The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Nam: Nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Từ kết quả cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2016 – 2020, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa XXII) vừa qua đã thảo luận, thống nhất nhiều mục tiêu mới, với quyết tâm đến năm 2025 nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt tối thiểu 90%.
Chỉ số tiếp cận đất đai giảm mạnh
Kết quả của 3 năm thực hiện điều tra, khảo sát cho thấy Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng dần theo từng năm.
Năm 2020 chỉ số này đạt cao nhất, với 84,03 điểm so với hai năm liền trước đó. Về hạn chế, yếu kém của công tác CCHC giai đoạn 2016 - 2021, UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận là vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng chậm giải quyết hồ sơ TTHC trên lĩnh vực đất đai.
Chỉ số PCI 4 năm liên tiếp (2016 – 2019) của tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Còn năm 2020, Chỉ số PCI tỉnh nằm ở vị trí 13 trên bảng xếp hạng cả nước (tụt 7 bậc so với năm 2019).
Theo bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ, kết quả Chỉ số CCHC và Chỉ số PCI năm 2020 đã phản ánh một số tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách TTHC nói chung và chất lượng phục vụ hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh.
Phân tích sự tụt hạng của Chỉ số PCI, theo bà Hoa, năm 2020, điểm số của chỉ số tiếp cận đất đai năm 2020 giảm mạnh so với năm 2019, với 6,49 điểm (giảm 0,97 điểm), đứng thứ 38, giảm 28 bậc so với năm 2019.
Nguyên nhân khiến chỉ số này giảm điểm mạnh so với các năm trước là tăng tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn khi thực hiện TTHC về đất đai trong vòng 2 năm qua.
“Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ vẫn còn tồn tại ở cả 3 cấp chính quyền và kéo dài trong nhiều năm, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, chính sách người có công.
Vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với chất lượng dịch vụ hành chính công tại các cơ quan, đơn vị, nhất là những phản ảnh về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức” - Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa nói.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Để hoàn thành các mục tiêu CCHC giai đoạn mới, Tỉnh ủy đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mới và thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong công tác này khi thống nhất không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đối với người đứng đầu nếu kết quả xếp hạng CCHC hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương đạt mức trung bình trở xuống; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nếu kết quả cải cách hành chính 3 năm liên tục xếp hạng trung bình.
Quảng Nam quyết liệt cải cách TTHC nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC (chi phí chính thức và không chính thức) để thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng.
Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải cách TTHC ở các ngành, địa phương có tác động quyết định đến kết quả CCHC của tỉnh như các Sở Kế hoạch và đầu tư, TN&MT, Xây dựng, Y tế, LĐ-TB&XH, Ban Quản lý khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh; UBND của 6 địa phương vùng đông: Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ và huyện Đại Lộc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng “Chính quyền điện tử” có bước chuyển tích cực.
Đặc biệt, Cổng dịch vụ tỉnh, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh (LRIS) chính thức được đưa vào sử dụng là nền tảng quan trọng tiếp tục góp phần đổi mới phương thức làm việc theo hướng hiện đại.
“Tỉnh tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền tối đa theo quy định của pháp luật giữa cấp tỉnh và cấp huyện; giữa cấp huyện và cấp xã, giữa cấp trên và cấp dưới gắn với quyền hạn, trách nhiệm và cơ chế kiểm soát quyền lực; chú trọng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Việc phân cấp quản lý đảm bảo tính thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, vừa đảm bảo tính độc lập, tự chủ, năng động sáng tạo của chính quyền cấp huyện” - ông Bửu chia sẻ.