Quảng Nam: Tháo gỡ điểm nghẽn PCI
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành, đưa doanh nghiệp trở thành đối tác, nâng chất những chỉ số PCI thấp điểm… là cách mà Quảng Nam thay đổi hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhận diện
Kết quả thăng hạng hay sự tăng, giảm điểm các chỉ số thành phần PCI năm 2015 của Quảng Nam không mấy bất ngờ. Nếu 6 chỉ số (tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động và lao động) tăng điểm có thể hiểu nỗ lực hiện thực hóa các nghị quyết, chỉ thị hay các “sáng kiến” (một cửa liên thông, tiếp doanh nghiệp định kỳ và cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp) đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, 4 chỉ số giảm điểm (gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý) lại cho thấy sự vận hành cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn nằm trong giai đoạn thử nghiệm. Lịch sử PCI Quảng Nam luôn có sự đảo chiều, thăng, giáng bất ngờ của các chỉ số. Những chỉ số thấp điểm này vốn được xem là điểm yếu nhất Quảng Nam khi nhiều năm qua chỉ dừng ở mức 4 hoặc 5 điểm, không hề thay đổi theo hướng tích cực và ngày càng bị đánh giá thấp điểm hơn.
Theo báo cáo của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, không ít hồ sơ, kiến nghị, khó khăn chính đáng của doanh nghiệp vẫn chưa được các cơ quan quản lý giải quyết triệt để và cũng không thể nào giải quyết hết những yêu cầu của doanh nghiệp khi thông qua “một cửa liên thông”, tiếp doanh nghiệp định kỳ hay những trao đổi trên cổng thông tin điện tử. Có lẽ đó là lý do các chỉ số này đã mất điểm trong cái nhìn của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho rằng doanh nghiệp than phiền chính sách ưu đãi thu hút đầu tư mới đã vô tình tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp cũ trên cùng địa bàn, trong cùng ngành nghề. Quy hoạch phát triển một số ngành nghề chưa hợp lý, dẫn đến việc thừa hoặc thiếu doanh nghiệp theo ngành nghề, theo lĩnh vực đầu tư hoặc nguồn cung ứng đầu vào của doanh nghiệp như nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công... tại địa bàn không đủ cung ứng phải nhập từ địa phương khác hoặc nước ngoài có giá thành cao. Việc hỗ trợ sau đầu tư như tiền thuê đất, cơ sở hạ tầng về đường sá, cấp thoát nước, nước thải, điện năng… vẫn chưa ổn.
Bà Lê Thanh Hà - thành viên của Nhóm khảo sát, phân tích PCI thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, doanh nghiệp Quảng Nam muốn sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính quyền, cơ quan quản lý và các địa phương. Quảng Nam cần tập trung vào những lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính gặp nhiều phiền hà nhất như đất đai, thuế, giải phóng mặt bằng, giải quyết 5 khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp về vốn, cạnh tranh bình đẳng, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, thị trường, giảm bớt gánh nặng thanh tra kiểm tra, quan tâm nhiều đến doanh nghiệp nhỏ và vừa và tăng cường tham vấn doanh nghiệp. Tạo sự bình đẳng hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần chuyên nghiệp, linh hoạt và sáng tạo… là yêu cầu cao nhất của cuộc cải thiện chỉ số PCI Quảng Nam.
Thực hiện kế hoạch cải thiện
Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ năm 2014 xác định cải thiện PCI là một trong những giải pháp mà chính quyền các địa phương cần thực hiện để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nói, chỉ số PCI mỗi năm là để địa phương tự soi mình và cải cách. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, cải cách, đổi mới chất lượng điều hành, gấp rút cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hơn nữa cho các doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc. Quảng Nam xem PCI như là một kênh đối thoại, thu thập thông tin để biết doanh nghiệp nghĩ gì và đánh giá như thế nào về chất lượng điều hành. Những tồn tại đã được mổ xẻ, phân tích, đưa doanh nghiệp từ đối tượng quản lý sang đối tác của chính quyền.
Hiện, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động, phấn đấu từ năm 2016 luôn đứng trong nhóm có chỉ số tốt (đạt từ 60 điểm trở lên), luôn lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất nước. Theo kế hoạch này, sẽ công khai niêm yết đồng bộ 100% thủ tục hành chính, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục, trên trang thông tin điện tử các đơn vị và cổng thông tin điện tử tỉnh. Hoàn thiện quy trình và các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường đối thoại doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị hợp lý của các nhà đầu tư.
Không chỉ dừng lại ở hành động của các cơ quan công quyền. Lần này, chính quyền Quảng Nam đã mở rộng kênh cung cấp thông tin minh bạch cho báo chí và mở rộng kênh truyền thông chính thống tại địa phương, chuyển tải hết những khó khăn, nêu gương điển hình, phản ánh những đơn vị, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp và tất cả nội dung liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên địa bàn. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế VCCI cho rằng thay đổi về nhân lực, hạ tầng rất quan trọng trong đầu tư, nhưng sẽ mất thời gian và mất nhiều nguồn lực. Còn cải cách hành chính thì có thể làm được ngay, không tốn nhiều nguồn lực, nhưng mang lại hiệu ứng cao. Chuyển tải tư tưởng cải cách một cách thông suốt từ lãnh đạo đến các cấp là bước chuyển quan trọng, tác động trực tiếp đến đánh giá của doanh nghiệp qua PCI và hình ảnh Quảng Nam. Tư duy mới mẻ này đã mang đến cái nhìn thiện cảm từ doanh nghiệp. “Một cửa liên thông”, “đối thoại doanh nghiệp”, “cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp” vẫn tiếp tục duy trì, còn “cà phê doanh nhân” hay Trung tâm Hành chính công chỉ mới khởi động. Tất cả điều này phải đợi đến khi công bố chỉ số PCI năm 2016 (tăng hay giảm) thì mới có thể khẳng định những sáng kiến, cam kết của Quảng Nam đã lan tỏa, “bắt rễ” trong hiện thực hay không?
TRỊNH DŨNG