The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ninh: Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương

Lâu nay, chúng ta vẫn chỉ nghe nói đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (có tên viết tắt trong tiếng Anh là PCI) được công bố hàng năm do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức đánh giá. Bắt đầu khởi xướng từ năm 2005 từ một dự án hợp tác giữa VCCI với Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (là dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ) đến nay, chỉ số PCI thực sự trở thành một trong những thước đo về sự phát triển của mỗi tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Song, tại Quảng Ninh, bắt đầu từ năm 2015, sẽ có đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương. Điều này đã được khẳng định bằng kế hoạch số 5267/KH-UBND, ngày 7-9-2015 do UBND tỉnh ban hành. Theo đó, bộ công cụ đánh giá năng lực điều hành cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các sở, ban, ngành sẽ được xây dựng trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Mục đích của tỉnh khi đưa ra kế hoạch này nhằm tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành của các địa phương, các sở, ban, ngành từ đó tạo động lực cải cách hành chính quyết liệt, đồng bộ. Không chỉ vậy, đây còn là một kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và năng lực điều hành của các sở, ban, ngành. Từ những ý nghĩa trên, thì Quảng Ninh còn xác định đây là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở những năm tiếp theo.

Cụ thể, ở giai đoạn 1 (trong năm 2015) sẽ tiến hành khảo sát thí điểm đối với 6 địa phương có nhiều dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Đông Triều, Quảng Yên) và 7 sở, ngành (Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Sở Giao thông và Vận tải, Cục Thuế tỉnh, Hải quan tỉnh) có gắn kết nhiều hoặc trực tiếp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Nội dung khảo sát, điều tra lấy ý kiến được xây dựng với các chỉ số thành phần tương tự bộ chỉ số PCI nhưng tập trung vào các chỉ số thành phần tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chỉ số thứ hạng chưa cao, cần cải thiện quyết liệt. Trong Kế hoạch 5267 nêu rõ: Các chỉ số có thể quy điểm tương đồng để đánh giá giữa các cơ quan gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của lãnh đạo; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý. Để thực hiện, các đơn vị chủ trì sẽ tiến hành bằng nhiều phương pháp, bao gồm: Khảo sát trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Phục vụ hành chính công ở các địa phương; khảo sát qua đường bưu điện tới các doanh nghiệp, tổ chức; khảo sát trực tiếp thông qua gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; khảo sát trực tuyến trên các trang thông tin điện tử của Hiệp hội Doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư.

Trên cơ sở kết quả của giai đoạn 1, dự kiến từ đầu năm 2016 đến 2018 sẽ triển khai giai đoạn 2 với mức áp dụng tiến hành khảo sát thường niên và mở rộng dần các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Theo đó, đơn vị được giao chủ trì là Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư.

Bộ chỉ số nói trên có tên gọi viết tắt của tiếng Anh là DDCI.

Ngọc Lê

Theo báo Quảng Ninh ngày 16/09/2015