Quảng Nam: Mở rộng không gian hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp rất cần hành lang pháp lý minh bạch và sự hỗ trợ cụ thể thông qua các biện pháp đa chiều. Không chỉ lắng nghe mà cần giải quyết cụ thể các vấn đề doanh nghiệp kiến nghị mới có thể tạo lập được một không gian hỗ trợ doanh nghiệp thực sự.
Đồng hành
Có thể nói Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và các kế hoạch hành động của Quảng Nam về hỗ trợ doanh nghiệp đã có sức lan tỏa vào nền kinh tế. Không chỉ chú trọng đến cải cách hành chính, thủ tục đầu tư, thuế, hải quan..., các cơ quan chức năng đã mở nhiều cuộc kết nối giao thương, gắn kết thị trường, làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kiếm tìm và khai thác các thị trường. Công ty TNHH Hương Trầm đã kinh doanh hiệu quả với một cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm đặc trưng Quảng Nam tại Hà Khẩu, Vân Nam (Trung Quốc).
Nhiều công ty Nhật Bản đặt hàng các doanh nghiệp gỗ Quảng Nam cung cấp mẫu sản phẩm cửa gỗ, nội thất các loại. Công ty Sản xuất và xuất nhập khẩu Sao Mộc Quảng Nam ký kết hợp tác với Công ty CP Sản xuất & kinh doanh Mộc Phú (TP.Hồ Chí Minh). Công ty TNHH Quế Quảng Nam đã nhận khá nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Và mới đây, 3 nhãn hiệu nước mắm làng nghề Quảng Nam đã gia nhập vào siêu thị, mở rộng sản xuất... Kết quả này đã minh chứng cho nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc mở rộng và tiếp nối các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tìm kiếm việc đầu tư ổn định cho sản phẩm doanh nghiệp Quảng Nam, đúng như cam kết của chính quyền và cơ quan quản lý.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 3 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ đều gia tăng đáng kể, mức tăng khoảng từ 4,9 - 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào số liệu các cơ quan quản lý công bố sẽ có hơn 50% doanh nghiệp có ý định mở rộng, gia tăng sản xuất, kinh doanh ngay từ năm 2017 và tổng dư nợ cho vay đến nay hơn 45.000 tỷ đồng, tăng gần 23,7% so với năm trước không chỉ thể hiện nguồn tín dụng đã thực sự đổ vào nền kinh tế mà còn thể hiện rằng giới ngân hàng đã thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng rõ nét hơn. Trong một diễn biến liên quan, con số thu ngân sách nội địa 3 tháng đầu năm đã tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Kế toán trưởng Công ty CP Prime Đại Lộc cho biết công ty sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng công suất sản xuất và tiêu thụ gần 20% với 25 triệu mét vuông và tiêu thụ hơn 26 triệu mét vuông gạch các loại, mở rộng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Và nhiều doanh nghiệp đã biết chọn một lối đi an toàn tiếp cận thị trường từ sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước trong các cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng hơn.
Cần giải pháp phù hợp
Ông Võ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh cho hay Quảng Nam đã hiện thực hóa Nghị quyết 35 của Chính phủ bằng những kế hoạch hành động cụ thể. Tiến hành cải cách hành chính theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, xây dựng cơ chế “Một cửa liên thông hiện đại” để tập trung đầu mối, tiếp nhận thủ tục hành chính về một đầu mối và liên thông – liên kết nhằm nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch cho doanh nghiệp. Những cải cách của Quảng Nam đã tạo cơ hội kinh doanh, giúp không ít doanh nghiệp tích lũy được nhiều của cải và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác vẫn cho thấy có nhiều lý do để lo ngại khi 96% doanh nghiệp Quảng Nam có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Trong bối cảnh một loạt FTA có hiệu lực và làn sóng doanh nghiệp đổ bộ vào Việt Nam, khả năng những doanh nghiệp nhỏ bé của địa phương có thể bị bứng ra khỏi thị trường. Ngay như con số doanh nghiệp thành lập mới 3 tháng qua gần 244 doanh nghiệp thì cũng đã có đến gần 200 doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi, giải thể, ngừng hoạt động, cho thấy số liệu tương ứng này dẫn chứng cho việc thành lập mới chỉ theo phong trào chứ chưa hoạt động bền vững. Số liệu doanh nghiệp mới là tín hiệu đáng mừng, nhưng lượng “chết đi” cũng là con số đáng chú ý trên nhiều khía cạnh. Rõ ràng, không phải doanh nghiệp nào cũng xuôi chèo mát mái, hanh thông, mà thực sự còn nhiều khó khăn, chông gai, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Đinh Văn Đào – Cục trưởng Cục Thống kê nói số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp bị thu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giải thể và gửi thông báo tạm ngừng hoạt động tương đương nhau là một dấu hiệu không bình thường. Đó là chỉ dấu cảnh báo về sự bất an của nền kinh tế. Cần một cách làm khác trong việc kích thích doanh nghiệp gia nhập thị trường, theo dõi số doanh nghiệp mới tiếp tục hoạt động như thế nào trong những tháng sau này và số doanh nghiệp “chết” được “tái sinh” thế nào mới có thể rõ hơn về sức sống của doanh nghiệp Quảng Nam.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng những chỉ thị, chính sách của chính quyền cho đến nay vẫn rất đúng đắn khi đưa ra những kế hoạch hành động về cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí. Những điều ấy dù rất quan trọng nhưng lại không mang tính quyết định. Việc mở rộng không gian hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết hơn nhiều. Thực tế, để trụ lại thị trường, ngoài nỗ lực tự thân, doanh nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, sao cho chi phí sản xuất thấp nhất, doanh nghiệp ít gặp rủi ro về pháp lý. Họ mong những cải cách đừng “trên nóng, dưới lạnh”, không thể chung chung và đi vào thực tế hơn. Điều doanh nghiệp cần chính là không gian niềm tin, nếu việc hợp tác từ các cuộc tiếp doanh nghiệp định kỳ, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, các cuộc cà phê doanh nhân… chỉ để ghi nhận, lắng nghe mà không có cách giải quyết, đáp ứng đúng mức yêu cầu của doanh nghiệp thì nguy cơ dẫn đến sự thiếu niềm tin vào hiệu lực chính quyền, cơ quan quản lý.
TRỊNH DŨNG