Quảng Nam: Uống cà phê bàn chuyện du lịch
Lo ngại Cù Lao Chàm sẽ biến mất trên bản đồ du lịch hay xứ Cẩm Thanh (Hội An) không còn độ hấp dẫn sau vài ba năm nữa với kiểu làm kinh tế du lịch “cuốn theo chiều gió” như hiện tại... là những vấn đề được luận bàn trong buổi cà phê doanh nhân du lịch, lữ hành vừa tổ chức tại Hội An.
Áp lực từ du lịch bát nháo
Tiếng nói, cười vui tai vang lên giữa căn phòng ấm áp trên tầng 2 khách sạn Sense (59 Lý Thường Kiệt, Hội An) trong buổi sáng ngày 3.3. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh bắt đầu câu chuyện với 11 doanh nhân du lịch, lữ hành về nỗi trăn trở, ưu tư tại sao có đủ tài nguyên lẫn tiềm lực kinh tế nhưng du lịch Quảng Nam vẫn chưa thể phát triển tương xứng với tầm vóc vùng đất nhiều di sản. Ông Thanh muốn biết các doanh nhân nghĩ gì và làm như thế nào để chọn một con đường đúng đắn cho du lịch Quảng Nam. Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty Du lịch dịch vụ Hoa Hồng cho rằng quy mô lớn hay không không quan trọng mà là sự hiệu quả. Lữ hành Quảng Nam thua ngay trên sân nhà là bởi thiếu sự kết nối. Mỗi doanh nghiệp một mình một ngựa, không thể tạo ra chuỗi sản phẩm và sử dụng sản phẩm của nhau. Đó là chưa thể có một giá tốt để thu hút dòng khách, không chỉ từ nơi khác đến mà cả khách địa phương.
Một doanh nghiệp đang khai thác du lịch Cù Lao Chàm nói, hiện tại du lịch Cù Lao Chàm rất xô bồ. Khách đến cù lao, nghĩ rằng thiên nhiên ở đó sẽ thật hoang dã với gió, nước, rừng cây, nhưng chỉ thấy bê tông và nắng đến điên người. Họ thất vọng với những homestay không ra hồn. Có thể nghĩ du lịch cù lao hướng đến là du lịch cộng đồng, nhưng người dân lại không thể tạo ra một bữa ăn như mong muốn và khách thì đông nghịt người. Không thể vì du lịch cộng đồng mà quên đi sự chuyên nghiệp khi đón khách đến đảo. Mạnh ai nấy làm, thiếu sự kết nối là thực trạng đáng cảnh báo. Vị doanh nhân này đề nghị nên khống chế mỗi ngày không quá 3.000 khách đến đảo và mỗi tàu chỉ 1 lượt vào ra là đủ. Hơn hết là chính quyền cần giúp dân tạo ra một sản phẩm tốt. Nếu không bảo đảm chất lượng thì bỏ. Ông Phạm Vũ Dũng một lần nữa nói hãy trả lại biển cho nghỉ dưỡng, sinh thái. Không thể chịu được cảnh người ta dựng một nhà vệ sinh ngay bãi biển. Hàng lưu niệm thì không biết bán cái gì. Toàn hàng hóa mua từ nơi khác về. Giá cả thì trên trời. Ngay 3 con cua đá giá đã quá 1 triệu đồng. Làm du lịch kiểu này là bóp chết cù lao.
Không chỉ lo ngại về Cù Lao Chàm, du lịch sinh thái vùng Cẩm Thanh cũng được cho là đáng báo động. Doanh nhân Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Jack Trần tours, chỉ 3 năm nữa thì du lịch Cẩm Thanh sẽ chết. Không thể hiểu được vì sao có một loại hình du lịch kinh khủng như kiểu đưa khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu kèm theo tiếng nhạc kích động thông qua các thiết bị âm thanh điện tử inh tai, nhức óc gắn trên các thúng chai. Ông Khoa nói buồn và bất lực khi không ai kiểm soát hiện tượng này. Không ít doanh nhân nêu lên sự quá tải của phố cổ, nhất là nạn kẹt xe, thiếu chỗ giữ xe lẫn sự bát nháo về giá cả, chất lượng tour và thiếu cả những cảng du lịch thực sự… để tạo nên bộ mặt hấp dẫn của du lịch Hội An và Quảng Nam.
Cùng nhau tháo gỡ khó khăn
Không khí cữ cà phê sáng trở nên trầm lắng hơn khi những người tham dự đều có chung nỗi lo lắng cho sự “tụt hậu” của du lịch Quảng Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng cũng chính vì sự thiếu gắn kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và thực sự doanh nghiệp lữ hành hai đầu quá mạnh đã khiến những món lợi lớn đã bị tước đoạt, chỉ còn lại những “miếng ăn” nhỏ lẻ dành cho doanh nghiệp tỉnh nhà. Ngay như chuyện kết nối du lịch đông tây, bắc nam đã từng được mở, nhưng sự manh mún, nhỏ lẻ nên đã không thể hút khách được. Vì vậy, cần nhanh chóng thành lập một chi hội lữ hành, cộng sinh để cạnh tranh với thị trường ngày càng lớn mạnh. Không thể cứ để mỗi doanh nghiệp tự mình khai phá. Ông Thanh kêu gọi doanh nghiệp hiến kế nếu xây dựng sản phẩm mới thì Nhà nước sẽ hỗ trợ cái gì và doanh nghiệp kết nối ra sao? Nhà nước không đủ nguồn lực để bỏ ra nhiều kinh phí. Ngay như việc trồng lại cây xanh cho cù lao, Nhà nước sẽ đưa giống về, còn doanh nghiệp chăm sóc có được không? Vấn đề này có xã hội hóa được không? Doanh nghiệp phải có trách nhiệm gì trong chuyện này chứ không nên nghĩ đến chuyện khai thác không thôi.
Cùng chung nỗi lo lắng với doanh nghiệp, ông Thanh nói khi điện được kéo về cù lao thì sau sự vui mừng là nỗi lo. Không biết lượng khách đổ về ngày càng đông, có đủ sức để giữ lại sự hoang sơ cho đảo? Ông lo sợ với đà phát triển nóng như hiện tại, chỉ khoảng 2 hay 3 năm nữa Cù Lao Chàm có nguy cơ biến mất trên bản đồ du lịch. Chắc chắn sẽ có một hội thảo chuyên đề về du lịch Cù Lao Chàm. Ngay cả việc thành lập một cảng du lịch cũng đã được tính đến… Ông Thanh nói rất muốn doanh nghiệp mạnh dạn kiến nghị, đề xuất, kể cả chỉ ra cái sai của chính quyền, cơ quan quản lý. Tất cả điều này sẽ được ghi nhận một cách xác đáng. Chính quyền sẽ thụ lý, sớm thực hiện các yêu cầu hay hiến kế của doanh nghiệp để tạo ra môi trường đầu tư tốt. Cả chính quyền, cơ quan quản lý cùng ngồi lại với nhau để tháo gỡ khó khăn, đưa ra những quy hoạch tốt nhất cho sự phát triển của Quảng Nam.
Cuộc cà phê chỉ gần tiếng đồng hồ và không có những ý kiến kết luận, không phải để giải quyết cụ thể từng kiến nghị hay đề xuất của doanh nghiệp mà chính quyền ghi nhận. Các cơ quan quản lý sẽ tổng hợp ý kiến và chính quyền sẽ dựa trên những kiến nghị này để quy hoạch lại không gian du lịch, hay thay đổi, ban hành các chính sách thích hợp, tạo điều kiện có lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Theo TRỊNH DŨNG