The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ninh: “Đo” chất lượng điều hành qua DDCI

Ngày 23/1/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Quảng Ninh năm 2016.

Kết quả, Cục thuế dẫn đầu xếp hạng chỉ số DDCI khối sở, ban, ngành năm 2016; huyện Cô Tô dẫn đầu xếp hạng chỉ số DDCI khối chính quyền địa phương năm 2016.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Ninh công bố DDCI và là một trong những sáng kiến đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Mô hình phát triển sáng tạo

Phát biểu tại Hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ. Nhưng để rút ngắn khoảng cách giữa Nghị quyết và cuộc sống, chỉ có thể bằng mô hình cụ thể và công nghệ. Quảng Ninh đã trở thành điển hình trong việc xây dựng các mô hình phát triển để các địa phương học tập. Đó là: Thực hiện quy hoạch tổng thể, thể hiện tầm nhìn chiến lược dựa vào tư duy của doanh nghiệp – tư vấn quốc tế; Đề xuất mô hình đặc khu hành chính kinh tế; Thí điểm nhất thể hoá, xây dựng chính quyền hiện đại tích hợp quản lý với điều hành; Thành lập trung tâm IPA hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư; Triển khai mô hình đầu tư tư, sử dụng công, theo hình thức chính quyền và người dân cùng làm. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa ra sáng kiến mới xây dựng chỉ số DDCI theo cách thức chuyên nghiệp và bài bản nhất. Đây là một thành công lớn của tỉnh và là thực tiễn tốt để các địa phương khác có thể học hỏi, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Phải chuyển được lửa cải cách xuống địa phương, áp lực cải cách xuống cơ sở. Để làm được điều đó cần có công nghệ, mô hình lượng hoá và Quảng Ninh đã trao cho người dân, doanh nghiệp quyền đánh giá chính quyền, cơ quan quản lý thông qua DDCI. Trong thời gian tới Quảng Ninh cần tiếp tục đưa áp lực cải cách về cấp chính quyền xã, phường và tới từng cán bộ công chức. Để nỗ lực cải cách thể hiện qua hành vi từng cán bộ công chức.”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Với tinh thần hằng năm phải mới hơn, mỗi năm có một đột phá, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, trong năm 2017 và những năm tiếp theo, VCCI sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Ninh xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư bài bản chuyên nghiệp, hiện đại.

Đo chất lượng điều hành

Năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã thí điểm chọn 6 thành phố, thị xã có nhiều dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp và 7 sở, ngành có gắn kết mật thiết hoặc trực tiếp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để tính điểm xếp hạng.

Đối tượng được khảo sát bao gồm khoảng 1.400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trên các lĩnh vực ngành nghề: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Nội dung khảo sát tập trung vào thu thập ý kiến của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành của các sở, ngành và địa phương của Quảng Ninh về 7 nội dung cơ bản liên quan tới môi trường kinh doanh: Tiếp cận thông tin; Tính năng động; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp và Thiết chế pháp lý.

Kết quả khảo sát DDCI năm 2015 của tỉnh đã ghi nhận những phản ánh, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về những nỗ lực cải cách của các sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, kết quả khảo sát thí điểm cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất kỳ vọng vào những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của Quảng Ninh trong thời gian tới.

Chính vì vậy bộ chỉ số DDCI của tỉnh 2016 đã được nghiên cứu, xây dựng với những tiêu chí mới so với bộ chỉ số thí điểm năm 2015. Đối tượng khảo sát năm nay gồm 29 cơ quan (tăng 16 cơ quan so với năm 2015, gồm: 14 huyện, thị xã và thành phố trên toàn tỉnh; 15 sở, ngành có nhiều giao dịch với tổ chức kinh tế); đối tượng lấy ý kiến đánh giá là trên 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể (tăng hơn 200% so với 2015).

Trong bộ phiếu đánh giá DDCI mới, tỉnh đã bổ sung tiêu chí đánh giá Trách nhiệm, xếp hạng của người đứng đầu từng địa phương và các sở, ngành. Đây cũng được xem là bước đột phá, mạnh dạn và quyết liệt trong triển khai DDCI năm 2016. Đặc biệt, tỉnh đã lựa chọn một cơ quan tư vấn độc lập có kinh nghiệm trong điều tra PCI, thống kê và điều tra xã hội học với các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.

Đồng thời, tỉnh cũng thành lập Tổ giúp việc triển khai kế hoạch khảo sát, điều tra đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương đặt tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA), gồm 3 thành phần: Đơn vị tư vấn, IPA và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm đảm bảo tính khách quan.

Theo ông Nguyễn Đức Nhật, Tư vấn trưởng Tổ công tác DDCI: “Bộ chỉ số DDCI sẽ góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng điều hành về kinh tế của các cơ quan công quyền thuộc tỉnh, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. DDCI sẽ là thước đo về năng lực cạnh tranh của từng đơn vị, hiệu quả điều hành kinh tế và trách nhiệm của người đứng đầu khi giải quyết các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp. Kết quả khảo sát DDCI là phản ánh đúng thực trạng chất lượng công tác điều hành của các sở, ngành, địa phương qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. DDCI không chỉ là thước đo chất lượng điều hành mà còn làm cơ sở cho UBND tỉnh xác định các biện pháp phù hợp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đáp ứng kỳ vọng của DN

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc PCI Việt Nam cho rằng, DDCI thứ nhất là thông điệp về lắng nghe của chính quyền để hiểu, chia sẻ và hành động, chuyển đổi. Vì vậy phải thực chất và khách quan và cách làm của Quảng Ninh là độc lập, tôn trọng số liệu của chuyên gia độc lập. Thứ hai là thông điệp hành động của bộ máy, của từng cán bộ công chức. Thứ ba là thông điệp về tính năng động sáng tạo, mỗi lãnh đạo sở ngành phải năng động sáng tạo hơn. Thứ tư đó là thông điệp về xúc tiến đầu tư, làm hài lòng các nhà đầu tư.

DDCI rất quan trọng đối với thứ hạng PCI của Quảng Ninh trong thời gian tới. Nếu DDCI cải thiện thực chất thì PCI sẽ được tăng lên. Để làm được điều đó, chính quyền địa phương cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính. Sở, ngành cần quan tâm hơn tới đối thoại doanh nghiệp. Chú trọng hơn đến các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Có cơ chế phản hồi và xử lý dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông.”- ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, kết quả khảo sát DDCI 2016 cho thấy sự chuyển động rất tích cực của cả bộ máy chính quyền các cấp khi khoảng cách điểm số giữa đơn vị đứng đầu và cuối không quá cách xa nhau. Ở một số sở, ngành, địa phương năm nay đã ghi nhận những phản ánh, đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về những nỗ lực cải cách của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh các tín hiệu đáng mừng, cuộc khảo sát cũng ghi nhận thực tế cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất kỳ vọng vào những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của các sở, ngành và địa phương của Quảng Ninh trong thời gian tới.

Với tinh thần cầu thị mong muốn cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng đi vào thực chất và chiều sâu, hướng tới sự phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến chia sẻ từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI các chuyên gia của Chương trình Dự án PCI quốc gia. Các doanh nghiệp tiếp tục có nhiều ý kiến trách nhiệm, khách quan để nhận định, tham vấn cho Quảng Ninh có thêm nhiều giải pháp hiệu quả, các sáng kiến mới nhằm hỗ trợ tối ưu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, góp phần tạo dựng hình ảnh Quảng Ninh gắn với thương hiệu môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong năm 2017 và những năm tiếp theo.“, ông Nguyễn Đức Long cho biết.

Phan Nam- Lê Trang

Enternews