Quảng Nam: Cải thiện năng lực cạnh tranh (PCI): Cuộc đua không hồi kết
18 Tháng 2, 2022
Các địa phương đều đã và đang nỗ lực hết sức để nâng hạng PCI, không chỉ tạo ra sự sôi động cho “đường đua” này mà còn đặt ra sự cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
PCI đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh dưới góc nhìn doanh nghiệp tư nhân đưa đến thông điệp: Chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền được các nhà đầu tư sử dụng tham khảo cơ hội đầu tư, lập kế hoạch kinh doanh. Kết hợp các yếu tố về vị trí, cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, địa phương nào có điểm số, thứ hạng cao sẽ tạo nên lực hấp dẫn đầu tư.
Không thiếu những cơ chế, chính sách, nhưng điểm số, xếp hạng của Quảng Nam luôn rơi vào tình trạng bấp bênh. Dựa vào đâu để địa phương giành thắng lợi trong cuộc đua không hồi kết, mang theo ước vọng trở thành một cực tăng trưởng luôn đặt trên bàn nghị sự.
CHƯA THỂ ĐỊNH HÌNH!
Kế hoạch của Quảng Nam sẽ tăng điểm và thăng hạng, lọt vào tốp 6 tỉnh thành có chỉ số năng lực cạnh tranh điều hành kinh tế (PCI) cao nhất Việt Nam vào năm 2025, liệu có thành hiện thực?
Trồi sụt, bấp bênh thứ hạng!
Lịch sử 16 năm tham dự “cuộc đua” cải thiện chỉ số, thứ hạng PCI, bản đồ năng lực cạnh tranh điều hành kinh tế Quảng Nam luôn diễn ra theo biểu đồ hình sin, trồi sụt, bấp bênh.
Sau 10 năm “lặn ngụp”, cao nhất chỉ lọt vào nhóm khá, Quảng Nam bất ngờ “chen chân” đến nhóm tốt trên bảng xếp hạng PCI vào năm 2015, trở thành gương mặt mới trong nhóm 10 tỉnh thành có chỉ số, thứ hạng cao nhất nước.
Chính quyền đã ghi điểm trong mắt doanh nghiệp khi cung cấp một môi trường đầu tư tốt bằng việc lắng nghe, đáp ứng các nhu cầu doanh nghiệp với các chính sách, cơ chế thích hợp cùng những cam kết cải thiện thực chất.
Năm năm liên tiếp (2015 -2019) đứng trên “đỉnh cao danh vọng”, Quảng Nam là một trong những địa chỉ sáng giá, kéo doanh nghiệp lựa chọn điểm đến để mở những cuộc làm ăn.
Tính năng động của chính quyền, cải thiện thông tin minh bạch, chi phí không chính thức, chi phí thời gian có xu hướng giảm và bình đẳng trong đầu tư là những điểm sáng! Theo thống kê, đây là thời kỳ bùng nổ đầu tư của địa phương.
Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng không ngừng, trung bình mỗi năm hơn 1.250 doanh nghiệp mới thành lập. Đầu tư nội địa gia tăng 230 dự án với tổng vốn đăng ký gần 68.000 tỷ đồng.
Tốc độ GRDP tăng bình quân 10,7%. Và Quảng Nam đã gia nhập gia đình số các tỉnh thành (ít ỏi) “chuyển ngược” ngân sách về Trung ương mỗi năm, kể từ 2017.
“Bất ngờ” xảy ra. Chỉ số PCI Quảng Nam 2020 không thể giữ hạng. Địa phương đã sụt nhiều về điểm số và thứ hạng (giảm 3,7 điểm, tụt 7 bậc, từ thứ hạng 6 xuống 13). Tại sao chính quyền vẫn hiện thực hóa các nghị quyết của Chính phủ, đưa ra kế hoạch gia tăng điểm số, duy trì các sáng kiến... nhưng kết quả không như ý muốn?
Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành nói một sự thật đáng buồn là “trên bảo dưới không nghe”. Chất lượng thực thi các chính sách, chủ trương yếu.
Những sáng kiến hay ở cấp tỉnh chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành những chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh đã không được xử lý tốt ở cấp huyện, thị, thành phố.
Tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho hay, không thiếu nghị quyết, kế hoạch hay đề án, nhưng cải cách vẫn còn nhiều điểm nghẽn, chưa thành công chính là tự thua, không thắng nổi mình. Cái gốc vẫn chính là năng lực thừa hành của cán bộ, công chức viên chức không theo kịp đà chuyển đổi.
Trở lại đường đua
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay năm 2020 gặp khó khăn nên các chỉ số đều sụt giảm. Tuy nhiên, sự tụt hạng hay giảm điểm không phải là điều gì kinh khủng. Người đứng đầu đến người thực thi công vụ phải tự thức nhận, soi mình đã làm được và chưa được gì, chủ động đưa ra giải pháp, cung cấp môi trường đầu tư tốt hơn.
“Địa phương đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung chất lượng các quy hoạch, hấp dẫn các nhà đầu tư, rà soát các dự án đầu tư để quyết định giãn tiến độ hoặc thu hồi, trao cơ hội cho các nhà đầu tư khác. Hướng đến số hóa minh bạch để nhà đầu tư tiếp cận nhanh nhất, nhất là các quy trình, thủ tục đầu tư, đấu giá đất sạch, kinh doanh nhà ở, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư” - ông Thanh nói.
Quảng Nam quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư để quay lại tốp 10, phấn đấu lọt vào tốp 6 vào năm 2025. Kế hoạch sẽ có đến 6/10 chỉ số thành phần nằm trong tốp 5 (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự), 4/10 chỉ số thành phần nằm trong top 10 (chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động).
Theo ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, Quảng Nam sẽ không đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức. Thực hiện “4 tại chỗ” trong tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả hồ sơ. Hạn chế doanh nghiệp đi lại nhiều lần. Hướng đến cơ quan nhà nước “không giấy tờ”.
Kế hoạch cải thiện PCI đã ban hành. Tuy nhiên, thương giới cho rằng cần thêm một hệ thống đánh giá, theo dõi, giám sát kết quả thực thi, để hiểu những chương trình, kế hoạch của chính mình đưa ra có thực sự lan tỏa đến hết địa phương hay sở, ban, ngành hay không? Đó mới là điều quyết định cho sự thành công của nỗ lực cải thiện.
Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty EMIC HOSPITALITY HỘI AN nói có thể đo lường được kết quả tác động đến doanh nghiệp trên thực tế bằng sự minh bạch, cam kết thời gian thực thi và phải cả hệ thống công quyền vào cuộc thì mới có thể tạo ra sự thay đổi.
Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, UBND tỉnh buộc phân công rõ bộ phận đầu mối theo dõi, giám sát đơn vị thực hiện. Bảo đảm kế hoạch đạt mục tiêu cải thiện các chỉ số thành phần. Tất cả chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả cuối cùng của các chỉ số thành phần PCI do đơn vị mình phụ trách.
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kế hoạch cải thiện lần này thể hiện quyết tâm trong việc tạo ra sự khác biệt, chất lượng. Không chỉ chính quyền cấp tỉnh mà địa phương cấp dưới, cơ quan quản lý cũng phải đề ra kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh điều hành kinh tế thông qua sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền, có hệ thống giám sát cụ thể, rõ ràng, thực chất, không hình thức. Hy vọng sẽ nhận được sự đánh giá cao của doanh nghiệp về chất lượng cải thiện môi trường đầu tư của địa phương.
LỰC HẤP DẪN
Quảng Nam quyết tâm thay đổi để có “tấm giấy chứng nhận, một vé thông hành hoàn hảo”, trở thành một cực hấp dẫn. Hiệu lực của công cuộc cải thiện cần thời gian và lực đẩy của thị trường!
Niềm tin kinh doanh
Trên mặt đất 24,5ha Cồn Bắp (Cẩm Nam, Hội An) đã lộ ra những hình ảnh ban đầu của một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và trải nghiệm văn hóa Hoian D’or. Thương cảng thực cảnh Hoian D’or Marina, khu shophouse Maison de Ville tái hiện hình bóng Hội An trên bến dưới thuyền sầm uất một thời, sẽ dần xuất hiện.
