The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ninh: Hiệu ứng tích cực từ công bố DDCI 2015

Ngày 4-3 vừa qua, lần đầu tiên Quảng Ninh công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) 2015, với Sở KH&ĐT dẫn đầu khối sở, ngành (77,75 điểm), TP Uông Bí dẫn đầu khối địa phương (91,77 điểm). Việc khảo sát đánh giá và công bố chỉ số DDCI đã được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao. Đây là động lực để mỗi cơ quan quản lý nhà nước khẳng định năng lực điều hành của mình và nỗ lực hơn nữa trong đổi mới, bắt kịp với xu thế phát triển, tạo sức mạnh tổng hợp huy động nguồn lực trong đầu tư.

Khách quan, công bằng

Đánh giá về kết quả DDCI 2015 của Quảng Ninh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI (chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), cho biết: Kết quả nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Bởi thực tế giống như PCI, quy cách, hệ thống tính điểm DDCI theo chuẩn quốc tế và lập trình độc lập, không can thiệp được. Bên cạnh đó, đây là đánh giá trong điều kiện giữ danh tính doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp nói thẳng, nói thật và là đánh giá của số nhiều doanh nghiệp nên càng khó dự đoán… Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh, chia sẻ: Hiệp hội tham gia một khâu quan trọng của DDCI là đơn vị chủ trì việc phát phiếu ra và nhận phiếu về. Trước công bố, không ít người đã suy nghĩ Chủ tịch Hiệp hội là người Đông Triều thì địa phương này ít nhiều có ưu ái. Thế nhưng không phải vậy. Bởi quy trình phát phiếu ra, nhận phiếu vào rất chặt chẽ, ngoài Hiệp hội còn có các đơn vị phối hợp cùng thực hiện, cùng chứng kiến, cùng ký kết văn bản, niêm phong… Kết quả Đông Triều nằm cuối bảng khối địa phương khiến cho ngay chính bản thân ông cũng bất ngờ.

Nói về hai đơn vị dẫn đầu là Sở KH&ĐT, TP Uông Bí, ông Trần Như Long, Phó Ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, cho biết: Hai đơn vị này đứng tốp đầu là hoàn toàn xứng đáng. Đặc biệt đối với TP Uông Bí, có mục tiêu và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp, hiệu quả, hướng tới sự phát triển của chính thành phố chứ không chạy theo điểm số, thứ hạng…

Riêng với TP Cẩm Phả, đạt 64,93 điểm, đứng thứ 4 trong 6 địa phương tranh hạng. Về kết quả này, bên lề lễ công bố, ông Vũ Quyết Tiến, Chủ tịch UBND thành phố, thẳng thắn bày tỏ: “Với kết quả DDCI hôm nay của Cẩm Phả cho thấy chúng tôi phải thực sự nhìn nhận lại mình, để kiên quyết, khẩn trương cải thiện ngay…”.

Động lực đổi mới

Đến thời điểm này vị trí xếp hạng DDCI 2015 đã rõ. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, cũng giống như PCI, kết quả DDCI luôn ở dạng động, bởi vậy trong năm 2016, vị trí của các đơn vị trong bảng xếp hạng có thể thay đổi, “quán quân” có thể mất vị trí của mình, còn các đơn vị phía sau lại luôn có cơ hội thăng hạng. Như đối với Sở KH&ĐT có chỉ số DDCI 2015 tốt nhất khối sở, ngành hoàn toàn có thể mất vị trí đầu khi tiếp tục tái diễn các yếu điểm của năm nay. Đó là, doanh nghiệp đánh giá thấp ở các nội dung website có tỷ lệ cập nhật thông tin thường xuyên (24%, thấp nhất); tính năng động sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới (đạt 30%, thua các đơn vị cuối bảng là Cục Hải quan - 46%); Sở KH&ĐT cơ chế đảm bảo công bằng, minh bạch trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và có trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp khiếu nại hành vi sai trái thấp nhất so với các đơn vị trong khối... Đối với TP Uông Bí, đơn vị đứng tốp đầu khối địa phương cũng có nguy cơ khó duy trì vị trí của mình trong năm 2016 khi chưa khắc phục được những điểm yếu đang có. Đó là việc địa phương này nằm trong nhóm 4 đơn vị mà không có doanh nghiệp nào lấy được thông tin quy định về TTHC thông qua niêm yết, điều này cho thấy rõ ràng kênh hỗ trợ tiếp cận thông tin này không hiệu quả. Uông Bí cũng sẽ mất điểm khi vẫn còn đến 68% số doanh nghiệp đánh giá địa phương này đang dành nhiều cơ chế ưu đãi cho các tổng công ty, tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI hơn nhóm doanh nghiệp tư nhân. Ngược lại, TX Quảng Yên đứng thứ 3 khối địa phương (sau Uông Bí, Móng Cái) lại có cơ hội vượt lên trong năm 2016, nếu phát huy tốt nhất các thế mạnh mình đang có. Đó là, chi phí không chính thức của địa phương này đang ở mức thấp nhất (19%), trong khi Uông Bí, Móng Cái ở mức cao hơn. Quảng Yên cũng đang tạo được ưu thế khi không có doanh nghiệp nào nhận định công việc sẽ không đạt kết quả, nếu như không có chi phí không chính thức, trong khi đó Uông Bí, Móng Cái ở mức 35% và 50%. Ở chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, Quảng Yên cũng ưu thế hơn Uông Bí, Móng Cái khi có đến 90% số doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả các buổi đối thoại doanh nghiệp tại địa phương, đồng thời dẫn đầu khối địa phương về nội dung khiếu nại của doanh nghiệp luôn được giải quyết thoả đáng… Một số đơn vị khác cũng có cơ hội cải thiện vị trí trong năm 2016, như Cục Thuế đang đứng thứ 3 khối sở, ngành có số doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của sở, ngành cao; TX Đông Triều chỉ có 3% số doanh nghiệp phải khiếu nại vượt cấp mới giải quyết được vấn đề (tỷ lệ này ở các địa phương khác cao hơn từ 3-6 lần).

Rõ ràng “sân chơi” DDCI 2015 mới chỉ mang tính khởi động, nằm trong khuôn khổ hẹp với gần 1/2 số địa phương, 1/5 số sở, ngành của tỉnh tham gia tính điểm, thứ hạng đạt được cũng chưa được lấy để làm bất cứ chỉ tiêu thi đua nào, nhưng đã tạo ra hiệu ứng, có tác động. Đây là nền tảng tốt để DDCI 2016 sẽ trở thành một cuộc đua chuyên nghiệp với đầy đủ tính quyết liệt, từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư tỉnh một cách thực sự và mạnh mẽ.

Việt Hoa

Theo báo Quảng Ninh