The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Quảng Ninh: Kiểm điểm kết quả thực hiện cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Ngày 12/8, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm kết quả thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành và các địa phương tham gia họp trực tuyến.

1

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, Tổ công tác PCI đã báo cáo đánh giá, kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); kết quả thực hiện khảo sát chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh (DDCI) năm 2016. Theo đó, năm 2016 , tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai các kế hoạch, chương trình hành động về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện ký cam kết với VCCI về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 35/NQ-CP và lần đầu tiên triển khai thực hiện ký Thỏa thuận hợp tác với VCCI về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020…

Với quyết tâm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tỉnh đã chỉ đạo và đồng loạt rà soát TTHC tại tất cả các ngành, lĩnh vực. Đến nay, tổng số TTHC trên địa bàn tỉnh là 1.284 TTHC. Thời gian giải quyết TTHC giảm trung bình 40% thời gian so với quy định của Trung ương. Thời gian thành lập doanh nghiệp (khi hồ sơ hợp lệ) chỉ mất tối đa là 2 ngày (giảm 1 ngày so với NQ 19); giảm 45-50% thời giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh (thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Doanh nghiệp kê khai thuế điện tử là 98% và tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 90%... Theo mục tiêu đặt ra trong năm 2016, để duy trì trong nhóm rất tốt của các tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Ninh sẽ phấn đấu duy trì 7 chỉ số ở thứ hạng rất tốt, 2 chỉ số ở thứ hạng tốt, 1 chỉ số ở thứ hạng khá.

Năm 2016, tỉnh chính thức triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng năng lực điều hành địa phương và sở, ban, ngành (gọi tắt là DDCI). Bộ chỉ số được xây dựng trên cơ sở những phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp (bao gồm cả các hợp tác xã và hộ kinh doanh) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đối tượng khảo sát là 29 cơ quan (tăng 16 cơ quan so với năm 2015), bao gồm 14 huyện, thị, thành phố trên toàn tỉnh và 15 sở, ngành có nhiều giao dịch với tổ chức kinh tế. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể dự kiến khảo sát khoảng 3.500-4.000 (tăng hơn 200% so với 2015).

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các sở ngành, địa phương và đặc biệt là những đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Chúng ta đã cam kết sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất và hiệu quả nhất để các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh. Sự thành công của một tỉnh, một địa phương chính là năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư tốt tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, chúng ta phải quán triệt và đồng thuận cao trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt và tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư chiến lược với nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động, tạo sự chuyển hướng tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh. Tuy nhiên, để duy trì vị trí trong Top 5, bảng sếp hạng PCI là một điều không hề dễ dàng. Đây cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi chúng ta phải luôn cố gắng tự đổi mới và khẳng định mình. Trên tinh thần quán Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, từng cấp, từng ngành, địa phương trong toàn tỉnh phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị, cùng quyết tâm kiến tạo chính quyền phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

Nhìn nhận lại quá trình thực hiện của các địa phương, sở ngành, cho thấy các chỉ số như gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, đào tạo lao động, tiếp cận đất đai có những tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, vẫn còn các chỉ số như cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần tổ chức sớm các buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp để trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp một cách kịp thời. Bên cạnh đó, công tác thông tin truyền thông, cần phải được tăng cường nhất là trong lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ quan truyền thông của tỉnh cần ưu tiên giành thời lượng, xây dựng các chuyên mục, chuyên đề hỗ trợ doanh nghiệp. Các trang Web của các địa phương, các ngành phải liên tục cập nhật các thông tin mới.

Đặc biệt, trong Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp sắp tới , Sở KH&ĐT phải tổng hợp ý kiến và đề xuất giải pháp để tất cả đề xuất, kiến nghị, khó khăn của DN phải được giải quyết kịp thời…

Lê Hải

Báo Quảng Ninh