Ông Vũ Văn Thành - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp cho hay khoảng 36% diện tích đất của dự án đã được sử dụng. Đến cuối tháng 5.2022, khoảng 80% diện tích sẽ được lấp đầy. Tháng 10.2022, phố đi bộ, mua sắm và khu nông nghiệp sẽ chính thức được đưa vào khai thác
Ở Điện Dương, khu nghỉ mát Malibu Hội An dự kiến sẽ đưa khối khách sạn và khu công cộng hoạt động vào tháng 6.2022 và 30.10.2022 khu villa sẽ đón khách. Khu nghỉ dưỡng Shilla Monogram Quangnam Danang là “con đẻ” của thương hiệu khách sạn hạng sang hàng đầu tại Hàn Quốc - Samsung, đã sẵn sàng cho những cuộc tiếp đón khách...
Thaco đã chuẩn bị cho một thời kỳ đầu tư mới, xây thêm nhà máy sản xuất sơ-mi rơ- mooc sang Mỹ. Bỏ vốn đầu tư tăng hơn 3 lần so năm 2021 với 4.900 tỷ đồng để hoàn thiện, mở rộng các khu công, nông, cảng, đô thị...
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco nói, nhờ vào sự hỗ trợ, hợp tác tối đa của Quảng Nam, mà Thaco Chu Lai có được ý tưởng, nguồn lực để trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19 đã khai tử hoặc nhiều doanh nghiệp “nín thở qua sông”. Song, cũng không ít nhà đầu tư tìm đến hay nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia nhập thị trường giữa cơn bão dịch vẫn đang hoành hành. Bản đồ đầu tư địa phương gần như đã du nhập đủ các thương hiệu lớn trên toàn cầu.
Từ ô tô đến du lịch nghỉ dưỡng, thiết bị vệ sinh, may mặc, bia, rượu, sản xuất máy cắt kim cương, hàng không... với những cái tên “đình đám” như Inax, Groz Becker, Victoria, Huyndai, Mazda, Heneiken, Brainworks, DD Diamond, Hasegawa, Mitsui... Quảng Nam trở thành cứ điểm của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Những nhà đầu tư “khó tính” như Amann (Đức), Hyosung hay Tập đoàn Shilla lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, đã chọn Quảng Nam không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chủ tịch Kocham Ryu Hang Ha nói môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện, minh bạch thủ tục đầu tư, bình đẳng của địa phương chính là yếu tố cốt lõi, gia tăng niềm tin của doanh nghiệp Hàn Quốc chọn Quảng Nam đầu tư.
Chờ làn sóng mới
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT khẳng định nếu thiếu niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh, sẽ không thể hấp dẫn nhà đầu tư. Sự thành công của các nhà đầu tư hiện tại, như tấm gương phản chiếu về môi trường đầu tư, thước đo về năng lực điều hành của chính quyền địa phương.
Có thể nói đích cuối cùng của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số PCI, chắc chắn không nằm ngoài mục đích “tối thượng”: thu hút đầu tư. Nhưng, dựa vào đâu để có thể đón dòng đầu tư đang suy giảm quay trở lại địa phương, trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các tỉnh thành? Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói hiệu quả hay không phải chuẩn bị từ những quy hoạch chuẩn, vận hành các thủ tục, cơ chế, chính sách... thông suốt bằng các tiêu chí cụ thể.
Cổng thông tin điện tử hỗ trợ, tiếp doanh nghiệp định kỳ, ứng dụng công nghệ GIS, dữ liệu đất đai, chuyển đổi số, tổ công tác đặc biệt (từ kiểm tra hiện trường, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính...), trực tiếp xử lý các vướng mắc của nhà đầu tư... tiếp tục vận hành.
Song, sự mới mẻ được nhắc đến khi Quảng Nam là một trong những tỉnh hiếm hoi công bố các quy định, trình tự, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, tiết giảm chi phí thời gian, giúp nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận, đưa dự án triển khai trên thực tế. Chấm dứt cảnh nhà đầu tư mỏi mòn chờ đợi hồ sơ, dự án chuyển hết sở này, ngành nọ “xin” ý kiến kéo dài, không biết ngày nhận được phản hồi.
