The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ngãi: DN phát triển, tỉnh thành công

Những nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường thu hút đầu tư đang được thể hiện rõ qua những chính sách và hành động cụ thể của địa phương - đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Thạnh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư với DĐDN.

- Để tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, thời gian qua, Quảng Ngãi đã đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư thế nào, thưa ông?

Nhằm hệ thống hóa các quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 29/7/2016. Văn bản này đã quy định rõ những chính sách ưu đãi, mức ưu đãi cụ thể của tỉnh về giá cho thuê đất, hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của dự án, xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ chi phí thông báo thành lập DN và quảng bá sản phẩm… Ngoài những chính sách chung mà DN được hưởng khi đầu tư tại bất cứ địa phương nào, tỉnh Quảng Ngãi còn dành những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, những dự án khuyến khích xã hội hóa. Những dự án khuyến khích xã hội hóa, mức hỗ trợ chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng phải nộp của DN đầu tư vào địa bàn thành phố Quảng Ngãi và thị trấn các huyện đồng bằng lên tới 50%; đầu tư vào địa bàn thị trấn các huyện miền núi và các xã thuộc huyện đồng bằng, thành phố được hỗ trợ tới 70% và đầu tư vào địa bàn các xã thuộc huyện miền núi và huyện Lý Sơn được hỗ trợ tới 90%.

 Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 7.000 DN, trong đó có 3% DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. (Ảnh: Lãnh đạo tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát)

Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 7.000 DN, trong đó có 3% DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. (Ảnh: Lãnh đạo tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát)

Với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mức hỗ trợ có thể lên tới 70% tổng mức đầu tư cho các dự án cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chăn nuôi gia súc, sản xuất rau an toàn, sản xuất cây dược liệu....

- Cùng với thu hút đầu tư, việc giữ chân các DN sản xuất kinh doanh lâu dài tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng là một vấn đề được nhiều tỉnh đặt ra. Vậy Quảng Ngãi đã và đang đưa ra các giải pháp gì để DN gắn bó lâu dài với địa phương?

Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 7.000 DN, trong đó có 3% DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Theo đó, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, logistics... Đặc biệt, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện hiệu quả một số chính sách phát triển thủy sản, chính sách hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn giai đoạn 2015-2020.

"Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 7.000 DN, trong đó có 3% DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Đặc biệt, Quảng Ngãi cũng có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng và thông tin liên quan để phát triển DN, hỗ trợ và xúc tiến mở rộng thị trường cho DN, đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực thuận lợi hơn. Tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng trọng điểm hỗ trợ DN. Các sở, ban ngành, địa phương tổ chức bộ phận đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn các DN, nhà đầu tư triển khai dự án sau khi có Quyết định chủ trương đầu tư để nhà đầu tư. Đồng thời hỗ trợ DN nắm được trình tự thủ tục đầu tư dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật...

Tỉnh cũng đang đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải tập trung; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng chậm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

- Nhưng so với năm 2015, Chỉ số PCI năm 2016 của Quảng Ngãi vẫn giảm 11 bậc, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Theo kết quả công bố PCI năm 2016 của VCCI, PCI của tỉnh Quảng Ngãi xếp thứ 26/63 tỉnh thành được xếp vào nhóm đạt thứ hạng Khá. Tuy nhiên, qua tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kết quả PCI năm 2016 và những năm trước cho thấy chỉ số PCI của Quảng Ngãi chưa ổn định, luôn có sự tăng, giảm qua các năm. Nhóm chỉ số liên tục tăng điểm là cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh; Nhóm chỉ số tăng điểm, giảm điểm không ổn định là các chỉ số gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động.

Kết quả này, theo tôi, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, nhiều tỉnh, thành khác đã có sự cải thiện mạnh mẽ, bứt phá nhanh hơn về các chỉ số thành phần, dẫn đến tổng điểm và thứ hạng của các tỉnh, thành đó tăng cao. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Ngãi cùng với hệ thống giao thông kết nối chưa được đồng bộ, thuận lợi nên chưa thật sự hấp dẫn và tạo sự hài lòng của nhà đầu tư. Hơn nữa, khoảng 97% DN trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ nên mức độ tiếp cận, am hiểu pháp luật để thực hiện các thủ tục hành chính và chấp hành pháp luật còn hạn chế.

Về nguyên nhân chủ quan, nhiều sở, ban ngành và địa phương của tỉnh chưa quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, dẫn đến việc nhà đầu tư, DN còn gặp vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đầu tư, kinh doanh tại địa phương.

- Thưa ông, Quảng Ngãi có giải pháp gì để tiếp tục nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh?

Năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư, hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư DN khi đến đầu tư, kinh doanh tại địa phương, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong số đó, có những giải pháp quan trọng nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19, Nghị quyết số 35 của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các cam kết giữa tỉnh Quảng Ngãi với VCCI về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN; nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của DN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu từng sở, ban ngành, địa phương phải công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên website của đơn vị, sớm ban hành quy trình, hồ sơ liên quan đến đất đai để DN, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai. UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại với DN định kỳ 6 tháng/lần để lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN. Đồng thời trung tâm chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và một số dịch vụ ở mức độ 4, đồng thời sớm triển khai hoạt động của Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh, góp phần giải quyết hồ sơ một cửa nhanh chóng, thuận tiện.

Hiện nay, các cơ quan đang nghiên cứu, xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương trình UBND tỉnh ban hành để triển khai từ năm 2018.

- Xin cảm ơn ông!