The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ninh: Điểm sáng mới về môi trường kinh doanh

Là địa phương đứng thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đánh giá, tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp tích cực để dòng vốn của doanh nghiệp liên tục chảy về với tỉnh.

Cách đây 9 năm, Quảng Ninh đứng thứ 27 trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Đến năm 2013, 2014, tỉnh đã bứt phá ngoạn mục vươn lên xếp thứ 4, thứ 5 và vươn lên giành vị trí thứ 3 trong năm 2015. Để PCI tiếp tục đi vào thực chất, cải thiện, nâng cao chất lượng các chỉ số, xứng đáng với sự vinh danh của doanh nghiệp, từ đầu năm 2016, Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Năm 2016, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh hết sức quyết liệt và tiếp tục có nhiều đổi mới, linh hoạt. Đặc biệt, tỉnh đã bám sát Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, coi đây là chìa khóa để tạo sức hút dòng vốn đầu tư vào tỉnh.

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, năm 2016, tỉnh Quảng Ninh tổ chức khảo sát và thực hiện bộ chỉ số DDCI, với đối tượng khảo sát mở rộng tới 14 huyện, thị xã, thành phố và 15 sở, ngành trên toàn tỉnh. Bộ chỉ số DDCI năm 2016 bổ sung tiêu chí đánh giá trách nhiệm, xếp hạng của người đứng đầu từng địa phương, sở, ngành. Đây là hành động quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng môi trường kinh doanh tốt nhất bằng việc trao cho cộng đồng doanh nghiệp những công cụ hữu dụng để cải thiện chính hoạt động của bộ máy công quyền, tạo ra một hệ thống hành chính công phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

Với những hành động quyết liệt và thực chất, tỉnh Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong cải cách hành chính như: thời gian đăng ký doanh nghiệp giảm từ 3 ngày theo Luật Doanh nghiệp xuống còn 2 ngày; giảm 50-60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh; thời gian thông quan hàng hoá trung bình đối với hàng xuất khẩu là 21 giờ 34 phút 21 giây, trung bình đối với hàng nhập khẩu là 39 giờ 45 phút 13 giây; thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 45 ngày; các chỉ tiêu hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 99%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 95%.

Đến thời điểm hiện tại, có 1.193 thủ tục hành chính (chiếm 100%) được công khai tại trung tâm hành chính công các cấp; toàn tỉnh có 1.085 thủ tục được đăng ký trực tuyến, đã cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không quá một lần/năm/doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp một cách tích cực nhất thông qua một cơ chế tương tác hiệu quả giữa lãnh đạo địa phương với cộng đồng doanh nghiệp, nhiều mô hình tương tác đã được triển khai trong thực tế như việc tiếp xúc thường kỳ của UBND tỉnh; các sở, ngành, địa phương đã chủ động tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, giải quyết các khó khăn ngay từ cơ sở và cả những cuộc đối thoại không gian mở giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp qua những cuộc tiếp xúc theo mô hình “Cafe Doanh nhân”.

Những đổi mới triệt để và hành động mang tính thực tế cao của tỉnh Quảng Ninh đã thực tạo thiện cảm với doanh nghiệp và Quảng Ninh đã gặt hái được kết quả tích cực trong việc phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn như Sun Group, Vingroup, My Way đã chọn Quảng Ninh để thự hiện nhiều dự án lớn, góp phần tạo ra một diện mạo mới với nhiều khởi sắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Công Thành

Báo Pháp Luật