Mức độ phân cấp, ủy quyền trong quy định trên chưa có tiền lệ ở bất cứ địa phương, đang thử nghiệm, kiểm định, đánh giá trên thực tế. Tuy nhiên, quy định (đơn giản, dễ hiểu, cụ thể hóa từng địa bàn, loại hình dự án...) ra đời như một cơ chế đo lường, làm xương sống cải thiện, thu hút đầu tư, quyết định cho sự phát triển của Quảng Nam.
Theo đánh giá của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VN Đà Thành, việc rút ngắn thời gian đầu tư dự án, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp trước “rừng luật” về đầu tư còn chồng chéo, các ngành chưa thể gỡ nổi thì quy định này là sự khác biệt trong việc cải thiện môi trường đầu tư của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay các sáng kiến này có thể sẽ làm thay đổi cách nhìn của doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh địa phương, đánh giá đúng năng lực điều hành của địa phương.
Không tồn tại tình trạng xin cho, đầu tư theo cảm tính. Cải thiện năng lực cạnh tranh phải được đặt lên vị trí xứng đáng, quyết định cho sự phát triển địa phương. Sắp xếp, điều chỉnh, lựa chọn cán bộ có năng lực thực sự để thực thi công vụ, theo dõi cả vòng đời của một dự án đầu tư. Không chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách nhà nước. Sẽ minh bạch hóa từ cơ sở dữ liệu, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thủ tục đến các dự án cơ hội...
Tất cả sẽ được tạo dựng trên một website riêng biệt, có tên miền dễ hiểu, dễ truy cập, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện... của riêng Quảng Nam giới thiệu đến các nhà đầu tư và những ai quan tâm. Quy trình công nghệ phải được vận hành đồng bộ, tương thích. “Không một cơ quan nào đứng ngoài cuộc trong cuộc cải cách này. Từng cơ quan đơn vị sẽ tự đánh giá, rút kinh nghiệm, xử lý những khiếm khuyết trong việc vận hành các cơ chế, chính sách cải thiện”- ông Thanh nói.
TẠO DỰNG LÒNG TIN DOANH NGHIỆP
Sáng kiến tiếp doanh nghiệp định kỳ tiếp diễn “sứ mệnh lịch sử” kết nối, tương tác doanh nghiệp rất cần được nâng chất để công cuộc cải thiện đầu tư thêm ý nghĩa.
Hiệu lực “đối thoại”
Nếu không có những cuộc tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ, không biết bao giờ Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do sự khó dễ của cơ quan quản lý. Tân Nhật Minh sẽ không biết bao giờ mới được thanh toán dứt điểm số nợ đọng hơn 1 tỷ đồng từ phía chủ đầu tư.
Các ông Hồ Văn Luận - Giám đốc Công ty TNHH Kính Phước Toàn, ông Phạm Văn Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai hay Giao Thương Quảng Xưa... sẽ không thể nào được hỗ trợ vay vốn nếu không có tác động của lãnh đạo tỉnh để xây dựng nhà xưởng và mở L/C đưa thiết bị vào sản xuất… Những dự án như Cồn Bắp hay Bồ Bồ vẫn sẽ mãi là những dự án “đóng băng”.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cồn Bắp, Phó Giám đốc Công ty Du lịch sinh thái Bồ Bồ nói nếu không có các cuộc gặp như thế này sẽ không có một Hoian D’or hoãn, giãn tiến độ dài nhất trong lịch sử của các dự án đầu tư tại Quảng Nam sẽ ghi dấu trên bản đồ du lịch địa phương. Khu du lịch làng tre Việt sẽ không có cơ hội tiếp tục hình thành trên đồi Bồ Bồ.
Không có cuộc tiếp xúc doanh nghiệp, lãnh đạo Quảng Nam sẽ không thể biết nhiều hơn những nỗi khổ doanh nghiệp âm thầm chịu trận từ sự tắc trách, quan liêu, vô cảm của cơ quan công quyền và địa phương.
Ông Trịnh Anh Toàn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Toàn Pháp (CCN Đại Đồng 2, Đại Lộc) 5 năm không nhận được mặt bằng, đã gác lại ý định bỏ cuộc, tiếp tục dự án, khi UBND tỉnh buộc địa phương bàn giao cho doanh nghiệp. Quảng Cường sẽ không thể dễ dàng triển khai dự án Khu du lịch Bằng Am tại Đại Hồng (Đại Lộc).
Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang) sẽ tiếp tục “giậm chân tại chỗ” chỉ vì “một con suối” (dù đã hoàn thành đầy đủ thủ tục, nghĩa vụ tài chính và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã điều chỉnh quy hoạch cục bộ vẫn không được cấp phép xây dựng).
Có thể nói, kể từ cuộc đầu tiên (6.10.2014), đã có không biết bao nhiêu doanh nghiệp được “cứu” sau những cuộc tiếp xúc. Doanh nghiệp có thêm niềm tin vào chính quyền, khi những “tiếng kêu” đã có người phản hồi nhanh chóng.
Nâng chất
Không phải kiến nghị nào của doanh nghiệp cũng được xử lý thỏa đáng. Bởi các kết luận của lãnh đạo tỉnh sau phiên tiếp xúc không được các cơ quan thừa hành thực hiện.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh than phiền tại sao có quá nhiều doanh nghiệp trở lại để trình bày các ý kiến đã cũ. UBND tỉnh đã yêu cầu các kết luận của lãnh đạo tỉnh sau các phiên tiếp xúc phải được thực thi, có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát.
“Các kiến nghị phải được xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất có thể, có thời hạn ấn định cụ thể. Không để doanh nghiệp tốn thời gian đi lại, kiến nghị nhiều lần mà không ai giải quyết. Không thể tiếp doanh nghiệp xong, doanh nghiệp chờ giải quyết rồi lại tiếp tục đăng ký các cuộc gặp để trình bày lại ý kiến cũ. Mất hết ý nghĩa của cuộc cải thiện môi trường đầu tư” - ông Quang nói.
Có thể khẳng định thành công của những cuộc tiếp xúc định kỳ nằm ở thái độ lắng nghe và chất lượng những câu trả lời. Đồng thời việc giải quyết có đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp hay không chứ không chỉ bằng những kết luận chung chung. Không có sự đánh giá hiệu quả hay không về hậu những cuộc đối thoại hay tiếp xúc.
Những giải quyết không rốt ráo, chưa tận lực vì doanh nghiệp thì nguy cơ dẫn đến sự “xói mòn” niềm tin vào hiệu lực chính quyền, cơ quan quản lý, dẫn đến một môi trường đầu tư lập lờ và những cuộc đối thoại chỉ là hình thức.
Tạo dựng lòng tin doanh nghiệp là khía cạnh tích cực nhất của cải thiện chỉ số PCI. Những cam kết, chủ trương đúng, chính sách hợp lý của chính quyền sẽ rất cần đến những con người thừa hành đủ năng lực.
Hướng đến cải cách con người để từ đó tạo ra cải cách thủ tục, giảm thiểu các bất lợi cho cộng đồng doanh nghiệp thì mới tạo ra sự thông thoáng. Ý thức, trách nhiệm công bộc trong thực thi công vụ mới là chỉ dấu tốt về năng lực điều hành của chính quyền. Không có năng lực nội sinh này mọi thúc ép, cải cách đều vô nghĩa.
GÓC NHÌN
Cộng đồng doanh nghiệp mong đợi hơn về những cơ chế, chính sách của chính quyền triển khai hiệu quả trên thực tế.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Đo lường chất lượng thực thi”
Những chính sách thành công nhất của địa phương chỉ là những quyết định giảm bớt thủ tục, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Không phải là những chính sách trực tiếp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Không gian cải thiện PCI vẫn còn rất lớn. Nhưng muốn cải thiện được thì phải biết đích xác, nhận diện cho được điểm nghẽn để gỡ bỏ. Đo lường được kết quả thực thi, tác động của chính sách đến người dân, doanh nghiệp như thế nào trên thực tế?
Không ít nhà đầu tư chán nản khi vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trên thực tế, những vướng mắc về thủ tục liên ngành đôi khi không có “lối ra”. Nhiều địa phương truyền thông rầm rộ về môi trường đầu tư, nhưng vẫn gây thất vọng.
Quảng Nam đã thức nhận vấn đề, hướng đến cải cách thực chất bằng những quy định khác biệt và mới mẻ. Tuy nhiên, chuyển tải, vận hành tư tưởng cải cách thông suốt từ trên xuống dưới mới là bước chuyển quan trọng.
