này một cách hiệu quả. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, rà soát cắt giảm thành phần hồ sơ. Không để hồ sơ bị trùng, bị thừa khi thực hiện các thủ tục hành chính. Rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và các mức phí, thuế. Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu xây dựng quy trình hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thỏa thuận giữa chủ đầu tư với người sử dụng đất trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương sẽ chịu trách nhiệm lập quy hoạch phát triển điện lực 2017 - 2025, xét đến năm 2030, rà soát, tham mưu đề xuất cắt giảm thời gian tiếp cận điện năng phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Sở NN&PTNT lập quy hoạch phát triển ngành gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ bền vững, phát triển cây dược liệu, trồng rừng gỗ lớn, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Sở Tư pháp chủ trì theo dõi và chủ động bám sát các chỉ tiêu thành phần của chỉ số tính minh bạch…
Không chỉ các sở, ban, ngành, địa phương được phân công cụ thể, buộc phải hành động, chỉ thị này còn đặc biệt khi yêu cầu các cơ quan truyền thông thuộc tỉnh sẽ phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, các cơ chế, quy định, chính sách và chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin và tham gia đóng góp ý kiến về các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế của địa phương.
TRỊNH DŨNG