The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ninh: Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Chủ động, linh hoạt và sáng tạo

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh rất tích cực triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Song song với đó, UBND tỉnh có Kế hoạch số 2614/KH-UBND triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Ninh năm 2016.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và Chủ tịch VCCI ký cam kết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và Chủ tịch VCCI ký cam kết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Thực tế, từ trước khi chưa có Nghị quyết 35 của Chính phủ, Quảng Ninh đã rất tích cực trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh đã kịp thời nắm bắt những vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, nhiều vấn đề như tiếp cận vốn, giải quyết thủ tục hành chính... đã được tháo gỡ. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Đất Việt, ông Nguyễn Quang Mâu chia sẻ: Khi chúng tôi gặp ách tắc về vốn do ngân hàng cho vay vốn đầu tư nhà máy nhưng không cho vay vốn lưu động, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp bố trí cuộc gặp với các ngân hàng để giải quyết. Sau cuộc tiếp xúc, ngân hàng đã đồng ý giãn nợ cho đơn vị. Hiện doanh nghiệp đã hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động; năm 2015 nộp ngân sách nhà nước gần 50 tỷ đồng. Đến nay Công ty có khoảng 450 nhà phân phối, sản phẩm ở 63/63 tỉnh, thành trong nước và 35 quốc gia trên thế giới.

Không chỉ tháo gỡ về vốn, tỉnh còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp được đảm nhận nhiều công trình của tỉnh. Điển hình như Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà đầu tư công trình Liên cơ quan số 4; Công ty CP Tập đoàn đầu tư Quảng Ninh đầu tư trụ sở Liên cơ quan số 3... Ông Phạm Văn Thể, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà, chia sẻ: Đây là sự đồng hành cả hai phía đều có lợi, thiết thực, hiệu quả; giúp doanh nghiệp dần gỡ nút thắt khó khăn, tạo việc làm cho công nhân lao động.

Xác định đồng hành cùng doanh nghiệp là quá trình xuyên suốt, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư trong thời gian triển khai dự án. Một trong những vấn đề khó nhất với các nhà đầu tư là công tác giải phóng mặt bằng đã được chính quyền các cấp vào cuộc quyết liệt. Theo lãnh đạo Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng thì trong quá trình thi công dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến công tác giải phóng mặt bằng là khó khăn nhất, bởi dự án có chiều dài 5,4km, rộng 25m, diện tích đất sử dụng 41,9ha, liên quan đến địa phận cả tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã rất tích cực tạo quỹ đất sạch, cũng như phối hợp với TP Hải Phòng nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư.

Để tạo điều kiện cho các dự án được triển khai nhanh nhất, thời gian thực hiện các thủ tục từ việc chấp thuận địa điểm nghiên cứu quy hoạch đến cấp giấy chứng nhận đầu tư đã được các sở, ngành của tỉnh cắt giảm tối đa. Điển hình, các dự án Nhà máy sản xuất sợi Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên, TP Móng Cái); hàng loạt siêu dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FLC... đã được triển khai với tiến độ thần tốc. Có những siêu dự án nghìn tỷ đồng, tỉnh cấp phép chỉ mất 3 giờ đồng hồ, như dự án chăn nuôi bò thịt và bò giống của Công ty TNHH Phú Lâm tại xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái), quy mô 1.000ha, tổng mức đầu tư 2.258 tỷ đồng. Hay như Công ty Texhong Ngân Long, tỉnh thậm chí còn hỗ trợ nhà đầu tìm nguồn nhân lực...

Theo đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì với chương trình hành động của tỉnh, Quảng Ninh đã theo rất sát Nghị quyết 35/NQ-CP, thậm chí Quảng Ninh đã làm rất tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp khi chưa có Nghị quyết 35/NQ-CP.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Cùng với việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, UBND tỉnh cũng ra Kế hoạch số 2614/KH-UBND triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Ninh năm 2016. Theo đó, mục tiêu đặt ra là đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 2 ngày làm việc; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày; thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày; thời gian thông quan hàng hoá qua biên giới dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu, dưới 12 ngày với hàng nhập khẩu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng xuống còn tối đa 200 ngày, thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp xuống còn 24 tháng; các chỉ tiêu hoàn thuế, quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4.

Những đề nghị của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long liên quan đến giá thuê đất, thuế, bảo hiểm xã hội đã được các cơ quan chức năng tháo gỡ, giải quyết. Trong ảnh: Tàu Ro Ro do Công ty đóng theo đơn đặt hàng của Damen Hà Lan.
Những đề nghị của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long liên quan đến giá thuê đất, thuế, bảo hiểm xã hội đã được các cơ quan chức năng tháo gỡ, giải quyết.Trong ảnh: Tàu Ro Ro do Công ty đóng theo đơn đặt hàng của Damen Hà Lan.

Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh đã đặt ra một số các giải pháp như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi nhiệm vụ, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường hoạt động thông tin và truyền thông, phân công nhiệm vụ các sở, ngành, địa phương và có kế hoạch tổ chức chi tiết... Cụ thể, trong công tác cải cách hành chính, đây được coi là chìa khoá mở cửa thu hút đầu tư, tỉnh đã chuẩn hoá và công khai các TTHC trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các TTHC liên quan đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp; chủ động sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi theo hướng đơn giản hoá tối đa, đồng thời chấp nhận nguyên tắc: Rủi ro chia đều cho tất cả, tránh tình trạng đưa ra các quy định hành chính theo hướng đảm bảo an toàn thuận lợi cho ngành mình, cấp mình, cá nhân mình và đẩy toàn bộ rủi ro, khó khăn cho cấp dưới, cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong cung cấp các TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực có mật độ giao dịch cao với nhà đầu tư, doanh nghiệp... Công bố công khai và kịp thời các cơ chế, chính sách, các quy hoạch của tỉnh, địa phương và của ngành, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và cơ hội đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật có quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp thực tiễn... để tham mưu bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh yêu cầu thủ trưởng các ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức các buổi tiếp xúc gặp gỡ với doanh nghiệp định kỳ theo lĩnh vực, địa bàn để kịp thời giải quyết mọi vướng mắc ngay tại cơ sở. Nội dung giải quyết tại hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp của các sở, ngành, địa phương phải được văn bản hoá bằng thông báo kết luận ban hành ngay sau khi kết thúc hội nghị, đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của sở, ngành, địa phương. Song song với đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập; quan tâm phát triển dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Khi tham mưu ban hành những chủ trương, chính sách của tỉnh có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư, các sở, ngành cần lấy ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Quảng Ninh tiếp tục phát huy hiệu quả của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh; nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI)... Điều này cho thấy tỉnh đã đưa nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trở thành một quyết tâm chính trị lớn. Với những giải pháp đồng bộ trong hỗ trợ doanh nghiệp cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Quảng Ninh đã được cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; minh chứng rõ ràng nhất là sự tăng trưởng vượt bậc của số lượng cũng như quy mô các dự án đầu tư trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2015, Quảng Ninh đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) toàn quốc.

Thanh Hằng

Báo Quảng Ninh