The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ngãi: Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Đâu là biện pháp hiệu quả?

Thời gian qua, mặc dù lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số PCI). Song kết quả mang lại vẫn chưa như mong đợi, năm 2016 chỉ số PCI của tỉnh giảm 1 điểm và 11 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2015, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành.

Vòng luẩn quẩn…

Qua tổng hợp, nghiên cứu, phân tích đánh giá kết quả PCI năm 2016 và những năm trước cho thấy, chỉ số PCI của Quảng Ngãi thiếu ổn định, luôn có sự tăng giảm qua các năm: Năm 2014 xếp hạng khá (đứng thứ 20/63), năm 2015 tăng 5 bậc (đứng thứ 15/63), nhưng năm 2016 lại giảm 11 bậc và tiếp tục ở nhóm xếp hạng khá (đứng thứ 26/63).

Phân tích bảng điểm và vị trí các chỉ số thành phần PCI năm 2016 của tỉnh cho thấy có 4 chỉ số tăng điểm và tăng bậc gồm: Cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,63 điểm, tăng 13 bậc); gia nhập thị trường (tăng 0,54, tăng 17 bậc); đào tạo lao động (tăng 0,47 điểm, tăng 5 bậc); tính minh bạch (tăng 0,13 điểm, tăng 3 bậc). Một chỉ số tăng điểm, nhưng giảm bậc là tính năng động của chính quyền tỉnh (tăng 0,07 điểm, giảm 3 bậc).

Ở chiều ngược lại, có 5 chỉ số giảm điểm và giảm bậc, trong đó đáng chú ý là có 4 chỉ số xếp hạng dưới trung bình so với các tỉnh thành: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 29 bậc, từ vị thứ 13 xuống 42); chi phí thời gian (giảm 14 bậc, từ 21 xuống 35); tiếp cận đất đai (giảm 6 bậc, từ 44 xuống 50) và chi phí không chính thức (giảm 11 bậc, từ 37 xuống 48). Ngoài ra, chỉ số thiết chế pháp lý cũng giảm 21 bậc, từ vị thứ 3 xuống 24.

Thực trạng trên cho thấy, chỉ số PCI của Quảng Ngãi những năm gần đây như nằm trong một vòng luẩn quẩn, với sự tăng– giảm thất thường, thiếu tính ổn định và liên quan đến hàng loạt các vấn đề thuộc trách nhiệm của các sở, ban ngành và chính quyền các địa phương.

Nguyên nhân do đâu?

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, việc nâng cao chỉ số PCI đã khó, nhưng để duy trì bền vững điểm số, cũng như vị thế chỉ số PCI ở mức cao lại càng khó hơn. Bởi đây là một cuộc cạnh tranh hết sức quyết liệt của các tỉnh, thành phố trong giai đoạn tăng tốc thu hút đầu tư hiện nay.

Chẳng hạn, với chỉ số tiếp cận đất đai của Quảng Ngãi luôn nằm ở vị thứ dưới trung bình cả nước và theo chiều hướng sụt giảm mạnh: Năm 2014 đứng vị thứ 35, đến 2015 xuống vị thứ 44 và năm 2016 xuống vị thứ 50. Điều đó cũng có nghĩa rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận với đất đai vẫn còn hết sức khó khăn, bởi liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tính công khai minh bạch, cũng như các thủ tục, các chi phí ngầm về đất đai quá lớn. DN còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư cho phù hợp với quy hoạch.

Công tác quản lý đất đai tại một số địa phương còn hạn chế, dẫn đến xung đột lợi ích, tranh chấp giữa người dân và DN… Còn đối với chi phí không chính thức, Quảng Ngãi đứng thứ 48/63 tỉnh, thành. Tỉnh chưa có cơ quan đầu mối tiếp nhận “một cửa” về thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của DN, giúp DN giảm đi lại nhiều lần, tiếp xúc với nhiều sở, ban ngành, địa phương làm phát sinh nhiều khoản chi phí không cần thiết. Việc giải quyết hồ sơ của DN vẫn còn tình trạng kéo dài thời gian xử lý, cố tình gây khó khăn cho DN… Và nếu cứ để tình trạng này gia tăng, khiến người dân, DN phàn nàn, thì Quảng Ngãi không thể tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi được.

Giải pháp nào để nâng cao chỉ số PCI?

Năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi xác định “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp”, qua đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tạo điều kiện khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mới đây, Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Trọng đã đề xuất 16 nhiệm vụ và giải pháp nâng cao PCI trong thời gian đến.

Theo đó, Quảng Ngãi cần sớm thành lập và triển khai hoạt động có hiệu quả Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh, góp phần giải quyết hồ sơ một cửa nhanh chóng, thuận tiện cho nhà đầu tư, DN. Bên cạnh đó, người đứng đầu các cấp, ngành và địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để tạo chuyển biến căn bản về tư duy, nhận thức và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức phải có thái độ cư xử tốt, tạo thiện cảm cho DN và công dân.

Tổ chức đối thoại với DN định kỳ 6 tháng/lần để tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN và tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và DN. Các hiệp hội DN nâng cao vai trò cầu nối, nắm bắt, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của DN đến lãnh đạo tỉnh, phát huy hiệu quả vai trò tham gia xây dựng, phản biện chính sách, quy định của tỉnh. Ngoài ra, cần hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng và thông tin liên quan để phát triển DN; hỗ trợ và xúc tiến mở rộng thị trường cho DN; đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết kinh tế, liên kết ngành, tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực thuận lợi hơn…

Phạm Danh

VFpress