Trong cuộc đua điểm số và thứ hạng, địa phương nào cũng đều cho rằng mình đã có đủ chính sách, cơ chế tốt. Hơn nhau ở chất lượng thực thi. Các cuộc khảo sát cải cách phải khách quan, chính xác, kịp thời, dễ dàng xử lý để thúc đẩy thay đổi. Nếu không thì những cam kết hay diễn ngôn “có cánh” về quyết tâm đổi mới cũng vô nghĩa.
Nếu chính quyền Quảng Nam giải quyết tốt việc cắt giảm chi phí thời gian, đơn giản hóa các thủ tục hành chính... cho doanh nghiệp trong thẩm quyền của mình thì năng lực cạnh tranh sẽ gia tăng.
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch HĐQT VN Đà Thành: “Mong đợi hiệu lực thực tế”
Điểm nghẽn thuộc về tiếp cận đất đai. Không mặt bằng, không thể triển khai dự án. Mọi thứ gần như sẽ trì trệ, từ cam kết đến tiến độ dự án. Doanh nghiệp không cần phải có quỹ đất sạch. Cần nhất là giảm thời gian để rút ngắn thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý cơ bản cho doanh nghiệp là tốt rồi và Quảng Nam đã làm được điều này.
Quy định mới về giao đất từng phần, cấp phép xây dựng từng giai đoạn hay các quy định về đầu tư, tiết giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp là sáng kiến, kịp thời giải quyết triệt để những tồn đọng.
Đây là điểm mới và cũng là một sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Mong muốn nhiều nhất vẫn là cần sự quyết liệt, có thêm những cơ chế mạnh mẽ hơn từ chính quyền, muốn nhìn thấy các chính sách, cơ chế triển khai trên thực tế hơn là lời nói hay kế hoạch.
Tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ là sáng kiến khi giải quyết kiến nghị của từng doanh nghiệp, thiết thực, không chung chung. Nhưng, một khi lãnh đạo tỉnh đã kết luận, thì các sở, ngành, địa phương thực hiện cần ấn định thời gian, hiệu quả công việc cụ thể. Nếu kết luận xong rồi để đó thì vô nghĩa.
Cần có sự giám sát thực sự hiệu quả về chất lượng thực hiện những cải cách. Một khi khó khăn, doanh nghiệp mới tìm đến chính quyền, cơ quan quản lý. Khi có niềm tin về các giải quyết kiến nghị thì họ sẽ tìm đến ngày càng nhiều hơn.
Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty EMIC Hospitality Hội An: “Có niềm tin hơn vào cơ quan công quyền”
Doanh nghiệp đã có niềm tin hơn vào cơ quan công quyền. Môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện. Nhưng, chỉ mới dừng ở cấp tỉnh. Sức lan tỏa đến các sở, ngành, địa phương và từng nhân viên hành chính vẫn chưa thật sự chuyển biến.
Cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong chờ sức mạnh thực thi từ cơ quan quản lý, địa phương trên sự minh bạch về cơ chế, thời gian thực hiện các cam kết. Một chính quyền đồng hành với doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò “bà đỡ”.
Nghị quyết, kế hoạch thực sự chưa được vận hành suôn sẻ trong đời sống. Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà mất nhiều thời gian. Đôi khi bị tắc nghẽn ở khâu phối hợp, chịu trách nhiệm của các ngành tham mưu. Vẫn còn tình trạng “vào một cửa nhưng phải tác động nhiều cửa”. Chính sách hỗ trợ cho các dự án bền vững chưa rõ ràng, mới chỉ dừng ở chính sách kêu gọi là chính.
Chính quyền đã khá thành công khi kích thích phong trào khởi nghiệp, dựng nghiệp, song vẫn chưa thể thành công trong việc giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng “sống sót”.
Nếu chính quyền và cơ quan quản lý có thể nhận diện được sự vụ cụ thể của doanh nghiệp “chết” hay có nguy cơ bị khai tử, có giải pháp hỗ trợ cho họ khởi động lại kinh doanh khi thị trường khôi phục, để họ có thể gia tăng cơ hội “sống sót”, chắc chắn đó là giải pháp hiệu quả nhất để tạo ra hiệu ứng, thổi bùng phong trào khởi nghiệp hữu sự và một môi trường đầu tư hấp dẫn.
Theo Báo Quảng Nam