The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ngãi: Phân tích, đánh giá kết quả PCI năm 2014 và giải pháp cho những năm tiếp theo

Ngày 28/9, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 và giải pháp cho những năm tiếp theo. Tham dự có ông Nguyễn Tiến Quang, PGĐ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Đà Nẵng; ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi... Theo kết quả công bố PCI năm 2014 ngày 16/4/2015 của VCCI, PCI của Quảng Ngãi xếp thứ hạng 20/63 tỉnh, thành, với tổng số điểm đạt được 58,3 điểm, giảm 7,7 điểm và giảm 13 bậc trên bản xếp hạng so với năm 2013, tụt xuống nhóm xếp hạng thứ khá. Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Ngãi, những hạn chế, tồn tại trong việc nâng cao PCI của tỉnh này là do việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, khai thác và công khai các loại thủ tục hành chính cũng như sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa nhịp nhàng. Chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các dịch vụ tư vấn pháp lý, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, dịch vụ vận tải – logitics, dịch vụ liên quan đến khoa học - công nghệ... chưa đầy đủ, đồng bộ. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; lãi suất tín dụng tuy có giảm, nhưng tiếp cận vốn còn khó khăn... Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận: "Thực tế cho thấy, PCI của Quảng Ngãi chưa bền vững, có sự tăng giảm qua các năm; đồng thời, kết quả này cũng phản ảnh sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ của chính quyền tỉnh và quyết tâm phát triển của doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương chưa thật sự gắn kết, cũng như môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, chưa thực sự tốt". Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các tham luận của Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Sở Tư pháp, Ban Quản lý KKT Dung Quất, UBND huyện Đức Phổ, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đánh giá giá kết quả PCI năm 2014 và trình bày những khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp cho thời gian đến. Theo bà Nguyễn Ngọc Lan, chuyên gia PCI, Điều phối viên Dự án PCI, lĩnh vực Quảng Ngãi cần cải cách là thuế, tài nguyên môi trường (đất đai), đăng ký doanh nghiệp, thanh toán qua kho bạc và xây dựng; nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc của cán bộ, công chức; quan tâm hơn tới lĩnh vực kinh tế tư nhân... Trong năm 2015 và những năm tiếp theo, để PCI của Quảng Ngãi vươn lên nhóm xếp hạng tốt, điểm số và thứ bậc các chỉ số thành phần năm sau cao hơn năm cao hơn năm trước, đòi hỏi sự quyết tâm hơn nữa của các cơ quan trong hệ thống chính trị và đội ngũ công chức của tỉnh. Việc cải thiện, nâng cao PCI có vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội là một quá trình lâu dài, cần có những hệ thống cơ chế, chính sách và chương trình hành động đồng bộ, hiệu quả; đồng thời phải kiên trì, quyết liệt thực hiện trong thời gian dài, đòi hỏi có sự phối hợp toàn diện của các cấp, ngành trong toàn tỉnh. Trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tập trung chỉ đạo hỗ trợ và tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực đất đai; đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm ở cấp huyện để làm căn cứ cho việc giao đất, cho thuê đất; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lao động, đảm bảo chất lượng lao động gắn với nhu cầu thị trường, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp,...

Hải Vân

Theo báo kinh tế nông thôn ngày 28/09/2015