The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ninh: Đồng hành cùng doanh nghiệp để lợi ích được song hành và lan toả

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Như ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính tại hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp: Đồng hành phải bằng cả hệ thống chính trị cùng vận hành. Chính quyền phải tôn trọng, bình đẳng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp; phải thực sự vì doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kiến tạo môi trường đầu tư tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động.

Với phương châm này, Quảng Ninh đã triển khai đồng loạt các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức các buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Liên minh HTX-DNNQD để giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Điểm nhấn là các chương trình Hội nghị gặp gỡ, đối thoại chuyên đề tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất...; toạ đàm Khoa học và Công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp; gặp gỡ, trao đổi công tác, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI... Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động trong nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo thành lập nhiều đoàn công tác đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp theo từng ngành, từng lĩnh vực, qua đó đã giải quyết 284 nội dung đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp...

Sự quyết liệt của tỉnh trong công tác "Đồng hành cùng doanh nghiệp" đã được cả hệ thống chính trị cùng hưởng ứng và thu được một số kết quả cụ thể. Đầu tiên là việc tháo gỡ trong việc tiếp cận nguồn vốn, lãi suất. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp, Liên minh HTX-DNNQD và Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu vay vốn và những khó khăn vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với 2.150 doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động tiếp cận với tổ chức, cá nhân có khó khăn trong vay vốn; chủ trì tổ chức 6 Hội nghị kết nối Ngân hàng - Nhà nông, Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và Lễ ký kết hỗ trợ vốn vay đồng hành cùng doanh nghiệp, ký kết hợp đồng tín dụng với tổng giá trị 2.802 tỷ đồng... Dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh năm qua đạt 55.800 tỷ đồng, tăng 7,65% so năm 2013, chiếm 83,9% tổng dư nợ.

Trong công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính; cán bộ làm việc niềm nở, cởi mở, trên tinh thần dân chủ với doanh nghiệp và người dân...

Doanh nghiệp phát huy hiệu quả

Với sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn của tỉnh và các sở, ban, ngành cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh đã có những khởi sắc. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 trên toàn tỉnh có 849 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 4.759,8 tỷ đồng. Đặc biệt là số doanh nghiệp hoạt động trở lại sau tạm ngừng trước đó là 310 doanh nghiệp, tăng 144% so với năm 2013. Tính đến cuối năm 2014, tổng số doanh nghiệp đăng ký trong tỉnh là 10.348 doanh nghiệp, vốn đăng ký đã tăng lên 118.099 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2013. Riêng 3 tháng đầu năm đã có 202 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.675 tỷ đồng. Doanh thu thuần tăng từ 241.087 tỷ đồng năm 2013 lên 293.202 tỷ đồng năm 2014, lợi nhuận trước thuế của năm 2014 đạt 3.538 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm trước.

Với sự cởi mở, chân tình, trọng thị, cũng như các chính sách ưu đãi của tỉnh, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Quảng Ninh tăng. Riêng quý I năm nay đã thu hút được 21 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký mới điều chỉnh là 11.343 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Theo một số doanh nghiệp FDI như Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên) và Công ty TNHH Bao bì Ánh Dương Việt Nam (KCN Cái Lân) thì: Quảng Ninh có chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh cởi mở, chân thành mời gọi; kịp thời giải quyết những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp nên Công ty đã quyết định đầu tư vào Quảng Ninh.

Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đứng vững trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Thị phần hàng hoá của các doanh nghiệp Quảng Ninh được mở rộng và ngày càng được khẳng định. Đến nay các doanh nghiệp Quảng Ninh đã có quan hệ thương mại với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục. Điển hình như Công ty CP Gốm đất Việt (Đông Triều) không chỉ phát triển thị trường ở khắp các tỉnh thành trong nước mà còn xuất khẩu gạch sang 21 quốc gia trên thế giới. Cũng nhiều doanh nghiệp dù khó khăn nhưng vẫn đưa ra những giải pháp tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực cho ngân sách. Đặc biệt, có những doanh nghiệp tuy quy mô sản xuất vừa và nhỏ nhưng có đóng góp tích cực như: Công ty TNHH MTV Khai thác khoáng sản (96,4 tỷ đồng), Công ty CP Bia và Nước giải khát Đông Mai (72,7 tỷ đồng)... Đóng góp ngân sách tỉnh trong năm 2014 của các khu vực doanh nghiệp so với năm 2013 đều tăng, cụ thể: Khu vực doanh nghiệp nhà nước là 8.271 tỷ đồng, tăng 4,04%, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1.318 tỷ đồng, tăng 9,92% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.222 tỷ đồng, tăng 13,7%.

Kết quả này cho thấy một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm hướng mới trong kinh doanh. Từ những tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh và những nỗ lực của chính các doanh nghiệp đã góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua sóng cả, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn ra hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển hơn nữa, khẳng định bản lĩnh trong quá trình hội nhập thì cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của tỉnh và Nhà nước; bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự đổi mới, tái cơ cấu và tăng cường liên kết phát triển, tạo ra nguồn lực xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp.

Thanh Hằng

Theo báo Quảng Ninh ngày 03/04/2015